Gió thổi cột điện 500kV đổ ào ào: Chất lượng thi công kém

Xã hội 24/04/2016 09:31

Không chỉ do nền móng cột điện chất lượng kém, mà còn có thể do chất lượng thép kết cấu của cột điện không đảm bảo.

Móng toàn đá dăm, sắt thép như cái đũa

Sáng ngày 22/4, một trận mưa lớn kèm theo giông lốc đã làm đổ 3 cột điện đường dây 500 KV (Quảng Ninh - Hiệp Hòa, Bắc Giang) đoạn qua xã Tiến Dũng, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang.

Trao đổi với Đất Việt, ngày 23/4, trước sự việc trên, ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND xã Tiến Dũng cho biết: "Trận giông xảy ra vào lúc 7h sáng ngày 22/4, với sức cũng khá lớn, nhưng ngoài các cây cột điện trên cánh đồng bị quật đổ, thì chỉ có 1 nhà dân lợp mái Fibro xi măng bị bay mái.

Ngoài ra không có bất kỳ thiệt hại nào khác xảy ra trên địa bàn xã, trận giông lớn nhưng chỉ diễn ra trong vòng khoảng 30 phút, vì gần sáng nên không bị ảnh hưởng đến con người".

Theo ông Sơn tiết lộ, thì những cột điện này được lắp đặt trên địa bàn xã đã được 2 năm, từ năm 2014. Điều đáng nói, từ năm 2014 đến nay chưa có một trận giông nào lớn như trận giông vừa qua xảy ra.

Gió thổi cột điện 500kV đổ ào ào Chất lượng thi cô
3 cột điện đổ dây chuyền.

"Ngay sau khi xảy ra sự việc, chúng tôi cũng ra hiện trường quan sát, làm việc cùng với lực lượng công an, Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia và Công ty Truyền tải điện 1 cũng đã có mặt tại hiện trường phối hợp với chính quyền địa phương để khắc phục sự cố và điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ việc.

Tôi cũng thấy khi bật gốc lên, thì có thấy sử dụng nhiều loại sắt từ phi 16,22,30, nền bên dưới được làm bằng đá dăm.

Nhưng việc sử dụng lượng sắt thép như vậy có đủ để đảm bảo an toàn hay không, đúng thiết kế hay không thì phải các cơ quan chuyên môn, chiểu theo thiết kế mới có thể khẳng định được.

Còn chúng tôi cũng chỉ là người dân thường, nhìn thấy như vậy thì phản ánh, còn việc đánh giá rất cần cơ quan chuyên môn", ông Sơn cho biết thêm.

Bên cạnh đó, theo ông Sơn, đường dây 500 Kv trên truyền tải kết nối từ Mông Dương, Đông Triều (Quảng Ninh) về Hiệp Hòa (Bắc Giang), nên những địa phương trên sẽ chịu mất điện một vài ngày, chờ sửa chữa, khắc phục, còn chính xã Tiến Dũng không bị ảnh hưởng.

Những giả thiết có thể xảy ra

Là người có nhiều kinh nghiệm về xây dựng, TS Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho hay: "Đối với những cột điện cao được lắp đặt tại các vùng, cần phải có bài toán cụ thể về tình trạng chịu lực của nó, thứ nhất, trong quá trình đang xây dựng; thứ hai, trong quá trình chịu gió; thứ ba, trong một số vùng phải tính đến lực động đất.

Còn những tính toán khác về cường độ, nền móng trong thiết kế phải bảo đảm chịu được lực cũng như các tác động bên ngoài".

Cụ thể, với cột điện cao áp 500kV, trong quá trình xây dựng vì một lý do nào đó mà đứt một số dây, nếu hai bên đều căng dây, thì lực đều không bị đổ. Nhưng nếu một bên có nhiều dây, một bên ít dây hơn, thậm chí chưa có dây thì hiển nhiên lực hai bên kéo không đều, gây đổ.

Ở đây lực kéo phụ thuộc cự ly giữa hai cột, cột cao hơn sẽ kéo mạnh hơn, cột thấp hơn thì tất nhiên lực kéo sẽ ít hơn, do đó, ngay cả không đứt dây nào trong trường hợp mất cân bằng, thì cột cao cũng sẽ kéo theo các cột khác đổ".

Chính vì thế, theo ông Liêm, người thiết kế phải làm các dây kéo phụ ra thêm, đóng xuống dưới đất, phụ cho các bên lực yếu hơn để có sức mạnh tương đương, kéo từ đỉnh cột, đóng xuống dưới đất.

Đối với giông gió có lực đẩy ngang, nên hoàn toàn cột phải đứng, phải tính toán làm sao cho chân cột móng khỏe, chắc, đủ rộng, ổn định. Nếu tính toán không chịu được lực thì phải tăng thêm dây kéo cắm vào hai bên cột.

"Ở đây, bản thân các cột chôn vào đất cũng rất quan trọng, yêu cầu móng phải bền vững, cột chôn vào bằng những cái bu lông, đổ bê tông cho chắc chắn, khi có lực kéo bật lên, bu lông sẽ kéo trở lại, không cho nghiêng về 1 phía.

Cho nên, với trường hợp các cột điện vừa qua bị đổ, theo tôi không phải riêng vì móng mà sự yếu của bản thân cái cột điện. Cụ thể, một số thanh thép yếu quá, bị gió bẻ cong, lúc đó là cột gẫy không phải cột đổ.

Cột đổ là cả cột còn nguyên, đổ nghiêng, còn thép yếu thì nó sẽ gẫy, tôi nhìn ảnh sự việc xảy ra thì thấy chủ yếu là cột gẫy, chứ không phải cột đổ. Cột đó là bị xoắn hoặc bị gió đẩy, do một số thanh thép yếu quá, chịu không nổi nên gập lại, nên cột đổ về phía đó, TS Liêm khẳng định.

Ý kiến của bạn

Bình luận