Giảm TNGT tại Việt Nam được nhân dân ghi nhận, quốc tế đánh giá cao

Tác giả: Vũ Thành Vũ

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 02/11/2017 07:06

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đánh giá: “Công tác đảm bảo TTATGT tại Việt Nam đã được nhân dân ghi nhận và các tổ chức quốc tế đánh giá cao”.


DSC01789
Buổi gặp mặt nhân dịp kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Ủy ban ATGT Quốc gia.

Nhân dân ghi nhận, quốc tế đánh giá cao

Từ những ngày đầu thành lập đến nay (1997 - 2017), Ủy ban ATGT Quốc gia không ngừng phát triển cả về tổ chức và hoạt động. Về tổ chức, Ủy ban ATGT Quốc gia được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập ngày 29/10/1997 trên cơ sở Ban Chỉ đạo ATGT Trung ương trước đây, là tổ chức tiền thân của Ủy ban ATGT Quốc gia ngày nay.

Phát biểu tại Buổi gặp mặt nhân dịp kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Ủy ban ATGT Quốc gia, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Trương Hòa Bình bày tỏ: “Tính mạng con người là trên hết - Cứu một mạng người là phúc đẳng hà sa. Những đóng góp của các đồng chí, của chúng ta là vô giá vì chúng ta đều biết hoạt động bảo đảm an toàn cho cộng đồng là những hoạt động cao quý, vừa vất vả nặng nhọc nhưng cũng rất vinh quang, rất đáng tự hào”.

Theo Phó Thủ tướng, kể từ khi thành lập tới nay, Ủy ban ATGT Quốc gia luôn phát huy tốt vai trò điều phối các nỗ lực của các Bộ, ngành trung ương và các địa phương trong việc tham mưu cho Đảng, Quốc Hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều văn bản chỉ đạo quan trọng, có giá trị cả về lý luận và thực tiễn, như: Chỉ thị 23 năm 2003 và gần đây là Chỉ thị 18 của Ban bí thư về tăng cường sự Lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm TTATGT và chống ùn tắc giao thông, Nghị Quyết 13 năm 2002, Nghị quyết 32 năm 2007 và đặc biệt là Nghị quyết 88 của Chính phủ về tăng cường các giải pháp cấp bách nhằm bảo đảm TTATGT,…cũng như trực tiếp ban hành các văn bản chỉ đạo, kế hoạch phối hợp liên ngành nhằm kiềm chế, kéo giảm TNGT, bảo đảm cuộc sống bình yên cho nhân dân.

DSC01905
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình trao bức ảnh "Bác Hồ với Thiếu nhi Việt Nam" cho Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia.

“Những kết quả kéo giảm TNGT được nhân dân ghi nhận và các tổ chức quốc tế đánh giá cao, từ chỗ mỗi năm có từ 12.000 đến 13.000 người tử vong do TNGT đến nay đã giảm xuống dưới 9.000 người, số người bị thương cũng như thiệt hại về tài sản vật chất cũng kéo giảm đáng kể. Trong khi đó, nhu cầu giao thông và số lượng phương tiện gia tăng nhanh chóng. Đây là kết quả của toàn hệ thống chính trị, các bộ, ngành, địa phương với nòng cốt là ngành GTVT, Công an, Y tế…. và có sự đóng góp đang ghi nhân, hiệu quả của Uỷ ban ATGT Quốc gia”, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đánh giá.

Nhân dịp kỷ niệm 20 năm thành lập Ủy ban ATGT Quốc gia, thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình ghi nhận và biểu dương sự vào cuộc quyết liệt hiệu quả từ những ngày đầu của các Bộ, ngành và cấp uỷ, chính quyền các cấp, sự đồng hành của các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm đã giúp huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc thể Uỷ ban ATGT quốc gia hoàn thành nhiệm vụ mà Thủ tướng Chính phủ giao.

Phó Thủ tướng cũng gửi lời cảm ơn sâu sắc nhất tới các đồng chí nguyên là lãnh đạo, Ủy viên Ủy ban, Thành viên Ban Thường trực và tất cả cán bộ, công chức, người lao động đã có những đóng góp cho quá tình hình thành, kiện toàn và hoạt động của Ủy ban ATGT Quốc gia ngày hôm nay.

Quyết liệt với giải pháp mới, cách tiếp cận mới

Dù trong suốt chặng đường 20 năm nỗ lực giảm thiểu nỗi đau TNGT với chuyển biến rất tích cực, nhưng tình hình TTATGT hiện vẫn còn diễn biến phức tạp, TNGT còn ở mức cao, ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn đang có xu hướng gia tăng.

Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, trong thời gian tới, cùng với quá tình tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và hội nhập sâu rộng của nền kinh tế, nhu cầu giao thông và số lượng phương tiện giao thông sẽ tiếp tục gia tăng nhanh chóng tạo áp lực lớn cho nhiệm vụ bảo đảm TTATGT.

Với đà tăng trưởng kinh tế hàng năm trên 6,5%, nhu cầu giao thông và số lượng phương tiện tiếp tục gia tăng nhanh chóng, trong điều kiện chúng ta đang gặp nhiều thách thức về huy động nguồn lực đầu tư nâng cấp, mở rộng kết cấu hạ tầng và vận tải công cộng. Đặc biệt là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra nhanh chóng, tác động vào mọi lĩnh vực đời sống đòi hỏi sự thay đổi về chất trong phát triển, quản lý, khai thác, vận hành và bảo đảm an ninh, an toàn của mọi lĩnh vực đời sống xã hội, trong đó có hệ thống giao thông vận tải và người tham gia giao thông.

DSC01901
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể - Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban ATGT Quốc gia.

Những thách thức trong thời kỳ mới đặt ra yêu cầu cần phải có giải pháp mới với cách tiếp cận mới. Theo đó, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu các cơ quan, đơn vị chức năng khẩn trương đẩy mạnh thực hiện 6 nhóm nhiệm vụ cơ bản trong thời kỳ mới.

Thứ nhất là nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo điều hành với trọng tâm là phát huy vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị.

Thứ hai là tiếp tục hoàn thiện thể chế, pháp luật; phân công rõ chức năng nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị; nâng cao hiệu quả phối hợp liên ngành; phát huy vai trò của các đoàn thể chính trị, tổ chức xã hội, tôn giáo, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, các doanh nghiệp và các mô hình tự nguyện, tự quản trong nhân dân.

Thứ ba là hoàn thiện và thực hiện có hiệu quả các chiến lược, quy hoạch để đầu tư phát triển, bảo trì và khai thác hiệu quả kết cấu hạ tầng giao thông, vận tải công cộng gắn với quản lý chặt chẽ hoạt động đầu tư, xây dựng và phát triển không gian đô thị, nông thôn gắn với các tuyến giao thông.

DSC01847
Đồng chí Trương Hòa Bình - Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia phát biểu tại Buổi gặp mặt nhân dịp kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Ủy ban ATGT Quốc gia.

Thứ tư là đẩy mạnh tái cơ cấu vận tải, nâng cao sức cạnh tranh và thị phần của đường sắt, đường thuỷ nội địa, vận tải ven biển nhằm giảm phụ thuộc vào đường bộ.

Thứ năm là hiện đại hoá công tác thực thi pháp luật với trọng tâm là ứng dụng công nghệ mới và thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 trong quản lý, điều hành giao thông cũng như trong tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về TTATGT.

Thứ sáu là triển khai có hiệu quả chương trình giáo dục ATGT trong nhà trường; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến vận động xây dựng văn hoá giao thông thông, bằng nhiều loại hình văn hoá nghệ thuật dân gian và hiện đại, thông qua hệ thống cơ quan báo chí, truyền thông cũng như mạng xã hội và hệ thống thông tin cơ sở.

Theo thống kê của Bộ Công an, giai đoạn 2012-2016 riêng số người chết do TNGT giảm trên 13.000 người so với giai đoạn 2007-2011, đây là một kết quả đáng trân trọng, được Đảng, Quốc Hội, nhân dân và bạn bè quốc tế ghi nhận. Trong kết quả này, có sự đóng góp của ngành GTVT, trong khuôn khổ nỗ lực chung của cả hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương với vai trò điều phối hiệu quả của Ủy ban ATGT Quốc gia.

Ý kiến của bạn

Bình luận