GTVT Việt Nam: 70 năm đồng hành cùng quân đội nhân dân Việt Nam

Tác giả: KHÁNH TOÀN

saosaosaosaosao
Chính trị 19/12/2014 09:10

Ngày 22/12/2014, Tổ quốc Việt Nam yêu quý của chúng ta cùng với bạn bè trên thế giới long trọng kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, một quân đội từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, mang lá cờ bách chiến bách thắng của dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.


Tháng 12 năm nay, ngoảnh về quá khứ đấu tranh giành và giữ Độc lập – Tự do của dân tộc, mỗi người Việt Nam không thể nào quên ngày 22/12/1944, tại khu rừng Trần Hưng Đạo, châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng thuộc Chiến khu Việt Bắc, theo chỉ thị của đồng chí Nguyễn Ái Quốc (tức Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của nhân dân Việt Nam sau này), đồng chí Võ Nguyên Giáp, thay mặt Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương đọc chỉ thị của đồng chí Nguyên Ái Quốc, tuyên bố thành lập đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân – Đội tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam ngày nay. 34 cán bộ, chiến sỹ trong Đội tiền thân đã xúc động lắng nghe đồng chí Võ Nguyên Giáp đọc chỉ thị của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, cùng hô vang lời thề: Sát cánh cùng nhân dân cứu nước; cùng ăn bữa cơm nhạt và nuốt trọn lời thề cứu nước dưới cánh rừng thiêng. Chính 34 cán bộ, chiến sỹ ấy đã ra quân, đánh thắng trận đầu, diệt gọn đồn địch ở Nà Ngần, Phay Khắt, làm nên truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam – truyền thống “Đánh thắng trận đầu”, “Đã ra quân là chiến thắng”.

Những cán bộ, chiến sỹ ấy sau này có bổ sung thêm những chiến sỹ mới, đổi tên thành Giải phóng quân, dưới sự chỉ huy của đồng chí Võ Nguyên Giáp, đã trang nghiêm đứng dưới gốc đa Tân Trào của tỉnh Tuyên Quang, hô vang lời thề cứu nước, hùng dũng tiến về xuôi, đánh tan quân địch ở Thái Nguyên và dọc đường tiến về Hà Nội, bảo vệ chính quyền cách mạng mà nhân dân vừa giành được.

Bảy mươi năm đã qua, kể từ ngày 22/12/1944 đáng nhớ, kể từ trận đầu đánh thắng ở Phay Khắt, Nà Ngần, Quân đội nhân dân Việt Nam đã từng bước trưởng thành và không ngừng lớn mạnh, xứng đáng là đội xung kích của toàn Đảng, toàn dân, đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược. Trong bước quân hành sáng chói của quân đội ta, một quân đội từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, luôn rất mực trung thành với đường lối lãnh đạo của Đảng, chiến đầu vì lợi ích của Tổ quốc và nhân dân nên khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng.

70 năm nhìn lại, mỗi cán bộ, chiến sỹ trưởng thành từ quân đội nhân dân đều không thể quên những con đường đã từng bước chân qua, những chuyến xe chở họ ra mặt trận. Đường hành quân qua đèo, qua suối; xe ô tô chở bộ đội, chở pháo, cối và lương thực ra mặt trận, trên khắp đất nước, trên khắp ba miền, cả Bắc – Trung – Nam, các tuyến giao liên, những con đường mới mở, những chuyến hàng theo bước hành quân…, trong đó có công sức, máu xương của ngành GTVT trong và ngoài quân đội.

Nhớ lại những ngày Tổng khởi nghĩa sục sôi trên cả nước không ai có thể quên, sau Hội nghị Tân Trào do Thường vụ Trung ương Đảng, đứng đầu là Hồ Chủ tịch chủ trì họp Quốc dân đại hội, quyết định Tổng khởi nghĩa trên cả nước, bầu ra Ủy ban khởi nghĩa, xác định tên nước là Việt Nam – Dân chủ – Cộng hòa; xác định quốc kỳ là cờ đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh; xác định quốc ca là bài “Tiến quân ca” của Văn Cao; bầu Chủ tịch Chính phủ cách mạng lâm thời là Hồ Chí Minh (tức đồng chí Nguyễn Ái Quốc) và 6 đồng chí khác, khí thế cách mạng đang sục sôi trong cả nước. Nhà thơ Cù Huy Cận, đại biểu Quốc dân đại hội, dự họp xong là tiến hành công tác dân vận để có xe ô tô đi tuyên truyền về cuộc Cách mạng tháng Tám ở ngoại thành Hà Nội. Đồng chí Nguyễn Khang, người chỉ huy cuộc khởi nghĩa ở Hà Nội đã cùng đồng chí Nguyễn Quyết – Bí thư Thành ủy Hà Nội tận dụng các xe ô tô của nhân dân và của địch bỏ lại ở công sở để gặp cán bộ chỉ huy quân đội Nhật ở Hà Nội, hòa đàm nhằm bảo đảm cho cuộc khởi nghĩa không đổ máu. Đồng chí Hoàng Quốc Việt và đồng chí Cao Hồng Lĩnh, người cán bộ của thành phố Đà Nẵng ra hoạt động ở Việt Bắc, được Bác Hồ và Thường vụ Trung ương Đảng của vào miền Nam nắm tình hình Tổng khởi nghĩa ở miền Trung và Nam bộ đã dùng xe ô tô của đồng chí Nguyễn Thị Thập, một cán bộ từ Nam bộ ra họp Hội nghị Tân Trào để vào Sài Gòn ngay trong những ngày cả nước sục sôi khởi nghĩa Tháng Tám.

Ngày đó, cách mạng còn non trẻ, dựa vào sức dân để vùng lên Tổng khởi nghĩa, phương tiện giao thông chủ yếu lấy từ tay giặc và sự giúp đỡ của các nhà buôn giàu có nhưng nặng lòng yêu nước ở Việt Nam. Vì vậy, phương tiện xe cộ, thuyền bè, xe lửa đều huy động từ nhân dân yêu nước và lấy từ cơ sở của địch để phục vụ cách mạng. Trước, trong và sau cuộc khởi nghĩa Tháng 8 – 1945, từ phong trào yêu nước của nhân dân, ngành GTVT phục vụ kháng chiến xuất phát từ đóng góp của nhân dân yêu nước mà từng bước hình thành và phát triển, tiến tới hùng mạnh, rộng khắp như hiện nay.

Trong cuộc kháng chiến chống Pháp 9 năm, bắt đầu từ Nam bộ kháng chiến đến chiến dịch Điện Biên Phủ, phương tiện vận tải đều dựa vào sức dân, tiến lên, thu lượm xe cộ từ chiến lợi phẩm của địch và sau này, khi khai thông biên giới Việt – Trung là sự giúp đỡ của Liên Xô, Trung Quốc. Từ căn cứ địa Việt Bắc – Thủ đô của cuộc kháng chiến chống Pháp, các đường ô tô được sửa chữa lại và mở rộng thêm. Đường ô tô xuyên rừng, núi và đồng bằng, từ Việt Bắc đến Đông Bắc, Tây Bắc xuống Liên khu Ba, vùng tự do Liên khu Bốn, các vùng giải phóng Thượng Lào, Trung Lào, vùng tự do Liên khu 5 (bao gồm gần trọn 4 tỉnh: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên) nối với vùng hạ Lào và miền Đông Camphuchia, tạo thế liên hoàn từ căn cứ địa Việt Bắc nối với chiến khu miền Đông Nam bộ và Đồng Tháp, U Minh. Cả một vùng hậu phương bao la kéo dài từ biên giới Việt – Trung đến các vùng ngập mặn ở tận cùng đất nước, trong những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Pháp đã trở thành căn cứ – hậu phương vững chắc của ta. Ngoài đôi chân, đôi vai vạn dặm của bộ đội, dân công, hệ thống hậu cần của quân đội ta còn được vận chuyển bằng ngựa, bằng xuồng, xe đạp, xe thồ, xe ô tô và cả tàu hỏa. Các đoạn đường sắt do lực lượng kháng chiến làm chủ từ Yên Bái đến ga Mậu A; từ Minh Cầm đến phía nam Liên khu IV và 264km đường sắt nối liền 4 tỉnh: Quảng Nam – Quảng Ngãi – Bình Định – Phú Yên được bảo vệ vững chắc suốt cuộc kháng chiến, đã trở thành phương tiện giao thông đắc lực, nối liền hậu phương lớn với tiền tuyến lớn. Theo con số thống kê chưa đầy đủ của Ban Tổng  kết cuộc kháng chiến chống Pháp, từ năm 1950 đến năm 1954, từ Liên khu Năm trở ra, nhân dân ta đã góp 48,4 triệu ngày công phục vụ các chiến dịch lớn, trong đó dân công làm đường giao thông vận tải từ Liên khu Bốn trở ra đã góp 20,6 triệu ngày công. Ở Nam Bộ, theo con số thống kê chưa đầy đủ của Ban Tổng kết chiến tranh Nam bộ và Nam Trung bộ, nhân dân đã đóng góp 15 vạn ngày công và 15 vạn xuồng chuyên chở bộ đội trên các kênh rạch trong các chiến dịch, góp gần 300 ô tô vận tải và ô tô khách phục vụ khánh chiến. Riêng chiến trường Bắc bộ đến phía Nam khu Bốn, dân công và bộ đội công binh đã khôi phục 3.670km đường cũ, làm mới 500km, trong đó có 2.080km đường GTVT chiến lược cho xe cơ giới từ biên giới Việt – Trung, phía Cao Bằng, Lạng Sơn sang Lai Châu, Điện Biên Phủ, phía Tây Bắc, qua Hòa Bình, vào phía nam Hà Tĩnh. Đặc biệt, trong chiến dịch Điện Biên Phủ, để có đường cho xe cơ giới và pháo binh cơ động lên mặt trận, dưới sự chỉ đạo của bộ đội công binh, công nhân cầu đường và dân công hỏa tuyến đã làm việc suốt ngày đêm dưới làn bom đạn của địch, làm mới và sửa chữa nhiều tuyến đường quan trọng từ các ngả lên Tây Bắc, từ Thanh Hóa lên Tuần Giáo và Điện Biên Phủ. Tính chung, trong cả chiến dịch, riêng ngành Công đoàn đã huy động được gần 21.000 xe đạp thồ, 11.800 thuyền, mảng, ca-nô, 500 ngựa thồ, hơn 260.000 dân công phục vụ chiến dịch. Công nhân lái ô tô đã vận chuyển 4.188.000 tấn hàng/km ra mặt trận.

Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, từ thắng lợi của cách mạng Việt Nam, chúng ta đã tranh thủ được sự giúp đỡ của Liên Xô, Trung Quốc, đặc biệt trong chiến dịch Điện Phủ. 7 tháng của năm 1950 (từ tháng 5 đến tháng 12/1950), ta tiếp nhận 120 tấn xăng, dầu. Năm 1951: 776 tấn; năm 1952: 610 tấn; năm 1953: 1.516 tấn; năm 1954: 2.047 tấn. Đặc biệt, Liên Xô đã giúp Việt Nam 685 xe ô tô vận tải, 12 khẩu pháo hỏa tiễn, 76 khẩu pháo cao xạ 37mm… Đó là chưa kể đến sự giúp đỡ về vũ khí, đạn dược, quân giới, gạo, thực phẩm, quân trang, máy móc thông tin và máy móc quân y.

Sự giúp đỡ quý báu của Liên Xô, Trung Quốc và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới đã góp phần quan trọng cùng nhân dân Việt Nam đưa cuộc kháng chiến chống Pháp đến thắng lợi hoàn toàn.

Tuy nhiên, việc kẻ thù phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ, lập lại hòa bình ở Việt Nam chỉ là một bước lùi trên đường thua trận của chủ nghĩa đế quốc. Hòa bình đã lập lại trên miền Bắc nhưng ở miền Nam, đế quốc Mỹ vẫn chưa từ bỏ dã tâm xâm chiếm nước ta. Âm mưu của Mỹ muốn hất chân Pháp kể từ khi ồ ạt viện trợ cho Pháp trong thời gian cuối của cuộc kháng chiến chín năm của nhân dân Việt Nam. Ngay từ năm 1950, Mỹ đã viện trợ cho Pháp ở Đông Dương 133 triệu USD, chuyển giao khối lượng lớn vũ khí, máy bay chiến đấu, tàu chiến và xe quân sự cho Pháp. Bước sang năm 1954, Mỹ viện trợ cho Pháp ở Đông Dương lên tới 1 tỷ USD, chiếm 78% chi phí của Pháp trong cuộc chiến tranh ở Đông Dương, nâng tổng số viện trợ của Mỹ cho Pháp và “Chính phủ quốc gia Việt Nam” lên tới 4 tỷ USD (Theo tài liệu mật của Mỹ ở Lầu Năm góc). Đế quốc Mỹ ra sức phá hoại Hiệp định Giơ-ne-vơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, dựng nên chính quyền bù nhìn Ngô Đình Diệm, dùng bộ máy độc tài, gia đình trị này để chống phá cách mạng miền Nam, hô hào Bắc tiến. Từ năm 1958, khoảng 9 phần mười cán bộ, đảng viên ở Nam bộ với 7 vạn cán bộ, đảng viên bị địch giết chết; gần 7 vạn cán bộ, đảng viên bị địch giết chết; gần 90 vạn cán bộ, nhân dân bị bắt tù đầy; gần 20 vạn người bị bắt, bị tra tấn thành tàn tật. Ở thời điểm ấy, ở Nam bộ chỉ còn 5.000 cán bộ, đảng viên. Chẳng hạn, ở tỉnh Bến Tre chỉ còn 162 đảng viên; tỉnh Tiền Giang còn 92 đảng viên; ở Gia Định, Biên Hòa, mỗi nơi chỉ còn 01 Chi bộ Đảng. Ở khu 5 (bao gồm cả Trị – Thiên và cực Nam Trung bộ) đã có khoảng 40% Tỉnh ủy viên, 60% Huyện ủy viên, 70% Chi ủy viên cấp xã bị bắt, bị giết. Có tỉnh chỉ còn 02 đến 03 Chi bộ. Tính ra, chỉ còn 12 huyện đồng bằng có Chi bộ Đảng. Riêng Quảng Trị, Thừa Thiên chỉ còn 160/23.400 đảng viên còn sống. Âm mưu bắt, giết, bỏ tù những đảng viên cộng sản và những người kháng chiến chống Pháp chín năm của chính quyền Ngô Đình Diệm, tay sai của đế quốc Mỹ đã biến cả miền Nam thành một nhà tù khổng lồ, đau thương, tang tóc ngút trời, không sao kể xiết.

Tháng 01/1959, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 15 (khóa II) do Hồ Chủ tịch chủ trì, đã các định rõ: Con đường của cách mạng miền Nam chỉ có thể là bạo lực cách mạng. Tháng 9/1960, Đại hội toàn quốc lần thứ 3 của Đảng được tổ chức tại Hà Nội, xác định hai nhiệm vụ chiến lược của toàn dân, toàn Đảng là: Đưa miền Bắc tiến lên CNXH, dùng bạo lực đấu tranh cách mạng để giải phóng miền Nam, thực hiện thống nhất nước nhà. Với Nghị quyết 15 của Ban Chấp hành Trung ưởng Đảng (Khóa II) và Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 3 (tháng 9/1960), cả miền Nam rùng rùng nổi dậy, đồng loạt tiến hành cuộc ra quân đồng khởi trên toàn miền, làm lung lay chế độ độc tài phát xít, gia đình trị của Ngô Đình Diệm, tay sai của đế quốc Mỹ. Tiếp đó, cả nước đồng lòng đánh bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ ở miền Nam (từ 1961 đến giữa 1965); đánh bại “Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ ở miền Nam (từ giữa năm 1965 đến hết năm 1968) và đánh bại chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân Mỹ đối với miền Bắc XHCN (từ tháng 8/1964 đến cuối năm 1968); đánh bại chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ ở miền Nam (1969 – 1973) và đập tan cuộc tập kích chiến lược bằng B52 của đế quốc Mỹ đối với miền Bắc XHCN (tháng Chạp năm 1972), buộc Mỹ phải ký Hiệp định Pa-ri, rút hết quân Mỹ và quân chư hầu về nước; đánh bại “Cuộc chiến tranh lấn chiếm và bình định” của ngụy quân, ngụy quyền hòng tiếp tục chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ, tạo thế, tạo lực, tạo thời cơ, kiên quyết tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, kết thúc oanh liệt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vẻ vang của dân tộc (01/1973 – 4/1975).

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc, ngành GTVT trong và ngoài quân đội đã có những đóng góp cực kỳ to lớn, góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc chiến tranh. Tháng 5/1959, đường mòn Hồ Chí Minh trên đỉnh Trường Sơn được mở ra, đã thành con đường quyết tâm giải phóng miền Nam của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Từ 1961 đến 1963, qua đường giao liên 559, 4 vạn cán bộ, chiến sỹ đã từ miền Bắc hành quân vào miền Nam chiến đấu, trong đó có 2.000 cán bộ lãnh đạo, chỉ huy và nhân viên kỹ thuật. Người đi, vũ khí cùng đi theo. Bộ đội ta đã mang theo 165.000 khẩu súng các loại để trực tiếp chiến đấu. Năm 1964, bộ đội từ miền Bắc vào miền Nam chiến đấu tăng 14 lần so với năm 1960 với số lượng 17.427 người, trong đó có nhiều cán bộ quân sự cấp cao, có kinh nghiệm xây dựng và tác chiến tập trung của bộ đội chủ lực; vũ khí, phương tiện chuyển vào miền Nam lên tới 3.435 tấn, tăng gấp 10 lần so với năm 1960. Trong 2 năm 1965 – 1966, miền Bắc đưa vào miền Nam 101.590 cán bộ, chiến sỹ quân đội và cán bộ Dân – Chính – Đảng, 27.000 tấn hàng và 15 triệu USD. Năm 1968, miền Bắc đưa vào miền Nam 14 vạn quân, gấp 03 lần năm 1965, chuyên chở vào miền Nam 7 vạn tấn hàng, gấp 8 lần năm 1965. Ta nêu những con số ở một số giai đoạn khác nhau để khẳng định: Ngành vận tải quân sự và vận tải dân sự đã phối hợp với nhau rất chặt chẽ để chuyển quân, chuyển vũ khí, thuốc men, lương thực, thực phẩm… rất nhịp nhàng trên từng cung đoạn, khẳng đinh sức mạnh và gắn bó của GTVT trong và ngoài quân đội.

Trong ba năm, từ tháng 4/1965 đến tháng 11/1968, đế quốc Mỹ cho máy bay ào ạt đánh phá miền Bắc XHCN, cho hải quân áp sát vùng biển Việt Nam, bắn pháo liên tục từ vĩ tuyến 17 trở ra. Ngành vận tải quân sự đã kéo pháo và tên lửa của bộ đội phòng không cơ động đến các trận địa bảo vệ cơ sở kinh tế, văn hóa, bắn rơi hàng ngàn máy bay Mỹ. Các chiến sỹ lái xe không quân bắn máy bay Mic, kịp thời chuyên chở tên lửa đến chỗ máy bay phản lực, phục vụ không quân đánh thắng. Ở giai đoạn này, nhiều đoàn ô tô vận tải dân sự đã kết hợp với ô tô vận tải quân sự thực hiện khẩu hiệu: “Địch phá, ta cứ đi”; “Địch lại phá, ta lại sửa ta đi”. Trên các cung đường của hậu phương miền Bắc, các đoàn Thanh niên xung phong đều chốt giữ trên các cung đường, sẵn sàng sửa chữa các đoạn đường địch đánh phá, mở mới các cung đường cho xe, pháo cơ động đánh địch. Cả nước đều đánh đế quốc Mỹ theo lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch: “Nam – Bắc thi đua đánh giặc Mỹ. Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta”. Có thể nói: Trên khắp đất nước ta, những tháng năm đánh Mỹ, cả bộ đội công binh, Thanh niên xung phong và nhân dân đều phối hợp mở đường, cùng nhau tác chiến trên các cung đường từ hậu phương ra tiền tuyến để phục vụ bộ đội đánh giặc. Vì vậy, cả hai cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ đối với miền Bắc XHCN, hậu phương vẫn ngẩng cao đầu, vừa bắn rơi máy bay Mỹ, vừa chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Trên các ngả đường giao thông của miền Bắc XHCN, trong gần 5 năm địch liên tục đánh phá nhưng “địch phá, ta cứ đi”, ngày đêm vẫn rầm rập những đoàn xe tiến ra tiền tuyến. Từ Quân khu 4 đến miền Đông Nam bộ, trên đường Trường Sơn tây, mở ra từ năm 1959 đến đường Trường Sơn đông, mở ra từ năm 1973, 1974, xe, pháo, xăng, dầu, lương thực, thực phẩm, đạn dược vẫn hối hả ra tiền tuyến, theo bước hành quân của chiến sỹ. Chính vì vậy, mùa Xuân 1975, bốn quân đoàn chiến lược của ta đã hành quân cơ động bằng ô tô, tàu hỏa, áp sát quân thù, đánh trận cuối cùng vào sào huyệt địch, tạo thời cơ cho nhân dân nổi dậy, giành toàn thắng trên khắp miền Nam, thu giang sơn về một mối, đưa cả nước cùng tiến lên CNXH.

Chúng ta còn nhớ, ngày đất nước hòa bình, thống nhất mới được hai năm, “niềm vui đến chẳng tày gang”, biết bao công việc của đất nước còn bề bộn ở 3 miền: Bắc – Trung – Nam thì Tập đoàn Pôn-pốt-I-iêng-xa-ri đã xua quân sang xâm lược Việt Nam ở biên giới Tây Nam, chủ nghĩa bành trướng tung quân xâm lược Việt nam ở toàn tuyến biên giới phía Bắc. Hưởng ứng lời kêu gọi của Mặt trận đoàn kết dân tộc Campuchia, các quân đoàn chủ lực của bộ đội Việt Nam cùng lực lượng bộ đội địa phương và dân quân tự vệ của Quân khu 5, Quân khu 7, Quân khu 9 đã hành quân sang giúp bạn, cùng quân đội cách mạng và nhân dân Campuchia đập tan chế độ diệt chủng Pôn-pốt-I-iêng-xa-ri, lập nên nước Cộng hòa nhân dân Campuchia, cứu nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng. Với sứ mạng vẻ vang, được Đảng và nhân dân giao phó, các binh đoàn của lực của quân đội ta lại kịp thời lật cánh ra biên giới phía Bắc, cùng bộ đội địa phương và dân quân tự vệ của 6 tỉnh biên giới phía Bắc đánh lui 60 vạn quân xâm lược bành trướng rồi bám trụ hơn 10 năm cho đến ngày cả biên giới phía Bắc và biên giới Tây Nam trở lại thanh bình.

Chiến thắng vẻ vang trong hai cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc, ngành GTVT Việt Nam đã phối hợp cùng lực lượng vận tải quân sự bảo đảm cho quân đội ta cơ động nhanh, tiếp cận trận địa kịp thời, đánh địch có hiệu quả. Binh đoàn Hương Giang từ Quảng Trị đã cơ động điều chuyển xe tăng, xe thiết giáp bằng tàu biển, cơ động bộ đội bằng máy bay vận tải quân sự và dân sự Quảng Trị vào Tân Sơn Nhất rồi lên xe ô tô vận tải quân sự và dân sự tiến thẳng vào biên giới Tây Nam. Khi biên giới phía Bắc lên tiếng gọi vào sáng 17/02/1979, ngay lập tức, binh đoàn Hương Giang và đinh đoàn Tây Nguyên, từ Campuchia lật cánh ra trận địa biên giới phía Bắc, cùng binh đoàn Quyết Thắng bảo vệ biên giới phía Bắc. Những cuộc “lật cánh” vĩ đại ấy đều có sự chuyên chở của ngành Hàng không, ngành Vận tải biển và ngành ô tô vận tải dân sự, tạo nên sự cơ động kịp thời để bộ đội đánh thắng.

Tháng 12 năm nay, khi Quân đội nhân dân Việt Nam tròn 70 năm tuổi thì đất trời, Tổ quốc, từ Trường Sơn đến Trường Sa, từ các đảo ở ven biển và giữa biển khơi, từ cao nguyên Đồng Văn đến Cà Mau, đất mũi, non sông liền một dải, sạch bóng quân thù. Nhưng, ở phía khơi xa, quần đảo Hoàng Sa vẫn do quân đội nước ngoài chiếm đóng. Từ ngày 01/5/2014 đến 15/7/2014, chính quyền quân đội nước ngoài đang chiếm giữ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đã cho dàn khoan HD-981 ngang nhiên định vị để thăm dò vùng lãnh hải thuộc chủ quyền Việt Nam. Bằng sức mạnh của toàn dân tộc và dư luận trên thế giới, dàn khoan HD-981 đã phải rút khỏi lãnh hải nước ta vì đó không phải “ao nhà” của họ. Hoàng Sa vẫn là một huyện của Thành phố Đà Nẵng thuộc chủ quyền Việt Nam, nhất định “con voi Hoàng Sa” trong đàn voi của toàn dân tộc sẽ có dịp quay về cùng Tổ quốc Việt Nam yêu quý.

70 năm nhìn lại một chặng đường hơn hai phần ba thế kỷ hình thành và phát triển của Quân đội nhân dân Việt Nam, mỗi cán bộ, chiến sỹ đã và đang đứng trong hàng ngũ của đội quân bách chiến, bách thắng ấy; mỗi người dân Việt Nam đã từng nuôi dưỡng, chở che cho đội quân làm nên truyền thống vẻ vang trong bảy thập kỷ oanh liệt ấy mãi mãi tin yêu như lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khen ngợi: “Quân đội ta trung với nước, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.

Ý kiến của bạn

Bình luận