Hà Nội: Vi phạm nồng độ cồn gấp đôi mức kịch khung, người đàn ông lao xe vào CSGT

Tác giả: Văn Huế

saosaosaosaosao
An toàn giao thông 06/02/2024 13:16

CSGT Hà Nội đang hoàn thiện hồ sơ xử lý nghiêm 2 trường hợp không chấp hành hiệu lệnh dừng xe của tổ công tác.


Hà Nội: Xử lý nghiêm hành vi vi phạm nồng độ cồn gấp đôi kịch khung lao xe vào tổ công tác- Ảnh 1.

Tổ công tác CSGT Hà Nội kiểm tra chuyên đề nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện lưu thông trên địa bàn.

Ngày 6/2, Phòng CSGT Công an thành phố Hà Nội cho biết, đang lập hồ sơ xử lý nghiêm 2 trường hợp không chấp hành hiệu lệnh dừng xe của tổ công tác, khi kiểm tra nồng độ cồn vượt gấp đôi mức kịch khung và không chịu ký biên bản vi phạm.

Trước đó, khoảng 21h10 ngày 5/2 tại nút giao Yec Xanh - Tăng Bạt Hổ, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) khi dừng một xe máy lưu thông theo hướng Tăng Bạt Hổ đi Lò Đúc, người đàn ông điều khiển xe máy, sau khi được lực lượng chức năng dừng xe yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn đã không chấp hành mà liên tục bỏ đi nơi khác. Sau thời gian thuyết phục, người này đã chịu đo nồng cồn. Kết quả là 0,884 miligram/lít khí thở, gấp đôi mức vi phạm kịch khung là 0,4 miligram/lít khí thở.

Ngay sau đó, lực lượng chức năng phát hiện 1 người đàn ông có biểu hiện tham gia giao thông mà trong hơi thở có nồng độ cồn. Điều đáng nói, sau khi thấy hiệu lệnh dừng xe của lực lượng CSGT, người đàn ông này đã tăng ga đâm vào tổ công tác hòng thoát thân. Kết quả đo nồng độ cồn của lái xe này cũng đạt mức gấp đôi kịch khung 0,805 miligram/lít khí thở.

Cả 2 trường hợp vi phạm trên đều không chịu làm việc, không ký nhận vào biên bản xử lý của lực lượng cảnh sát giao thông và đều đưa ra lý do mặc dù đã uống rượu nhưng vẫn tỉnh táo và không thể gây tai nạn được cho người khác.

Đại uý Đặng Việt Cường, cán bộ Đội CSGT đường bộ số 4, Phòng CSGT Công an TP. Hà Nội cho biết, với những trường hợp không ký biên bản, tổ công tác sẽ có đủ nhân chứng và có sự phối hợp với cơ quan báo chí đi theo tổ công tác để xác lập căn cứ xử lý. Người vi phạm không hợp tác như không chấp hành yêu cầu của cảnh sát giao thông, không ký biên bản vi phạm… là tự đánh mất quyền lợi của bản thân như khi tới cơ quan chức năng giải quyết sẽ phải chứng minh mình chính là người vi phạm và là chủ sở hữu phương tiện mới được làm việc.