Đường vành đai 3: Kết nối liên kết vùng Tp.HCM với 7 tỉnh

Tác giả: Mỹ Lệ

saosaosaosaosao
Thị trường 26/04/2018 14:47

Bộ GTVT đang lấy ý kiến góp ý của các Bộ, ngành, địa phương liên quan để thẩm định dự án và sẽ phê duyệt và triển khai.

vành đai
Tuyến vành đai 3 đi qua và kết nối tỉnh Long An - Tây Ninh - Bình dương - Đồng Nai....

Theo ông Trần Văn Thi, Tổng Giám đốc Tổng công ty đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long, chủ đầu tư dự án lập Báo cáo nghiên cứu khả thi các đoạn Bình Chuẩn – QL22 và QL22 – Bến Lức thuộc dự án đường Vành đai 3 thành phố Hồ Chí Minh, sử dụng nguồn vốn vay của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), đến nay công tác lập dự án do Liên danh Tư vấn quốc tế thực hiện đã cơ bản hoàn tất. Bộ GTVT đang lấy ý kiến góp ý của các Bộ, ngành, địa phương liên quan để thẩm định dự án khả thi. Sau khi xác định được nguồn vốn cho công tác xây dựng dự án sẽ phê duyệt và triển khai.

Theo kết quả nghiên cứu của Tư vấn, tổng chiều dài của hai đoạn gần 48 Km đi qua khu vực đang phát triển rất năng động và xu thế đô thị hóa nhanh chóng là Thị xã Thuận An, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương; các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh thành phố Hồ Chí Minh và huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Quy mô dự án giai đoạn hoàn chỉnh theo quy hoạch là từ 6-8 làn xe ô tô có đường song hành hai bên tuyến, phân kỳ đầu tư theo hai giai đoạn. Giai đoạn 1 sẽ tổ chức bồi thường, giải phóng mặt bằng theo quy mô hoàn chỉnh, đầu tư xây dựng 04 làn xe, một số đoạn đường song hành qua khu đô thị, các đoạn đường gom dân sinh qua khu vực nông thôn với tổng mức đầu tư khoảng 950 triệu USD. Giai đoạn hoàn chỉnh sẽ đầu tư xây dựng 6-8 làn xe theo quy hoạch với hệ thống đường song hành, nút giao khác mức, cống chui hoàn chỉnh.

vanhdai
Bộ GTVT khảo sát nút giao Vành Đai 3 tại Bình Chuẩn - Bình Dương

Về nguồn vốn thực hiện dự án, hiện nay mới chỉ có cam kết cho vay của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) ở mức khoảng 287 triệu USD. Phần còn thiếu, qua kết quả nghiên cứu, Tư vấn cũng đã đề xuất nhiều phương án huy động vốn đầu tư trong đó ưu tiên xem xét kết hợp sử dụng ngân sách trung ương và địa phương đồng thời huy động vốn từ các nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước cũng như khai thác quỹ đất hiện có dọc hai bên tuyến một cách hợp lý.

Sau khi xác định được nguồn vốn đầu tư và phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, sẽ triển khai ngay công tác khảo sát thiết kế kỹ thuật để thi công trong thời gian sớm nhất. Các chủ thể tham gia dự án phấn đấu hoàn thành toàn bộ công tác chuẩn bị trước năm 2020 và dự tính bắt đầu thi công từ năm 2021, hoàn thành năm 2025.

Cùng với việc các đoạn khác của đường vành đai 3 như Tân Vạn – Nhơn Trạch sử dụng vốn vay của Hàn Quốc kết hợp với vốn từ các nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước; đoạn Bến Lức – Long Thành vốn đầu tư từ các nhà tài trợ đang triển khai thi công sẽ từng bước khép kín đường Vành đai 3, ngoài chức năng kết nối liên vùng thành phố Hồ Chí Minh với 07 tỉnh, thành phố của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tuyến đường còn có chức năng phân luồng phương tiện từ xa, góp phần giải quyết căn bản tình trạng ùn tắc giao thông đang ngày một nghiêm trọng tại thành phố Hồ Chí Minh.

Để hiện thực hóa tuyến đường vành đai quan trọng này, việc phối hợp chặt chẽ giữa Bộ GTVT và các Bộ, ngành, địa phương có tuyến đi qua là hết sức cần thiết./.

Ý kiến của bạn

Bình luận