Ga Cái Lân hoang phế sau gần 2 năm hoạt động

Thị trường 18/05/2016 15:28

Sau gần 2 năm hoạt động, ga Cái Lân (P.Bãi Cháy, TP.Hạ Long, Quảng Ninh) chỉ đón được một lô hàng và phải tạm đóng cửa, chịu chung cảnh ngộ đìu hiu của dự án xây dựng tuyến đường sắt khổ 1,435 m.

Ga Cái Lân hoang phế sau gần 2 năm hoạt đo

Ế ẩm do lệch khổ đường sắt

Nếu không có biển chỉ dẫn, khó có thể nghĩ dãy nhà khang trang nằm gần cảng Cái Lân và QL 18 là ga Cái Lân, vì sân ga không một bóng người, cửa đóng im ỉm, bàn ghế trong phòng phủ bụi, còn bên ngoài cỏ dại mọc um tùm. Do không có tàu chạy nên đường ray bị han rỉ. Ông Nguyễn Đức Tân, Trưởng ga Cái Lân cho biết, sau ngày khánh thành 20.10.2014, ga Cái Lân khai thác được một lô hàng 10.000 tấn thép từ Thái Nguyên về, từ đó đến nay chưa đón thêm chuyến hàng nào khác.

“Ngày đầu hoạt động, chúng tôi có 17 nhân viên làm việc, nhưng từ đầu năm 2015 đến nay không có việc nên chỉ giữ 4 người ở lại làm nhiệm vụ trông coi nhà ga, còn lại thì điều đến ga khác công tác. Thu nhập của chúng tôi vì thế cũng rất thấp”, ông Tân nói.

Ga Cái Lân được thiết kế để chuyên chở hàng hóa, có khổ đường sắt 1,435 m, nằm trong tiểu dự án Hạ Long - cảng Cái Lân, tổng mức đầu tư 1.510 tỉ đồng. Đây là một trong 4 tiểu dự án thuộc chủ trương xây dựng tuyến đường sắt Yên Viên (H.Gia Lâm, Hà Nội) - Phả Lại (TX.Chí Linh, Hải Dương) - Hạ Long - Cái Lân, do Bộ GTVT làm chủ đầu tư.

Ông Nguyễn Tất Thương, Giám đốc Chi nhánh khai thác đường sắt Hà Lạng, thuộc Tổng công ty Đường sắt VN, đơn vị khai thác hạ tầng ga Cái Lân cho biết, nhà ga này có năng lực khai thác có thể đạt một triệu tấn hàng hóa mỗi năm nhưng hiện khó kết nối với khổ 1 m của đường sắt quốc gia. Khách hàng muốn vận chuyển hàng bằng tàu hỏa phải mất thêm tiền chi phí sang toa chuyển tải nên không ai muốn vận chuyển. “Phía lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt VN nhiều lần đi mời chào, kêu gọi khách hàng vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt, vừa tiện lợi, lại giảm tải áp lực cho đường bộ, nhưng cũng không ăn thua”, ông Thương chia sẻ.

Ông Võ Minh Trung, Giám đốc chi nhánh vận tải đường sắt Bắc Giang, thuộc Công ty CP vận tải đường sắt Hà Nội, đơn vị khai thác vận tải trên tuyến đường sắt từ ga Kép (H.Lạng Giang, Bắc Giang) - Cái Lân, thì cho biết chi phí chuyển tải khoảng 20.000 - 25.000 đồng/tấn hàng. Hơn nữa, việc vận chuyển các loại hàng hóa vào cảng Cái Lân cũng bị hạn chế do đi qua di sản vịnh Hạ Long, nên khách hàng hầu hết dùng đường bộ. Điều này cũng ảnh hưởng tới hoạt động của ga Hạ Long cách ga Cái Lân hơn 5 km. Ga Hạ Long có thể đón, gửi 10 - 11 đôi tàu/ngày/đêm, nhưng hiện chỉ có 2 chuyến tàu hỗn hợp khách - hàng đi, về mỗi ngày, khá èo uột.

"Tê liệt" vì chờ vốn

Qua tìm hiểu được biết, tiểu dự án Hạ Long - Cái Lân dù đã làm xong nhưng vẫn chịu cảnh “tê liệt” do toàn dự án đường sắt dài 131 km này đang bị thiếu vốn. Sau hơn 10 năm khởi công, đến nay 3 tiểu dự án còn lại là: Yên Viên - Lim (dài gần 11 km); Lim - Phả Lại (dài hơn 36 km); Phả Lại - Hạ Long (dài hơn 78 km) làm dở dang.

Trước đó, vào tháng 9.2015, Bộ GTVT đã gửi văn bản đề nghị Thủ tướng xem xét, chấp thuận tạm dừng đầu tư dự án để tập trung cân đối vốn cho các dự án khác của ngành GTVT, đồng thời cho phép điều chỉnh tiến độ hoàn thành về sau năm 2020.

Ý kiến của bạn

Bình luận