Giải pháp hữu hiệu để kéo giảm TNGT đường sắt

Tác giả: Thùy Dương

saosaosaosaosao
Hoạt động Ban ATGT 22/03/2017 17:07

Trong thời gian qua, việc thành lập 17 chốt cảnh giới tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt có mật độ phương tiện qua lại đông đã giúp Phú Thọ kéo giảm TNGT đường sắt.


images1118326_gt
Đường ngang dân sinh (km 75+212) khu phố Gát, thành phố Việt Trì tiềm ẩn nhiều nguy cơ TNGT đường sắt.Ảnh: Đinh Tú

Giao thông đường sắt phức tạp

Theo UBND tỉnh Phú Thọ, hiện nay tuyến đường sắt trên địa bàn tỉnh có tuyến Yên Viên - Lào Cai dài 75 km điểm đầu từ km 69+725 thuộc địa bàn phường Bạch Hạc, thành phố Việt Trì đến km 144+750 hết địa bàn xã Hậu bổng, huyện Hạ Hòa, đi qua 5 huyện, thành, thị: Thành phố Việt Trì, huyện Lâm Thao, thị xã Phú Thọ, huyện Thanh Ba và huyện Hạ Hòa bao gồm 40 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh có đường sắt chạy qua. Đồng thời ó 2 tuyến đường sắt chuyên dùng của Nhà máy Giấy Bãi Bằng và Công ty Supe Phốt phát & Hóa chất Lâm Thao: 13,20 km.

Địa bàn tỉnh có sổng số 131 vị trí giao cắt giữa đường sắt với đường bộ. Trong đó có 23 đường ngang hợp pháp có người gác, 13 đường ngang phòng vệ bằng biển báo, 3 đường ngang cảnh báo tự động và có 92 lối đi dân sinh bất hợp pháp.

Ông Hà Hữu San – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ cho biết ngay khi xác định được tính chất phức tạp về giao thông đường sắt, hàng năm Ban ATGT tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch triển khai công tác bảo đảm TTATGT ngay từ đầu năm, chỉ đạo các địa phương xây dựng kế hoạch thực hiện.

Theo đó, những địa phương có đường sắt chạy qua, công tác bảo đảm TTATGT đối với đường sắt cũng được đề cao. Trên cơ sở quy chế phối hợp số 25/QCPH-BGTVT-UBND ngày 28/6/2013 giữa Bộ GTVT với UBND tỉnh Phú Thọ trong công tác bảo đảm TTATGT tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt; UBND tỉnh đã chỉ đạo Ban ATGT tỉnh triển khai tới các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp, trường học trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao ý thức tuân thủ các qui định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường sắt cho người dân, xác định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc phối hợp bảo vệ hành lang ATGT đường sắt nhằm giảm TNGT và ngăn chặn tình trạng tự ý mở mới đường ngang, đấu nối trái phép qua đường sắt.  

Mặc dù các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể đã tăng cường công tác chỉ đạo, tổ chức tuyên truyền, phối hợp với các đơn vị quản lý đường sắt và các lực lượng chức năng trên địa bàn triển khai các hoạt động nhằm bảo đảm TTATGT đường sắt, tuy nhiên TNGT có giảm trong các năm nhưng vẫn ở mức cao

Tai nạn chủ yếu thường xảy ra tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt nơi không có rào chắn, không có người cảnh giới... Hiện tại trên địa bàn tỉnh còn tồn tại nhiều đường ngang dân sinh tự mở không bảo đảm ATGT đường sắt gồm 92 vị trí.  Một số địa phương còn tồn tại nhiều đường ngang dân sinh trái phép như Hạ Hòa( 42 vị trí), Thanh Ba (28 vị trí)... Việc khắc phục những tồn tại này còn gặp rất nhiều khó khăn.

Cách làm hay

Trước tính chất phức tạp của giao thông đường sắt trên địa bàn tỉnh, năm 2016, UBND tỉnh đã chỉ đạo Ban ATGT phối hợp với các địa phương có đường sắt chạy qua và đơn vị quản lý đường sắt triển khai tổ chức thành lập 17 chốt cảnh giới tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt có mật độ phương tiện qua lại đông, tiềm ẩn nguy cơ gây TNGT cao, mỗi vị trí chốt gác bố trí 3 người cảnh giới liên tục 24h/24h, 17 chốt gác này đi vào hoạt động từ tháng 5 năm 2016 đến nay. Chôt cảnh giới này được thành lập nhằm từng bước khắc phục những tồn tại trong công tác bảo đảm TTATGT đường sắt trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, Ban ATGT tỉnh phối hợp với Ban ATGT các huyện, thành, thị, các xã, phường có dự kiến thành lập chốt gác, tìm chọn người tự nguyện tham gia cảnh giới tại vị trí chốt gác theo điều kiện mà ban ATGT tỉnh đề ra. Cụ thể, yêu cầu đối với người tham gia cảnh giới phải là người có đủ sức khỏe, có tinh thần trách nhiệm cao, có khả năng thực hiện nhiệm vụ được giao đồng thời phải là người gương mẫu, có uy tín trong cộng đồng dân cư để thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở người dân tuân thủ thực hiện nghiêm túc các qui định của pháp luật khi tham gia giao thông.

Khi chọn được người tự nguyện, Ban ATGT tỉnh phối hợp với Công ty Cổ phần đường sắt Vĩnh Phú tổ chức tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ, trang cấp những trang thiết bị cần thiết đảm bảo cho người tham gia cảnh giới thực hiện nhiệm vụ được giao như cờ, còi, đèn, băng đỏ, ô che nắng, ghế ngồi…. Và Công ty cổ phần đường sắt Vĩnh Phú có trách nhiệm cung cấp giờ tàu chạy qua các vị trí chốt gác (tàu khách, tàu hàng).

Ban ATGT các huyện, thành, thị ký hợp đồng trực tiếp với người lao động tham gia tại các chốt gác trên địa bàn quản lý. Kinh phí hỗ trợ cho người tham gia cảnh giới được trích từ nguồn kinh phí của Ban An toàn giao thông tỉnh, hàng quý Ban ATGT tỉnh cấp kinh phí hỗ trợ cho các lao động tham gia chốt gác thông qua Ban ATGT các huyện, thành, thị. Sau khi cấp phát tiền hỗ trợ cho các lao động xong Ban ATGT các huyện, thành, thị có trách nhiệm hoàn thành các thủ tục tài chính theo từng quý gửi về Ban ATGT tỉnh để làm cơ sở quyết toán tài chính hàng năm. 

Năm 2017 tỉnh Phú Thọ vẫn tiếp tục cho duy trì thực hiện 17 chốt gác cảnh giới trên, dự kiến kinh phí hỗ trợ cho 17 chốt gác trong năm 2017 là 918 triệu đồng.

“Ngoài ra năm 2017 chúng tôi dự kiến sẽ trang bị thêm quần áo, mũ, dày phòng hộ khác cho các lao động tham gia chốt gác. Hàng tháng Ban ATGT tỉnh phối hợp với Ban An toàn giao thông các huyện, thành, thị, Công ty cổ phần đường sắt Vĩnh Phú tổ chức kiểm tra công tác cảnh giới tại các chốt gác để kịp thời xem xét việc phản ánh, kiến nghị của người dân, tham gia góp ý kiến, trấn chỉnh với những tồn tại và cung cấp thông tin cần thiết cho người cảnh giới phối hợp thực hiện”, ông San cho biết.

Với sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, sự vào cuộc của các cấp ngành, đoàn thể và sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân, tình hình TTATGT đường sắt đã có những chuyển biến tích cực, TNGT đường sắt giảm sâu: Năm 2015 xảy ra 7 vụ, làm chết 6 người, bị thương 1 người; năm 2016 xảy ra 01 vụ, làm chết 1 người (Thời điểm trước khi bố trí chốt gác cảnh giới); trong quý I/2017: không xảy ra TNGT đường sắt.

“Ý thức của người tham gia giao thông từng bước được nâng lên và đặc biệt là đã củng cố, tăng cường mối quan hệ chặt chẽ giữa các địa phương nơi có đường sắt chạy qua với đơn vị quản lý đường sắt, đây chính là cơ sở, là điều kiện để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Qui chế phối hợp giữa UBND tỉnh và Bộ GTVT đã ký kết”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá. 

Ý kiến của bạn

Bình luận