Giáo dục nghề nghiệp trước yêu cầu đổi mới

02/03/2017 05:20

Trong những năm qua, hệ thống các cơ sở dạy nghề, các trường trung cấp chuyên nghiệp và CĐ đã có những bước phát triển về quy mô, chất lượng đào tạo

a1_tr13_AXZY

Tuy nhiên, đứng trước một thị trường lao động năng động và hội nhập, việc đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp là vấn đề bức thiết được đặt ra.

Nhiều thách thức lớn

Mô hình phát triển kinh tế trong giai đoạn hiện nay, đòi hỏi năng lực đào tạo của hệ thống giáo dục nghề nghiệp (GDNN) phải tăng nhanh trong thời gian ngắn với cơ cấu đào tạo phù hợp, trong khi đó việc chuyển đổi, thích ứng của các cơ sở GDNN còn chậm. Bên cạnh đó, sự thay đổi về công nghệ trong sản xuất kinh doanh dịch vụ đang tác động mạnh mẽ tới cấu trúc việc làm.

Theo dự báo mới đây của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) trong thập niên tới, máy móc tự động sẽ thay thế khoảng 85% lao động ngành dệt may. Điều này đồng nghĩa là 85% lao động này phải chuyển đổi việc làm.

Những yêu cầu trên đòi hỏi GDNN phải linh hoạt, mở và sẵn sàng các năng lực cần thiết để cập nhật và theo kịp thị trường lao động, trong khi hệ thống thông tin thị trường lao động và hệ thống thông tin quản lý về GDNN còn chưa tương thích và vận hành chưa hiệu quả.

Chưa có đầy đủ các bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia làm cho việc xác định chuẩn kiến thức, kỹ năng cho từng ngành, nghề tương ứng với các cấp trình độ đào tạo khó khăn....

Theo dự báo của Tổng cục Thống kê, đến năm 2025, nước ta có 78,07 triệu người từ 15 tuổi trở lên, lực lượng lao động làm việc trong nền kinh tế gần 63 triệu người, số lao động trong độ tuổi là 52,8 triệu người. Tổng số nhân lực qua đào tạo năm 2020 khoảng gần 44 triệu người...

Theo tính toán, giai đoạn 2016 - 2020 cần đào tạo GDNN cho khoảng 12 triệu người, trong đó đào tạo mới trình độ CĐ, TC cho khoảng 3,2 triệu người, trong đó 10% được đào tạo theo các nghề trọng điểm cấp độ quốc gia, khu vực ASEAN và quốc tế; Đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo thường xuyên khoảng 8,8 triệu người, trong đó, hỗ trợ dạy nghề cho khoảng 3,84 triệu lao động nông thôn, phụ nữ, người khuyết tật.

Đề án đổi mới

Đáp ứng những yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực nói trên, Bộ LĐ-TB&XH đã soạn thảo Đề án Đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN giai đoạn 2016 - 2020.

Về quan điểm đổi mới, Đề án nhấn mạnh sự đột phá về chất lượng đào tạo GDNN, đặc biệt là đào tạo chất lượng cao; phát triển quy mô tương ứng với các điều kiện đảm bảo chất lượng; đảm bảo cơ cấu hợp lý giữa các cấp trình độ đào tạo; xây dựng hệ thống GDNN mở, linh hoạt nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho mọi đối tượng người học; phát triển các trường chất lượng cao, nghề trọng điểm quốc gia, khu vực và quốc tế.

Đổi mới GDNN theo hướng gắn chặt chẽ với thị trường lao động và xã hội, chuyển mạnh đào tạo gắn kết với việc làm và tạo việc làm bền vững, xuất khẩu lao động và an sinh xã hội.

Đề án đồng thời đề xuất các mục tiêu cụ thể như: Mạng lưới cơ sở GDNN cần phải được phát triển theo hướng đáp ứng nhu cầu nhân lực để phát triển kinh tế - xã hội của các bộ, ngành, địa phương về số lượng, chất lượng và xuất khẩu lao động; có khoảng 70 trường chất lượng cao, trong đó khoảng 10 trường tiếp cận với trình độ ASEAN-4 và các nước tiên tiến trên thế giới.

Hình thành 150 nghề trọng điểm trong đó 50 nghề cấp độ quốc tế, phát triển các trường đặc thù, trường ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo và vùng dân tộc thiểu số...

100% nhà giáo dạy các ngành nghề trọng điểm quốc gia, quốc tế và khu vực ASEAN, đạt chuẩn về trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề, nghiệp vụ sư phạm, ngoại ngữ, tin học và được kiểm tra, đánh giá kỹ năng thực hành nghề; 100% cán bộ quản lý GDNN đạt chuẩn trình độ chuyên môn, nghiệp vụ quản lý...

Ban hành mới tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia cho 250 nghề; đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia cho khoảng 4 triệu người lao động.

Ý kiến của bạn

Bình luận