Hà Nội có vỡ trận về ùn tắc giao thông?

02/10/2017 07:50

Để giảm ùn tắc giao thông, thời gian qua Hà Nội đã triển khai hàng loạt giải pháp như mở tuyến xe buýt nhanh, làm một số cầu vượt, thí điểm đỗ xe ngày chẵn lẻ... Hà Nội cũng đang trong quá trình hoàn thành tuyến đường sắt trên cao... Tuy nhiên vấn nạn ùn tắc giao thông của Thủ đô hiện nay vẫn còn là bài toán chưa có lời giải.

 

12m_BaoHaiquan_Vn
Vấn nạn ùn tắc giao thông ở Hà Nội vẫn là bài toán chưa biết bao giờ mới giải được. Ảnh: S.T.

Ì ạch các dự án

Trong khi điều kiện giao thông còn chật chội, hạ tầng giao thông quá yếu kém, các dự án giảm ùn tắc thì chưa được vận hành, chưa phát huy hiệu quả, việc phải chịu sức chứa một lượng lớn người và phương tiện như hiện nay khiến áp lực giao thông và mục tiêu giảm ùn tắc của Hà Nội đã khó càng khó hơn. Thống kê của Sở Giao thông vận tải Hà Nội, sau 10 năm (2006- 2016 ) dân số Hà Nội đã tăng thêm 2 triệu người, số lượng xe ô tô và xe máy đã lên tới con số 6 triệu phương tiện và dự kiến 2020 Hà Nội sẽ có 1 triệu ô tô và 7 triệu xe máy.

Theo ông Đặng Đình Đào, Viện Thương mại và kinh tế quốc tế, Đại học Kinh tế Quốc dân, hậu quả của ùn tắc giao thông hiện nay tại Hà Nội là sự trả giá đắt cho quy hoạch đô thị thiếu tầm nhìn dài hạn. Khi thực hiện lại bị méo mó do lợi ích nhóm chi phối với các biểu hiện như đường bị băm nát khi vừa hoàn thiện, xuống cấp nhanh, vỉa hè chật chội, bến xe, nhà ga xuống cấp, kém hiện đại. Bên cạnh đó, tình trạng ùn tắc trầm trọng ở nội đô còn do sự thiếu kết nối về cơ sở hạ tầng của các ngành sản xuất, dịch vụ; thiếu sự kết nối giữa các phương tiện vận tải từ bến đến ga, từ các khu chung cư đến các bến xe, bến tàu, làm gia tăng nhiều loại phương tiện giao thông bị dồn ứ, xung đột trên đường.

Ngoài ra, theo ông Đào, các loại xe taxi trên địa bàn thành phố hiện nay vẫn chưa có quy hoạch, xây dựng các bến đón và trả khách một cách khoa học, chủ yếu vẫn tự phát. Chưa kể, dịch vụ vận tải hàng hóa, hành khách tại các nhà ga, bến xe kém phát triển, gây phản cảm cho nhiều hành khách từ các địa phương khác đến.

Liên quan đến việc đầu tư các dự án giao thông kém hiệu quả dẫn đến thực tế ùn tắc tại nội đô chưa giải quyết hiệu quả, vừa qua Thanh tra Chính phủ đã ký ban hành kết luận thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật trong thực hiện một số dự án giao thông tại Hà Nội. Theo đó, Thanh tra Chính phủ công bố một số dự án lựa chọn nhà đầu tư ở thời điểm đó có năng lực tài chính hạn chế, không đảm bảo năng lực như Công ty cổ phần Tasco đối với dự án đầu tư xây dựng tuyến đường từ đường Lê Đức Thọ đến khu đô thị mới Xuân Phương; dự án đường trục phía nam tỉnh Hà Tây cũ do Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 5 (Cienco5) làm chủ đầu tư.

“UBND TP. Hà Nội đã thực hiện không đúng quy trình lựa chọn cũng như đánh giá năng lực, lựa chọn nhà đầu tư không đủ năng lực để thực hiện dự án. Hầu hết các dự án đều bị chậm tiến độ so với yêu cầu. Nguyên nhân do chủ đầu tư không đủ năng lực huy động vốn, bố trí vốn chủ sở hữu tham gia vào dự án của nhà đầu tư yếu kém không đảm bảo giải ngân theo tiến độ cam kết”, kết luận của Thanh tra Chính phủ nêu rõ.

Bên cạnh đó, một dự án lớn của TP. Hà Nội được triển khai thời gian qua để giảm ùn tắc giao thông là buýt nhanh. Sau khi vận hành một thời gian đã được đánh giá hiệu quả chưa cao. Tính đến thời điểm bắt đầu vận hành (ngày 31/12/2016), tuyến này tiêu tốn 41,6 triệu USD trong tổng mức đầu tư 53,6 triệu USD và còn một số hạng mục chưa hoàn thành. Và đến nay, sau gần 9 tháng kể từ ngày BRT Hà Nội chính thức vận hành, qua quan sát của phóng viên, phản ánh của những người đã từng tham gia buýt nhanh và một số chuyên gia giao thông, buýt nhanh thường xuyên chạy trong tình trạng thưa vắng khách, nhất là khoảng thời gian thấp điểm, các tuyến buýt nhanh chỉ lác đác vài khách, trong khi đó các tuyến buýt thường thường xuyên quá tải.

Hiện hai tuyến đường sắt đô thị ở Hà Nội là Cát Linh- Hà Đông và Nhổn- ga Hà Nội liên tục đội vốn, đang gánh nợ nhà thầu và lãi vay với con số khổng lồ, khó hoàn thành tiến độ đề ra khiến giấc mơ giảm ùn tắc của Hà Nội cứ ngày một lùi xa. 

Cần giải pháp tổng thể

Để giải quyết vấn nạn tắc đường ở Hà Nội, theo chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông, hiện chúng ta đang thực hiện việc quy hoạch sử dụng đất sau đó mới quy hoạch giao thông, điều này là chưa hợp lý trong khi các nước phát triển thực hiện quy hoạch tích hợp, giao thông gắn liền với sử dụng đất. Bên cạnh đó, nhiều dự án của Thủ đô đầu tư không theo quy hoạch trong khi tầm nhìn quy hoạch không dài lại không tuân thủ nghiêm túc trong quản lý quy hoạch.

Còn theo chuyên gia giao thông Bùi Danh Liên, ùn tắc giao thông Hà Nội là bài toán không thể giải trong một sớm một chiều. Bài toán này cần có sự tham gia đồng bộ của nhiều bộ, ngành và của cả người tham gia giao thông. Tất cả các giải pháp cần lấy ý kiến phản biện của nhân dân, giải quyết thấu đáo các phản biện trước khi thực hiện, tránh tình trạng dự án đưa đầu tư chi phí lớn, thời gian kéo dài song hoạt động lại chưa hiệu quả.

Theo ông Liên, những giải pháp trước mắt mà các cơ quan quản lý nên thực hiện đồng bộ như kẻ vạch phân làn đi thẳng, rẽ trái, rẽ phải tại các ngã tư ở Hà Nội nhằm tránh sự xung đột, cắt chéo nhau của các dòng phương tiện; bố trí biển báo, loa hướng dẫn trong thời gian đầu. Tại các khu dân cư, khu công nghiệp, khu sản xuất, khu du lịch, khu bảo tồn cụ thể có tầm nhìn khoảng 50 năm phải được quy hoạch rõ ràng, phải dừng việc cấp phép xây dựng các công trình có thể dẫn tới tăng số lượng tham gia giao thông ở nội đô (hiện nay).

Ngoài ra, Hà Nội phải đa dạng hóa các loại phương tiện giao thông công cộng sẽ giúp người Hà Nội không phải đi bộ quá 500m là đến được bến giao thông công cộng. Bất cứ khu vực nào cũng có giao thông công cộng phục vụ, bất cứ người ngoại tỉnh nào về Hà Nội cũng có thể sử dụng thuận tiện giao thông công cộng tại các bến xe liên tỉnh đầu mối. “Sau cùng ý thức của người tham gia giao thông cũng cần được cải thiện nếu không dù cơ quan quản lý có đưa ra giải pháp nào thì hiệu quả giảm ùn tắc cũng không cao”, ông Bùi Danh Liên nói.

Dự án đường sắt Cát Linh- Hà Đông có tổng mức đầu tư 552,86 triệu USD vào năm 2008 nhưng đến năm 2016, tổng mức đầu tư của dự án tăng lên 868,04 triệu USD (tăng 315,18 triệu USD). Hiện tại, khối lượng xây lắp tuyến đường sắt Cát Linh- Hà Đông đã hoàn thành 90%, vẫn còn khoảng 10% Dự án chưa được hoàn thiện. Với những gì đang diễn ra, nhiều chuyên gia dự báo, Dự án khó có thể kịp tiến độ và vận hành thử nghiệm vào tháng 10 như dự tính của Bộ Giao thông vận tải.

Ngoài ra, Dự án đường sắt đô thị Nhổn- ga Hà Nội liên tục đội kinh phí quá lớn. Cụ thể, tổng mức đầu tư của dự án phê duyệt năm 2009 là 783 triệu Euro, song đến năm 2013, dự án được phê duyệt điều chỉnh lại với tổng mức đầu tư tăng thêm 393 triệu Euro, nâng tổng mức đầu tư lên 1.176 triệu euro (tương đương 32.919 tỉ đồng).

Ý kiến của bạn

Bình luận