Giảm thiểu ô nhiễm khí thải từ máy bay

Tác giả: Nguyên Tài

saosaosaosaosao
Diễn đàn khoa học 02/10/2016 05:19

Theo các tổ chức môi trường, kế hoạch cắt giảm 4% nhiên liệu của máy bay bắt đầu từ năm 2028 của Tổ chức Hàng không Dân dụng quốc tế (ICAO) không đủ để ngăn chặn khí thải.

khi thai_1
Một chiếc máy bay thải ra khí trắng trên bầu trời

Mới đây, lần đầu tiên chính phủ các nước đề xuất giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ máy bay. Được đề xuất tại một cuộc họp chuyên gia của ICAO ở Montreal, sáng kiến toàn cầu này là nỗ lực đầu tiên nhằm ngăn chặn khí thải carbon thoát ra từ máy bay - một trong những nguồn phát thải lớn nhất gây ô nhiễm không khí.

Qua trao đổi, các quan chức Nhà Trắng mô tả các tiêu chuẩn là “một thỏa thuận lớn”, đồng thời lưu ý rằng cơ quan hàng không cũng đã đề xuất một mục tiêu đầy tham vọng để đạt được tính trung lập carbon vào năm 2020.

Tuy nhiên, các tổ chức chiến dịch, đặc biệt là Hội đồng Quốc tế về Giao thông sạch cho biết, các tiêu chuẩn đề xuất là một cơ hội bị bỏ lỡ và sẽ có ít tác dụng thực sự trong việc hạn chế khí thải. Các tiêu chuẩn sẽ áp dụng cho tất cả các máy bay thương mại và kinh doanh mới sau ngày 01/01/2028. Tuy nhiên, họ loại trừ các máy bay đã được sử dụng và như hầu hết các hãng hàng không đã tồn tại từ 20 đến 30 năm sẽ phải mất vài thập kỷ để bao phủ các hạm đội máy bay hiện tại.

Ngoài ra, các tiêu chuẩn này yêu cầu giảm trung bình 4% nhiên liệu tiêu thụ trong hành trình của máy bay mới so với năm 2015. Các đề xuất sẽ được công bố đến các nước trên thế giới để áp dụng chính thức trong năm tới.

ICAO cho biết, tiêu chuẩn này nhằm vào các máy bay lớn hơn bởi chúng là nguồn phát thải chính của hãng hàng không toàn cầu. “Mục đích cuối cùng của sáng kiến này là khi các dòng máy bay đi vào phục vụ sẽ đảm bảo giảm lượng khí thải CO2. Chúng tôi cũng nhận thấy rằng, việc tăng gấp đôi số lượng hành khách toàn cầu và các chuyến bay vào năm 2030 phải được quản lý một cách có trách nhiệm và bền vững”, Chủ tịch Hội đồng ICAO Olumuyiwa Benard Aliu nói.

Hiện nay, du lịch hàng không và vận tải biển chiếm khoảng 5% lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu, tuy nhiên con số này được dự đoán sẽ tăng lên khoảng 30% vào năm 2050. Mặc dù vậy, các nước mới nổi đã ngần ngại trước đề xuất liên quan đến vận chuyển hàng không, do đó các nhà đàm phán đã loại bỏ đề xuất này ra khỏi thỏa thuận.

Các quan chức Nhà Trắng bày tỏ sự hài lòng với tiêu chuẩn được đề xuất. Liên minh châu Âu và một số nước mới nổi miễn cưỡng phải có hành động mạnh hơn. “Đây thực sự là một kết quả to lớn, là tiêu chuẩn về khí thải CO2 đầu tiên dành cho máy bay, bao gồm các máy bay hiện có”, các quan chức cho biết.

Tuy nhiên, các tổ chức chiến dịch cho rằng, các khuyến nghị của ICAO sẽ kiềm chế ít lượng khí thải và có thể bị tụt hậu so với các công nghệ đã được sử dụng.

Theo một phân tích của Hội đồng Quốc tế về Giao thông sạch, một số máy bay thương mại hàng đầu đã đạt được tiêu chuẩn. Đến năm 2020, 8 năm trước khi các tiêu chuẩn được đề xuất có hiệu lực, máy bay trung bình sẽ có hiệu quả hơn 10% so với tiêu chuẩn của ICAO.

Ông Vera Pardee - luật sư của Trung tâm Đa dạng Sinh học Mỹ cho biết, tiêu chuẩn được đề xuất đặt thêm gánh nặng cho chính quyền Obama về việc thực hiện tốt cam kết cắt giảm khí thải hàng không trước đó.

Máy bay sử dụng nhiên liệu hydro giúp bảo vệ môi trường

Không chỉ giúp bảo vệ môi trường, máy bay sử dụng nhiên liệu hydro còn giúp tiết kiệm một khoản chi phí lớn cho các hãng hàng không. Nhiên liệu hydro là một dạng năng lượng sạch mang tới tiềm năng rất lớn cho giao thông trong tương lai. Tuy nhiên, rào cản chính của loại nhiên liệu này giống như nhiều loại năng lượng sạch khác chính là giá cả, kích cỡ và nguồn cung.

Nhưng vấn đề này có lẽ sắp rơi vào dĩ vãng khi hãng hàng không giá rẻ EasyJet tại nước Anh dường như đã tìm cách sử dụng hiệu quả nguồn nhiên liệu hydro cho các chuyến bay một cách an toàn và tiết kiệm chi phí. EasyJet cho biết đang nghiên cứu ý tưởng sử dụng nhiên liệu hydro trong khi taxi trên đường băng. Thuật ngữ “taxi” trong ngành Hàng không được hiểu là việc di chuyển từ bãi đáp ra đường băng hoặc ngược lại.

Trước đây, mỗi khi máy bay hạ cánh sẽ có một chiếc xe kéo (taxibot) được điều động để trợ giúp máy bay đi vào đúng vị trí đỗ hoặc rời đi. Quá trình này dẫn tới nhiều chuyến bay bị trì hoãn không mong muốn. Nếu phi công có thể tự điều khiển máy bay di chuyển, điều này sẽ trở nên thuận tiện hơn rất nhiều. Đó là lý do 2 Công ty Safran và Honeywell đã nghiên cứu cho ra đời hệ thống động cơ phụ trợ Electric Green Taxiing System vào năm 2013.

Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ động cơ vẫn sử dụng nguồn nhiên liệu gây ô nhiễm mặc dù đã tiết kiệm được khá nhiều lượng nhiên liệu tiêu thụ và chi phí bỏ ra. Quá trình chuyển đổi sang loại nhiên liệu mới cũng sẽ rẻ hơn đáng kể đối với các hãng hàng không.

Một nghiên cứu gần đây của 2 Công ty Safran và Honeywell cho thấy, chúng ta có thể cắt giảm được 51% lượng nhiên liệu tiêu thụ trong lúc máy bay đang chờ ở đường băng nếu sử dụng nguồn điện năng phụ trợ.

Lan Davies - Trưởng bộ phận kỹ thuật của hãng EasyJet cho biết, nhiên liệu hydro có thể được dùng để cấp nguồn cho hệ thống điện này nhằm đảm bảo tuyệt đối không phát thải khí carbon cũng như tiếng ồn trong khoảng thời gian trước và sau khi hạ cánh.

Kế hoạch triển khai sử dụng nhiên liệu hydro hiện mới chỉ bước vào giai đoạn đầu. EasyJet khẳng định, nhiên liệu hydro sẽ hoạt động song song cùng với pin năng lượng mặt trời và năng lượng động lực thu lại từ phanh của máy bay. Chất thải sau khi sử dụng nhiên liệu hydro là nước ngọt sạch sẽ được tận dụng để cung cấp cho hệ thống nước trên máy bay.

EasyJet cho biết, đề án thí điểm sẽ được lên kế hoạch vào cuối năm nay và có thể triển khai vào năm 2018. Được biết, mỗi phi đội máy bay của EasyJet hiện đang dành trung bình 20 phút chờ cho mỗi chuyến bay. Con số này đủ để di chuyển trên quãng đường lên tới 6,4 triệu kilomet mỗi năm và đủ để đi 8 lần tới mặt trăng và quay trở lại trái đất.

Ý kiến của bạn

Bình luận