Giảng đường thông minh và xu thế dạy học bằng công nghệ cao

06/10/2016 09:22

Sử dụng công nghệ để tăng hiệu quả dạy học là xu thế tại các nền giáo dục tiên tiến. Một số trường đại học ở nước ta cũng đang tìm cách hiện đại hóa giảng đường.

giangduong
Bên trong một giảng đường hiện đại ở Mỹ. Ảnh: Pinterest.

Trong buổi học đầu tiên ở Đại học Tổng hợp Quốc gia Nga, Thu Giang rất ngạc nhiên trước sự hiện đại của giảng đường. Tất cả phòng học được trang bị màn hình cảm ứng lớn, gắn tại các vị trí khác nhau trong phòng giúp học sinh dễ theo dõi bài giảng.

Ngoài ra, mỗi sinh viên sử dụng máy tính có kết nối Internet để trao đổi và nhận tài liệu từ giảng viên.

Cô bạn 9X còn ngạc nhiên hơn khi đặt chân vào thư viện. Nó khác hẳn các thư viện ở Việt Nam. Thay vì hỏi thủ thư hoặc tra cứu máy tính để tìm vị trí sách rồi đến giá lấy, sinh viên ở Nga chỉ cần truy cập hệ thống quản lý trên máy tính trong thư viện, tìm sách, ấn xác nhận, sách sẽ được tự động đưa ra.

Như vậy, cả thư viện rộng lớn chỉ có một thủ thư và việc tìm sách nhanh gọn hơn nhiều. Giang kể trường của cô có hẳn môn Thư viện học hướng dẫn sinh viên cách sử dụng thư viện.

Công nghệ cao được ứng dụng rộng rãi

Không chỉ ở Nga, việc ứng dụng thiết bị công nghệ cao tại các trường đại học đang là xu thế chung trên thế giới, đặc biệt tại các nước có nền giáo dục tiên tiến.

Tại Đại học Washington – UW (Seattle, Mỹ), công nghệ cao được ứng dụng rộng rãi trong quá trình dạy học. Các phòng học tại UW đều được thiết kế để đảm bảo yếu tố nghe - nhìn - đọc - thảo luận.

Một phòng học cơ bản bao gồm các màn hình cảm ứng lớn, máy tính hoặc máy tính bảng có kết nối Internet, tai nghe, công cụ tương tác trực tuyến (thường là Google Apps).

Bên cạnh đó, công cụ quản lý khóa học như phần mềm Canvas giúp giảng viên nắm rõ tiến trình học tập của sinh viên. Sinh viên cũng có thể thảo luận, chia sẻ tài liệu, video, audio liên quan bài học.

Ngoài ra, công cụ Panopto tự động ghi hình bài giảng. Sau buổi học, giảng viên đăng video lên mạng để sinh viên xem lại. Qua khảo sát, sau khi ứng dụng công nghệ này, tỷ lệ sinh viên vắng học không tăng, ngược lại, mức độ nắm chắc kiến thức của sinh viên được cải thiện rõ rệt.

Lãnh đạo UW cho biết các thiết bị hiện đại không chỉ hỗ trợ việc dạy - học mà còn khuyến khích tinh thần học tập, tăng độ tập trung, cũng như khả năng sáng tạo của sinh viên.

“Hàng ngày, tôi luôn cảm thấy hứng khởi khi bước vào giảng đường. Sinh viên chăm chú nghe giảng và hào hứng thảo luận. Phần lớn những buổi học, tôi đều phải nhắc nhở các em đã hết giờ. Với cách giảng dạy trước đây, điều này chưa từng xảy ra”, Linda Martin-Morris, Trưởng khoa Sinh học, Đại học Washington nói.

Các nhà giáo dục thế giới cho rằng việc ứng dụng thiết bị công nghệ cao cùng phương pháp học tập Team-based learning là mô hình kiểu mẫu trong phương pháp giảng dạy.

Những giảng đường như vậy tăng cường tính tương tác giữa sinh viên và giảng viên, cũng như giữa sinh viên với nhau. Người học là trung tâm, bài giảng, tiến trình giảng bài đều xoay quanh khả năng tiếp thu và tương tác của sinh viên.

Với phương pháp mới, giảng viên đóng vai trò người dẫn dắt sinh viên chủ động tiếp cận kiến thức. Sự hỗ trợ từ công nghệ góp phần xóa bỏ lối học thụ động trước đây.

Xu hướng mới ở Việt Nam

Hiện nay ở nước ta, phần lớn trường đại học sử dụng phương pháp giảng dạy truyền thống. Giảng viên thường có thêm sự hỗ trợ của máy chiếu để bài giảng sinh động, trực quan hơn.

Tuy nhiên, trong thời đại công nghệ phát triển nhanh chóng, người trẻ đều quen với việc trao đổi qua thiết bị hiện đại, việc nghe giảng, nhìn slide trở nên nhàm chán. Ngoài ra, công nghệ chưa được ứng dụng rộng rãi vào quá trình trao đổi tài liệu, thư viện điện tử còn khá hiếm.

Những năm qua, nhiều trường cho phép sinh viên đăng ký môn học trực tuyến. Tuy nhiên, phần mềm đăng ký mới chỉ phục vụ việc sắp xếp lịch học, chưa tạo được vòng kết nối, chia sẻ giữa các sinh viên học cùng lớp.

Hiện tại, hai trường đại học bắt đầu chú ý đến mô hình giảng đường thông minh là Đại học Y Dược TP.HCM và Đại học Y Dược Thái Nguyên.

giang_duong
Mô hình giảng đường thông minh của Đại học Y Dược TP.HCM. Ảnh: Nguyễn Sương.

Theo PGS.TS Trần Diệp Tuấn - Hiệu trưởng Đại học Y Dược TP.HCM, giảng đường thông minh sẽ góp phần giúp nhà trường thực hiện tốt mục tiêu đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo.

Lãnh đạo trường này cho rằng giảng đường thông minh nằm trong khuôn khổ chương trình đổi mới giáo dục ngành Y của Bộ Y Tế. Mô hình này gồm 2 phần chính: Phần cứng là giảng đường tương tác với trang thiết bị hiện đại; phần nội dung bao gồm xây dựng bài giảng bằng các phần mềm chuyên dụng và tập huấn cho giảng viên, sinh viên làm quen với mô hình dạy và học mới.

Trong đó, giảng đường tương tác được bố trí linh hoạt theo nhu cầu học của từng phương pháp học, có thể sắp xếp thành khu vực nhóm, dễ dàng thay đổi thành từng dãy theo cách truyền thống hoặc tách rời cá nhân.

Trang thiết bị trong giảng đường bao gồm màn hình tương tác thông minh (Interactive White Board – IWB) đi kèm phần mềm quản lý lớp học, máy tính bảng Samsung Galaxy Tab 9.7, mạng lưới Internet không dây kết nối với máy chủ và các phụ kiện, nhằm mang đến sự thuận tiện tối đa cho công tác giảng dạy.

Các màn hình trong giảng đường cũng được bố trí tại những vị trí mà ở bất cứ chỗ ngồi nào, sinh viên cũng có thể tiếp cận một cách dễ dàng nhất. Cách bố trí này giúp nâng cao tính tương tác giữa giảng viên và sinh viên, cũng như giữa các thành viên cùng học trong nhóm.

Cũng theo TS Tuấn, nội dung giảng dạy cũng từng bước được chuyển hóa từ “tĩnh” sang nội dung “động”.

Ngoài việc trình chiếu các bài giảng tương tác bằng hình ảnh, âm thanh dưới dạng video clip, ảnh động minh họa…, các loại hình ảnh mang tính đặc thù cho sinh viên ngành Y như mô hình các mô, cơ trong cơ thể người được hiển thị dưới dạng 3D trực quan, sinh động với những khả năng như “bóc”, “tách”, “xoay”… cho phép sinh viên quan sát trực quan và sát với thực tế hơn.

Việc sử dụng công nghệ cao phục vụ giảng dạy còn được kết hợp cùng phương pháp học tập “Team-based learning”, một mô hình kiểu mẫu trong đổi mới phương pháp giảng dạy.

Lớp học thông minh tạo điều kiện cho tương tác hai chiều, sinh viên thể hiện rõ vai trò trung tâm của mình trong các buổi giảng dạy thông qua việc chủ động tương tác với giảng viên, khiến giảng viên có khả năng “chuyển dịch” về phía người học nhiều hơn.

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Sơn - Hiệu trưởng Đại học Y Dược Thái Nguyên - mô hình này là cơ hội lớn để sinh viên tương tác với các nguồn học liệu sẵn có. 

Tuy nhiên, một trong những khó khăn của nhiều trường đại học hiện nay là kinh phí đầu tư cho ứng dụng công nghệ vào đào tạo nên đa phần phải nhờ vào nguồn vốn xã hội hóa. 

Ý kiến của bạn

Bình luận