Giáo dục giao thông tại Nhật Bản

24/09/2015 06:41

Ngày nay, Nhật Bản được mệnh danh là quốc gia có hệ thống giao thông an toàn nhất trên thế giới và người dân có ý thức cao khi tham gia giao thông.

Duc Anh

Vào những năm 1960, Chính phủ Nhật Bản đã phải đưa ra khái niệm “Chiến tranh giao thông”, bởi con số thương vong vì TNGT tương đương với số thương vong trong chiến tranh của Nhật Bản ở nhiều thập kỷ trước.

Ngày nay, Nhật Bản được mệnh danh là quốc gia có hệ thống giao thông an toàn nhất trên thế giới và người dân có ý thức cao khi tham gia giao thông.

Hệ thống hạ tầng giao thông của Nhật Bản được chú trọng phát triển từ những năm đầu thế kỷ 20, với hệ thống xe điện đưa vào hoạt động vào những năm 1927 và đường cao tốc vào năm 1963. Bên cạnh đó, Chính phủ Nhật Bản cũng rất coi trọng việc phân chia hệ thống giao thông đường bộ. Các tuyến đường phần lớn được phân chia theo làn, trong đó xe buýt luôn có làn ưu tiên, cùng với ý thức tốt của những người tham gia giao thông nên việc chen làn, vượt làn hầu như không xảy ra. Do đó, việc tắc đường ở Nhật Bản hầu như rất hiếm và nếu có xảy ra thì cũng không quá 30 phút và các phương tiện vẫn có lối thoát.

Xe buýt, tàu điện hay bất kỳ phương tiện giao thông nào khác đều có lối đi riêng dành cho người khuyết tật. Đối với xe buýt, tài xế sẽ chủ động dừng xe, khởi động hệ thống đường tiếp đất dành cho người khuyết tật trên xe buýt, hoặc xếp đường ghép thủ công rất lịch sự cho người khuyết tật xuống. Tiếp theo, họ hỏi xem người khuyết tật sẽ xuống ga nào và tùy cửa ngồi của khách, nhân viên của nhà ga mà khách hàng xuống sẽ được giúp đỡ như khi họ lên.

Trên tất cả các con đường đều có một vệt sơn đường màu vàng rực và có kí hiệu nổi, những người khiếm thị có thể phân biệt đâu là đường dành cho mình và khiếm thị cũng có thể đi tàu điện như thường mà không cần tới sự giúp đỡ của người khác.

Để làm được như vậy, một trong những giải pháp được Nhật Bản chú trọng đó là giáo dục ATGT cho trẻ em để xây dựng cho các em ý thức ngay từ nhỏ. Nhờ vậy, tình trạng giao thông của Nhật Bản đã thay đổi theo hướng tích cực và trở thành một trong những quốc gia có hệ thống ATGT nhất trên thế giới.

Hầu như địa phương nào cũng ban hành những kế hoạch bảo đảm ATGT trong vòng 5 năm. Người Nhật xác định, UTGT thường dẫn tới va chạm, xung đột và dẫn đến TNGT, nhất là ở các tuyến đường cao tốc, các nút giao thông cửa ngõ thành phố. Vì thế, các kế hoạch ATGT bao giờ cũng gắn liền và đặc biệt quan tâm tới việc chống ùn tắc. Trong đó, công tác giáo dục và duy trì thực thi pháp luật giao thông luôn được đưa vào trọng tâm.

Công tác giáo dục giao thông luôn được chính quyền Nhật Bản đặt lên hàng đầu trong cuộc chiến kéo giảm TNGT, do đó, công tác giáo dục và duy trì thực thi pháp luật giao thông luôn được chính quyền các cấp coi như một giải pháp cơ bản để giảm thiểu TNGT.

Để thực hiện được điều đó, chính quyền Nhật Bản xác định công tác giáo dục ATGT là nhiệm vụ của toàn xã hội, đòi hỏi người dân phải nghiêm túc tự giác thực hiện và liên tục duy trì. Hàng năm, Chính phủ Nhật Bản tiến hành tổ chức 2 chiến dịch tuyên truyền về ATGT trên quy mô cả nước. Các chiến dịch này kéo dài 10 ngày nhằm nhắc nhở và động viên ý thức tham gia giao thông của người dân.

Công tác giáo dục ATGT còn được Nhật Bản tập trung ngay từ bậc tiểu học, việc giáo dục kiến thức về giao thông cho người dân thực hiện từ khi còn bé cho đến khi già với mọi thành phần tham gia giao thông. Giáo dục trong trường học, gia đình, các tổ chức xã hội, thông qua đài phát thanh, truyền hình, báo chí với nội dung phù hợp với từng lứa tuổi.

Công tác giáo dục giao thông tại Nhật Bản cũng được áp dụng song song với tình hình thực tế. Chẳng hạn, tại thành phố Kyoto, nơi có mật độ sử dụng xe đạp trong giới học sinh tiểu học tương đối cao, các em học sinh phải tham gia một khóa huấn luyện về ATGT mới được cấp chứng chỉ sử dụng xe đạp. Các hoạt động tuyên truyền về giao thông ở Nhật Bản thu được hiệu quả một phần nhờ gắn liền với thực tiễn. Chẳng hạn, để ngăn chặn nạn đỗ xe bừa bãi gây cản trở giao thông, trước hết, chính quyền chăm lo quy hoạch khu vực có thể đỗ xe rồi mới tổ chức tuyên truyền.

Khác với nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam, để tăng tính hiệu quả của công tác tuyên truyền, giới chức lãnh đạo luôn phải là tấm gương đi đầu. Để thuyết phục người dân hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân, chính quyền bao giờ cũng nỗ lực làm và sau đó tuyên truyền về tính ưu việt của các phương tiện công cộng như xe buýt và xe điện đi đúng giờ, an toàn cao… Trừ những phố thương mại có đông người lui tới, phần lớn người dân đều quen sử dụng phương tiện giao thông công cộng như tàu điện ngầm, tàu điện trên cao, xe buýt… Tàu điện ngầm cứ 5 phút và tàu hỏa 6 phút có một chuyến dừng tại các ga khoảng 3 phút để khách lên xuống. Trong đó, phần lớn người dân chọn phương tiện đi lại bằng tàu điện ngầm, tàu điện trên cao, do đó đã làm giảm đáng kể lượng người đi lại trên các đường phố, góp phần giảm ùn tắc và TNGT.

Sự ủng hộ của người dân là chìa khóa dẫn đến thành công trong việc điều chỉnh hệ thống giao thông. Để có thể thông qua các phương án điều chỉnh tuyến đường, mật độ giao thông, chính quyền địa phương có nhiệm vụ trưng cầu ý kiến người dân trước khi đưa vào thực thi, đồng thời phải thuyết phục được người dân về tính hiệu quả của kế sách. Nếu tỷ lệ ủng hộ của người dân tại khu vực bị ảnh hưởng thấp hoặc tính hiệu quả chưa đủ để thuyết phục người tham gia giao thông, kế hoạch sẽ bị bãi bỏ hoặc chỉnh sửa cho đến khi được chấp nhận.

Ngay cả tư duy về “đầu tư đến ngưỡng” của Nhật Bản cũng là điều có thể tham khảo khi nghĩ đến tương lai cho xe buýt hay tàu điện. Cách làm trước hết phải có nhiều phương tiện giao thông công cộng để thuyết phục người dân sử dụng, rồi mới tính đến cưỡng chế bỏ phương tiện cá nhân hay làm việc gì cũng trên cơ sở tính toán khoa học, có nghiên cứu kỹ để bảo đảm hiệu quả lâu dài và đặt lợi ích của người dân và cộng đồng lên trên hết. Điều đó là những thực tiễn sinh động để Việt Nam học hỏi và áp dụng nhằm giải quyết bài toán ATGT.

 

Ý kiến của bạn

Bình luận