Giữ bình yên trên những tuyến sông Thủ đô

Tác giả: Hữu Minh

saosaosaosaosao
30/08/2017 14:59

Đảm bảo bình yên cho những tuyến sông trên địa bàn Thủ đô là một nhiệm vụ quan trọng. Những năm qua, các chiến sỹ Cảnh sát Đường thủy ngày đêm canh giữ, góp phần giữ gìn an ninh trật tự giao thông thủy cho Thủ đô.

_DSC5251
Cảnh sát Đường thủy Hà Nội tuần tra trên sông Hồng

Cuộc chiến thầm lặng trên sông

Hà Nội hiện có 15 tuyến sông lớn, nhỏ các loại với tổng chiều dài 493,3km, trong đó có 7 tuyến sông có hoạt động khai thác cát, sỏi, nạo vét, tình trạng vi phạm trên lĩnh vực này khá “nóng”. Để đảm bảo bình yên trên những tuyến sông, Phòng Cảnh sát Đường thủy, Công an TP. Hà Nội chủ động xây dựng kế hoạch đến gắn chặt trách nhiệm giữa các đơn vị địa bàn, công tác đấu tranh, xử lý đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực khai thác tài nguyên cát, sỏi trên các tuyến sông, tình hình mất trật tự trên các tuyến đò ngang, bãi tập kết vật liệu trái phép…

Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Giám đốc Công an TP. Hà Nội, Ban Chỉ huy Phòng Cảnh sát Đường thủy luôn xác định công tác đảm bảo TTATGT, phòng, chống, xử lý nghiêm các hành vi khai thác cát trái phép là nhiệm vụ trọng tâm.

Thượng tá Dương Đức Hải - Trưởng phòng Cảnh sát Đường thủy, Công an TP. Hà Nội chia sẻ, kể từ khi các cơ quan chức năng thắt chặt việc cấp phép nạo vét luồng, khai thác mỏ để rà soát dẫn đến khan hiếm cát, đẩy giá cát lên cao dẫn đến tình trạng ở một số địa bàn như Hà Nội, các đối tượng bất chấp việc kiểm tra, xử lý của Cảnh sát Đường thủy đã tìm đủ mọi cách khai thác trộm khoáng sản. Chúng sử dụng mọi phương thức, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, dùng hệ thống hút cát công suất lớn cùng vòi hút tự động, nhanh chóng khai thác số lượng cát lớn và tẩu thoát nhanh khi bị lực lượng chức năng phát hiện. Nhiều đối tượng “cát tặc” còn hoán cải, tự chế phương tiện cỡ lớn hút trộm cát vào ban đêm, khu vực hẻo lánh ít người qua lại cũng như khi vắng bóng lực lượng chức năng. Các đối tượng khi bị lực lượng chức năng phát hiện, kiểm tra, xử lý thường tìm mọi cách chống đối và tẩu tán tài sản, tang vật.

“Điển hình như vụ việc ngày 18/6, Phòng Cảnh sát Đường thủy đã phát hiện phương tiện PT-1998 do Nguyễn Văn Giáp (sinh năm 1983 ở Chu Minh, Ba Vì, Hà Nội). Khi bị truy đuổi, Giáp và một số đối tượng trên phương tiện đã có hành vi cản trở người thi hành công vụ, quay đầu bỏ chạy. Tổ công tác đã tăng cường lực lượng, cưỡng chế đưa phương tiện và người vi phạm về nơi neo đậu an toàn, bàn giao vụ việc cho Công an huyện Ba Vì tiếp tục thụ lý”, Thượng tá Hải nhấn mạnh.

Mặt khác, trong công tác xử lý đối với vi phạm khai thác cát trái phép của lực lượng Cảnh sát Đường thủy không chỉ trên thượng nguồn sông Hồng nơi bắt đầu vào địa phận Hà Nội, mà còn xuôi về hạ lưu giáp với khu vực các tỉnh Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định... Với sự sát sao đó, đến nay tình hình khai thác cát trái phép trên địa bàn Hà Nội đã cơ bản được giải quyết.

Tuy nhiên, tại một số điểm giáp ranh với các tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hưng Yên..., một số trường hợp đã lợi dụng các công ty được cấp phép khai thác cát dưới lòng sông để hoạt động, gây phức tạp tình hình. Hơn nữa, rất khó để phân định rạch ròi đâu là địa phận tỉnh Phú Thọ, đâu là mặt nước thuộc Hà Nội giữa mênh mông sông Hồng. Thậm chí, ngay cả khi các tàu thuyền này đậu ở phía bờ sông bên kia nhưng có khi “vòi rồng” lại thò sang lòng sông thuộc địa bàn Hà Nội. Do vậy, lực lượng Cảnh sát Đường thủy Hà Nội phải quyết liệt nhưng cũng đầy khéo léo mới có thể “bắt tận tay, day tận trán” những hành vi phá hoại này.

Vì cuộc sống bình yên sông nước

Thời gian vừa qua, các đơn vị của Công an Thành phố đã phát hiện, kiểm tra xử lý 235 vụ, 312 đối tượng, tạm giữ 289 tàu thuyền các loại. Qua xác minh điều tra, Công an Thành phố đã hoàn thiện hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính 187 vụ, thu giữ nhiều tàu thuyền vi phạm. Trong đó, Phòng Cảnh sát Đường thủy đã phát hiện, kiểm tra xử lý hơn 6.000 trường hợp vi phạm.

Hiện nay, đất nước đang đẩy mạnh công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, nhiều tuyến giao thông đường thủy, cảng, bến sẽ được xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp và cấp phép hoạt động nên phương tiện giao thông đường thủy nội địa sẽ tiếp tục tăng cao. Các hoạt động như vận tải, khai thác tài nguyên môi trường, hoạt động thủy sản, du lịch trên đường thủy nội địa sẽ phát triển sôi động; tình hình TTATGT và trật tự xã hội trên các tuyến sông của Hà Nội sẽ có những diễn biến phức tạp mới.

Nhằm thực hiện có hiệu quả công tác đảm bảo giao thông thông suốt, trật tự, an toàn, bảo vệ tài sản và bảo vệ môi trường, hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại về người và tài sản do TNGT gây ra, Phòng Cảnh sát Đường thủy, Công an TP. Hà Nội chủ động phối hợp với các cơ quan thông tin, truyền thông, các tổ chức đoàn thể đổi mới, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về giao thông đường thủy nội địa sâu rộng trong nhân dân, nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về giao thông đường thủy nội địa của người tham gia giao thông, vận tải trên các tuyến sông; phát động phong trào quần chúng tham gia bảo vệ TTATGT đường thủy, xây dựng các mô hình quần chúng tự quản về an ninh trật tự; tổ chức các đợt cao điểm tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm, tài nguyên môi trường theo chuyên đề, tập trung vào những vấn đề nổi cộm, bức xúc ở các tuyến, các địa bàn trọng điểm phức tạp về ATGT, phối hợp với các bộ, ngành tiếp tục thực hiện có hiệu quả.

Mặt khác, đơn vị tiếp tục tăng cường kiểm tra, xử lý những vi phạm Luật Giao thông đường thủy; tập trung chủ yếu vào các lỗi như neo đậu sai quy định, chở quá tải, người đi đò không mặc áo phao...

Đặc biệt, Phòng Cảnh sát Đường thủy, Công an TP. Hà Nội nêu cao tinh thần thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh - Công an nhân dân vì nước quên thân vì dân phục vụ”, Cuộc vận động “Công an nhân dân chấp hành nghiêm điều lệnh, xây dựng nếp sống văn hóa vì nhân dân phục vụ” trong toàn lực lượng Cảnh sát đường thủy Hà Nội, xứng đáng với trọng trách mà Đảng và nhân dân giao phó

Ý kiến của bạn

Bình luận