Giải pháp tổng thể giảm thiểu tối đa sự cố an ninh hàng không

Tác giả: tô tử hùng

saosaosaosaosao
02/12/2015 06:16

Ngày nay, hội nhập và mở rộng quan hệ hợp tác, giao lưu quốc tế trên mọi lĩnh vực là xu hướng chung trên toàn thế giới.

ª CN. Tô Tử Hùng

Cục Hàng không Việt Nam

Người phản biện: TS. Trần Quang Châu

1. Đặt vấn đề

Ngày nay, hội nhập và mở rộng quan hệ hợp tác, giao lưu quốc tế trên mọi lĩnh vực là xu hướng chung trên toàn thế giới. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, hoạt động hàng không dân dụng cũng đứng trước những nguy cơ đe dọa rất lớn của các đối tượng khủng bố và các loại tội phạm khác.

Thực tế cho thấy, trong bối cảnh phức tạp của thế giới về xung đột chính trị, sắc tộc, tôn giáo hiện nay, cảng hàng không, sân bay và tàu bay đã đang và vẫn sẽ là một mục tiêu ưu tiên của bọn tội phạm khủng bố với âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi, khó lường. Khủng bố quốc tế sẽ không chừa bất cứ khu vực và đối tượng nào, chúng sẽ nghiên cứu và đánh vào bất kỳ nơi nào có sự lơi lỏng về công tác bảo đảm an ninh hàng không (ANHK). Vấn đề bảo đảm ANHK dân dụng không còn là trách nhiệm trong khuôn khổ mỗi quốc gia mà là mối quan tâm và trách nhiệm của tất cả các quốc gia có hoạt động hàng không trên thế giới.

Đảm bảo ANHK chính là việc áp dụng các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đối phó có hiệu quả với các hành vi can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng, giảm thiểu tối đa sự cố ANHK xảy ra trong hoạt động hàng không.

Trong khuôn khổ bài báo, chúng tôi xin trình bày 9 nhóm giải pháp tổng thể nhằm giảm thiểu tối đa sự cố ANHK. Các giải pháp này đã được Bộ GTVT xây dựng trong Đề án nâng cao năng lực đảm bảo ANHK đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

2. Hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy về ANHK

2.1. Sửa đổi, bổ sung các văn bản dưới luật về các vấn đề:

Thiết lập và vận hành hệ thống đảm bảo ANHK; xác định rõ vị trí, vai trò, trách nhiệm, quyền hạn của nhà chức trách hàng không; xác định tính chất công ích trong việc thi hành nhiệm vụ của lực lượng ANHK; hoàn thiện hệ thống văn bản dưới luật về hệ thống lực lượng kiểm soát ANHK, tiêu chuẩn và những biện pháp bảo đảm ANHK, đối phó với hành vi can thiệp bất hợp pháp, tổ chức biên chế và cơ chế tài chính cho lực lượng ANHK.

2.2.Tham gia đầy đủ các công ước quốc tế về ANHK nhằm thực hiện trách nhiệm và cam kết của Việt Nam với cộng đồng hàng không dân dụng quốc tế.

3. Hoàn thiện hệ thống tổ chức bảo đảm ANHK của ngành Hàng không Việt Nam

3.1. Xây dựng lực lượng ANHK của ngành Hàng không Việt Nam

- Lực lượng ANHK của nhà chức trách hàng không (Cục Hàng không Việt Nam, các cảng vụ hàng không);

- Lực lượng kiểm soát ANHK của doanh nghiệp, gồm: An ninh soi chiếu, an ninh kiểm soát, an ninh cơ động, an ninh giám sát kỹ thuật, người quản lý và chuyên viên, nhân viên ANHK làm tham mưu, kiểm tra, giám sát của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đảm bảo ANHK.

3.2. Củng cố, hoàn thiện tổ chức, biên chế cơ quan quản lý nhà nước về ANHK; nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước lĩnh vực ANHK.

- Rà soát, hoàn thiện cơ cấu tổ chức, biên chế, chức năng, nhiệm vụ của Phòng ANHK - Cục Hàng không Việt Nam, phòng Giám sát an ninh - các cảng vụ hàng không.

- Tổ chức tuyển dụng chặt chẽ, tăng cường giáo dục, đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ đảm bảo lực lượng ANHK của nhà chức trách hàng không có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế; có kế hoạch cử cán bộ, chuyên viên đi thực tế tại doanh nghiệp để nắm bắt thực tế, nâng cao trình độ chuyên môn; xây dựng đội ngũ giám sát viên ANHK theo tiêu chuẩn quốc tế;

- Tăng cường hợp tác quốc tế trong đào tạo, tập huấn nghiệp vụ ANHK;

- Đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị bảo đảm ANHK nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước lĩnh vực ANHK, từng bước tin học hóa công tác quản lý, kiểm soát chất lượng ANHK.

3.3. Tái cơ cấu lực lượng kiểm soát ANHK của doanh nghiệp tại các cảng hàng không, công trình hàng không ngoài cảng hàng không; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, lực lượng kiểm soát ANHK bằng việc áp dụng các tiêu chuẩn và phương pháp tuyển chọn lực lượng kiểm soát ANHK phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ.

3.4. Đổi mới về đào tạo huấn luyện ANHK

- Xây dựng trung tâm đào tạo và huấn luyện ANHK, trên cơ sở thông qua việc thống nhất ban hành tiêu chuẩn cơ sở đào tạo, chương trình đào tạo và tiêu chuẩn đội ngũ giáo viên (do Bộ GTVT ban hành) để đào tạo huấn luyện nghiệp vụ chuyên ngành cho lực lượng kiểm soát ANHK; nâng cấp về cơ sở vật chất, tổ chức bộ máy và các điều kiện cần thiết khác đáp ứng yêu cầu đào tạo huấn luyện;

- Tích hợp một số chương trình cần thiết của công an, quân đội do các chuyên gia của các cơ sở đào tạo của công an, quân đội trực tiếp huấn luyện;

- Tổ chức đào tạo nâng cao năng lực về ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh thông qua các khóa học trong nước và ở nước ngoài cho lực lượng kiểm soát an ninh làm công tác tham mưu, thanh tra, giám sát viên an ninh, nhân viên an ninh soi chiếu, nhân viên an ninh trên không, cơ động và thương thuyết con tin;

- Đưa đi đào tạo ở các trung tâm đào tạo ở nước ngoài với những nghiệp vụ mà trong nước đang còn hạn chế như: Thương thuyết con tin, cảnh vệ trên không, tấn công giải thoát con tin trên tàu bay, phân tích thông tin, thanh tra, kiểm tra, giám sát ANHK.

4. Giải pháp hoàn thiện công tác kiểm soát an ninh nội bộ đối với nhân viên hàng không

4.1. Xây dựng, hoàn thiện các văn bản, hướng dẫn, quy trình bảo vệ an ninh nội bộ.

4.2. Xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước ngành Hàng khôngViệt Nam với các cơ quan chuyên môn Bộ Công an, Bộ Quốc phòng với các doanh nghiệp ngành Hàng không để thúc đẩy công tác bảo vệ an ninh nội bộ.

4.3. Tăng cường giáo dục nâng cao phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn, ý thức chấp hành pháp luật, quy định đối với cán bộ, nhân viên các cơ quan, đơn vị thường xuyên làm việc trong các khu vực hạn chế cảng hàng không; tuyên truyền, vận động trên các phương tiện thông tin đại chúng, kết hợp với việc phát huy sức mạnh quần chúng để nâng cao ý thức tự giác của người lao động.

4.4. Thiết lập hệ thống sàng lọc, giám sát, kiểm soát nhân thân từ khâu tuyển chọn và trong suốt quá trình hoạt động của nhân viên hàng không, kịp thời phát hiện những hiện tượng bất thường của nhân viên;

4.5. Kiểm tra, giám sát hoạt động của nhân viên làm việc thường xuyên trong các khu vực hạn chế; nâng cao ý thức cảnh giác của nhân viên hàng không đối với các hành vi khả nghi của nội gián; xây dựng hệ thống báo cáo tình hình nội bộ bắt buộc trong các đơn vị nhằm giúp đánh giá nguy cơ nội gián.

5. Giải pháp nâng cấp hệ thống hạ tầng, phương tiện, thiết bị ANHK

5.1. Đối với hệ thống cơ sở hạ tầng

- Hoàn thiện hệ thống hàng rào vành đai bảo vệ theo tiêu chuẩn tại tất cả các cảng hàng không, sân bay trên toàn quốc;

- Thiết lập và xây dựng bãi đỗ biệt lập ở tất cả các cảng hàng không; củng cố các cổng, cửa, các lối ra vào khu vực hạn chế, hệ thống bốt gác, đường tuần tra canh gác, chiếu sáng để bảo đảm khả năng phát hiện và ngăn chặn kịp thời khả năng xâm nhập các khu vực hạn chế bất hợp pháp.

5.2. Đối với hệ thống trang bị, thiết bị ANHK

- Tiêu chuẩn hóa và quản lý thống nhất hệ thống trang thiết bị ANHK; đồng bộ hóa hệ thống thiết bị ANHK toàn quốc; đầu tư, trang bị đủ thiết bị nhận dạng và các mẫu thử cho các máy soi chiếu tia X, cổng từ theo đúng quy định của nhà sản xuất để bảo đảm tính chính xác của thiết bị khi vận hành.

6. Giải pháp tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị liên quan trong bảo đảm ANHK

6.1. Hoàn thiện hệ thống cơ chế, quy chế phối hợp liên ngành

- Trên cơ sở quy định của pháp luật, chức năng, nhiệm vụ của các bên liên quan, rà soát, đánh giá hiệu quả các quy chế phối hợp đã ký kết giữa các cơ quan, đơn vị ngành Hàng khôngViệt Nam với các cơ quan, đơn vị công an, quân đội. Từ đó rút kinh nghiệm, hoàn thiện hệ thống quy chế, cơ chế phối hợp cụ thể nhằm không ngừng nâng cao hiệu quả công tác phối hợp.

- Thiết lập, hoàn thiện hệ thống tổ chức phối hợp liên ngành từ Trung ương đến địa phương trong công tác đảm bảo ANHK (Hệ thống của Ủy ban ANHK dân dụng quốc gia).

6.2. Hoàn thiện, từng bước nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ công tác phối hợp như hệ thống trao đổi thông tin, phối hợp giám sát tự động, tra cứu dữ liệu.

7. Hoàn thiện hệ thống đối phó với hành vi can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng

7.1. Đẩy mạnh đầu tư, trang bị, thiết bị, phương tiện cần thiết cho trung tâm khẩn nguy hàng không quốc gia, trung tâm khẩn nguy hàng không tại các ban chỉ huy khẩn nguy hàng không.

7.2. Nhanh chóng xây dựng phương án khẩn nguy tổng thể thay thế Quyết định số 44/2009/QĐ-TTg đảm bảo phù hợp Luật Phòng, chống khủng bố và các quy định hiện hành; hoàn thiện các phương án bảo vệ, chống lại nguy cơ tấn công tàu bay bằng tên lửa phòng không vác vai.

7.3. Căn cứ vào tiêu chuẩn, ban chỉ huy khẩn nguy đối phó với can thiệp bất hợp pháp của các địa phương xây dựng phương án cụ thể căn cứ vào đặc điểm, tình hình của địa phương, lực lượng của trung ương, địa phương trên địa bàn.

8. Đảm bảo an ninh thông tin

8.1. Xây dựng cơ chế, quy định quản lý an ninh thông tin trong ngành Hàng không dân dụng; ban hành các văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện; xây dựng quy chế phối hợp giữa ngành Hàng không với các cơ quan nghiệp vụ Bộ Công an về công tác an ninh thông tin.

8.2. Đầu tư cơ sở hạ tầng thông tin trên cơ sở khả năng tài chính của các doanh nghiệp, thực hiện từng bước đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng thông tin, mạng Internet theo hướng hiện đại.

9. Đảm bảo kinh phí cho ANHK dân dụng

9.1. Huy động các nguồn vốn xã hội; đẩy mạnh huy động các nguồn vốn xã hội, thu hút đầu tư, hợp tác chuyển giao công nghệ, kể cả việc thúc đẩy hợp tác quốc tế trong đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị đảm bảo ANHK bằng phương thức phù hợp các quy định hiện hành, đảm bảo nguyên tắc: Lực lượng kiểm soát ANHK là đơn vị duy nhất chịu trách nhiệm quản lý, khai thác cơ sở hạ tầng, trang bị, thiết bị, phương tiện đảm bảo ANHK tại cảng hàng không.

9.2. Đảm bảo ngân sách chi cho bảo đảm ANHK bằng việc cụ thể hóa các nguồn ngân sách Nhà nước chi cho công tác đảm bảo ANHK và trách nhiệm tài chính thông qua các bộ: GTVT, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Công an, Quốc phòng, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; phân định rõ trách nhiệm của các cơ quan liên quan để nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn vốn từ ngân sách; thực hiện hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đảm bảo ANHK theo quy định về doanh nghiệp cung cấp dịch vụ công ích.

10. Hợp tác quốc tế nâng cao năng lực bảo đảm ANHK

10.1. Đẩy mạnh hội nhập, thường xuyên tham gia các diễn đàn, các chương trình hỗ trợ các nước thành viên của tổ chức hàng không dân dụng quốc tế; tăng cường hợp tác song phương, đa phương trong lĩnh vực dảm bảo ANHK, thúc đẩy hợp tác trong đào tạo, chuyển giao công nghệ, trao đổi thông tin ANHK.

10.2. Tăng cường và phát huy việc áp dụng một cách hiệu quả các tiêu chuẩn và khuyến cáo thực hành của ICAO; phối hợp chặt chẽ với các quốc gia trong việc đối phó và ngăn ngừa các mối đe dọa hiện nay cũng như các nguy cơ tiềm ẩn trong tương lai.

10.3. Chia sẻ thông tin và các thực tiễn trong các lĩnh vực chủ chốt của ANHK như: Kiểm tra soi chiếu an ninh; bảo đảm an ninh giấy tờ đi tàu bay và phát hiện giấy tờ giả; phát hiện hành vi khả nghi và đánh giá nguy cơ tiềm ẩn; kiểm soát lý lịch và kiểm tra an ninh đối với nhân viên làm việc ở sân bay; bảo vệ an ninh tàu bay. 

Ý kiến của bạn

Bình luận