Đường sắt Việt Nam và vấn đề tái cấu trúc

Bạn đọc 26/11/2013 15:59

GS. TS. BÙI XUÂN PHONG Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông


1. Đặt vấn đề

           Trong giai đoạn hiện nay, Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) tiếp tục phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Bên cạnh khó khăn do kinh tế vẫn đang trong giai đoạn phục hồi và áp lực cạnh tranh mạnh mẽ của thị trường vận tải, còn phải chịu tác động lớn do mức kinh phí hỗ trợ của Nhà nước tiếp tục giảm mạnh. Những thách thức trên đã, đang và sẽ đặt ra những yêu cầu, đòi hỏi ĐSVN phải năng động, chủ động hơn nữa, quyết liệt trong việc tìm ra những giải pháp mới cho hoạt động kinh doanh của mình. Muốn vậy, ĐSVN phải được tái cấu trúc lại.

           Bài viết trình bày mang tính chất gợi ý một số vấn đề liên quan đến tái cấu trúc ĐSVN.

2. Vấn đề tái cấu trúc đường sắt Việt nam

2.1. Sự cần thiết phải tái cấu trúc         

          Trong nền kinh tế thị trường, cạnh tranh là sự sống còn của mỗi doanh nghiệp, trong đó có ĐSVN. Cạnh tranh đảm nhận một số chức năng quan trọng đối với nền kinh tế. Đó là đảm bảo điều chỉnh giữa cung và cầu về các dịch vụ vận tải; hướng việc sử dụng các yếu tố kinh doanh vào những nơi có hiệu quả nhất. Cạnh tranh tạo ra môi trường thuận lợi để sản xuất cung cấp dịch vụ vận tải thích ứng với sự biến động của cầu và công nghệ sản xuất cung cấp các dịch vụ. Ngoài ra, cạnh tranh còn là động lực thúc đẩy đổi mới hoạt động kinh doanh dịch vụ vận tải.

          Khả năng cạnh tranh của ĐSVN là khả năng tạo ra được lợi thế cạnh tranh, có khả năng tạo ra năng suất và chất lượng cao hơn đối thủ cạnh tranh, chiếm lĩnh thị phần lớn, tạo ra thu nhập cao và phát triển bền vững. Để đánh giá năng lực cạnh tranh, có thể dựa vào nhiều tiêu chí như thị phần, doanh thu, lợi nhuận và tỷ suất lợi nhuận, thu nhập bình quân, phương pháp quản lý, uy tín dịch vụ, tài sản doanh nghiệp, nhất là tài sản vô hình, tỷ lệ lao động lành nghề, tỷ lệ đội ngũ quản lý giỏi, nghiên cứu và sáng tạo… Những yếu tố đó tạo cho ĐSVN có lợi thế cạnh tranh, tức là có khả năng triển khai các hoạt động với hiệu suất cao hơn đối thủ cạnh tranh, tạo ra giá trị cho khách hàng dựa trên sự khác biệt hoá trong các yếu tố của chất lượng hoặc chi phí thấp, hoặc cả hai.

          Chuyển sang nền kinh tế thị trường, ĐSVN phải đối mặt nhiều hơn với cạnh tranh. Trong cuộc cạnh tranh gay gắt đó, một số doanh nghiệp cung cấp dịch vụ vận tải đã đạt được những thành tích đáng khích lệ. Tuy nhiên, tình hình đang đặt ra cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ vận tải nhiệm vụ phải không ngừng nâng cao khả năng cạnh tranh, có các giải pháp nâng cao khả năng cạnh tranh để đảm bảo cạnh tranh thắng lợi trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ vận tải. Một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao khả năng cạnh tranh đó chính là tái cấu trúc doanh nghiệp.

2.2. Tái cấu trúc ĐSVN

a. Về nguyên tắc tái cấu trúc

 - Tái cấu trúc phải nhằm giảm chi phí và tăng hiệu suất hoạt động kinh doanh; tận dụng được nguồn tài chính vốn có, bố trí lại cơ cấu tài chính của các nguồn vốn trong doanh nghiệp, sử dụng nguồn tài trợ một cách hợp lý; tăng trưởng hoạt động kinh doanh trong kỳ vọng.

- Tái cấu trúc phải tăng cường thị phần, có thể mở rộng quy mô hoặc bố trí, sắp xếp lại quy mô cũ để tăng lợi nhuận.

- Tái cấu trúc phải thiết lập kỹ năng thương thuyết và xác lập mối quan hệ có hiệu quả hơn với những bên có liên quan đến doanh nghiệp như khách hàng sử dụng dịch vụ vận tải, các nhà cung cấp.

- Tái cấu trúc phải sử dụng công nghệ thông tin để trang bị và hỗ trợ về quản trị trong doanh nghiệp, giảm chi phí giao dịch, nâng cao năng suất và hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

b. Xu hướng tái cấu trúc

        Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ vận tải với quy mô tương đối lớn, hoạt động điều hành trở nên phức tạp hơn. Doanh nghiệp có khi phải ra hàng trăm quyết định mỗi ngày về thị trường, nhân sự, hành chính, công nghệ, sản xuất, tài chính kế toán. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ vận tải nhận thức sâu sắc và nỗ lực triển khai việc tái cấu trúc lại doanh nghiệp, nhất là bộ máy nhân lực. ĐSVN hy vọng khi có bộ máy nhân lực mạnh, sẽ tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ về hoạt động kinh doanh, tiếp thị, tài chính kế toán… sẵn sàng có chế độ đãi ngộ cao để thu hút nhân tài, đặc biệt là cán bộ quản trị cấp trung và cấp cao. Tính chuyên nghiệp trong quản trị của đội ngũ nhân lực mới này tạo nên những chuyển biến rất mạnh mẽ trong công tác quản trị của doanh nghiệp.

       Tuy nhiên, trong quá trình tái cấu trúc, ĐSVN có những khó khăn nhất định, đó là:

- Chi phí cho việc chuẩn hóa bộ máy và hình thức quản trị tiên tiến rất cao và cao hơn nhiều so với sự gia tăng về doanh thu, lợi nhuận. Từ đó, phát sinh những nghi ngại, những đánh giá không tốt của lãnh đạo doanh nghiệp về năng lực quản trị đội ngũ nhân lực mới. Nói cách khác, kỳ vọng về một sự thay đổi mang tính đột biến chưa được đáp ứng.

- Sự phân cấp chưa đủ mạnh, cảm giác bị mất quyền lực, cùng với những thói quen can thiệp vào mọi công việc của lãnh đạo doanh nghiệp gây ra những khó khăn trong triển khai các công việc của các nhân sự mới.

- Khoảng cách về tính chuyên nghiệp trong quản trị giữa lực lượng quản trị mới được tuyển dụng và lực lượng hiện hữu sẽ dẫn đến những mâu thuẫn nhất định trong nội bộ doanh nghiệp. Mâu thuẫn này gây nhiễu thông tin và bất lợi cho công tác quản trị của nhân sự mới.

             ĐSVN nên tái cấu trúc theo các xu hướng:

- Thứ nhất, Tái cấu trúc doanh nghiệp trong giai đoạn chuyển đổi của nền kinh tế vĩ mô: Do nền kinh tế vĩ mô chuyển đổi, nên quản lý kinh tế của nhà nước cũng chuyển đổi theo. Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta, nhiều thành phần kinh tế tồn tại song song, bình đẳng kinh doanh, nên ĐSVN phải tái cấu trúc lại. Điển hình trong công cuộc tái cấu trúc lại doanh nghiệp là thực hiện một lộ trình cổ phần hóa một số bộ phận, đơn vị và đã đạt được một số kết quả nhất định.

- Thứ hai, Tái cấu trúc về mặt tài chính: Tái cấu trúc doanh nghiệp về mặt tài chính cũng có thể hiểu là điều kiện thay đổi lại mối quan hệ giữa tỷ trọng nợ trên vốn chủ sở hữu. Chính vì vậy khi tái cấu trúc về tài chính là một sự thay đổi quan trọng. Một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ vận tải tiến hành hoạt động tái cấu trúc khi nó thật sự gặp phải các vấn đề nghiêm trọng có thể khiến doanh nghiệp lâm vào tình thế “hiểm nghèo”. Thông qua việc tái cấu trúc, hy vọng giải quyết được các khó khăn tài chính và cải thiện tình hình hoạt động kinh doanh.

- Thứ ba, Tái cấu trúc do đổi mới và chuyển dịch cơ cấu dịch vụ vận tải trong nền kinh tế hội nhập: Tái cấu trúc doanh nghiệp để đáp ứng yêu cầu chuyển dịch của cơ cấu dịch vụ vận tải, tăng tỷ trọng một số loại dịch vụ vận tải, nhằm tạo ra những động lực mới về sức sản xuất, chất lượng, hiệu quả và thị trường tiêu thụ, khuyến khích đầu tư vào những lĩnh vực dịch vụ vận tải mới, chuyển dịch cơ cấu dịch vụ và cơ cấu lao động theo cấu trúc mới.

c. Một số biện pháp chủ yếu để tái cấu trúc

          Cùng với áp lực của cạnh tranh từ bên ngoài do tiến trình hội nhập đem lại, tự thân mỗi doanh nghiệp cung cấp dịch vụ vận tải cũng chịu sức ép phải đổi mới để đáp ứng những đòi hỏi ngày càng tăng của khách hàng, tái cấu trúc doanh nghiệp là vấn đề hết sức quan trọng không chỉ đối với doanh nghiệp vận tải trong xu thế hội nhập hiện nay, lợi ích của tái cơ cấu hợp lý doanh nghiệp không chỉ dừng lại ở việc góp phần tạo nên một hình ảnh đổi mới cho doanh nghiệp vận tải, hấp dẫn nhà đầu tư mà còn nâng cao giá trị của doanh nghiệp vận tải trong tương lai, tạo đà cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ vận tải nâng cao sức cạnh tranh của mình nói chung và các dịch vụ vận tải do doanh nghiệp vận tải cung cấp nói riêng.

     Để đẩy mạnh việc tái cấu trúc cần tập trung vào một số biện pháp chủ yếu:

      – Mạnh dạn vận dụng những vấn đề lý luận về quá trình tái cơ cấu cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo của doanh nghiệp vận tải. Việc phổ biến vận dụng những lý luận này sẽ giúp cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của quá trình tái cơ cấu, từ đó mạnh dạn áp dụng vào doanh nghiệp mình để nâng cao hiệu quả quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh. Muốn vậy, cần tổ chức mời đội ngũ chuyên gia có kinh nghiệm phổ biến những quan điểm về tái cơ cấu, tái lập doanh nghiệp đến các thành viên trong doanh nghiệp để toàn bộ các thành viên trong doanh nghiệp thấy được sự cần thiết của quá trình này. Đồng thời, quán triệt về nhận thức và hành động trong các đơn vị thành viên để việc triển khai đề án tái cơ cấu thực sự đúng trọng tâm, theo lộ trình và đạt hiệu quả. Bên cạnh đó cũng cần kiên quyết áp dụng khi nhận thấy doanh nghiệp đã hội tụ đầy đủ các điều kiện để tái cấu trúc.

         – Đào tạo và trang bị cho đội ngũ lao động những kiến thức cần thiết để có khả năng thích ứng với mô hình mới, với những vấn đề mới sau khi tái cơ cấu doanh nghiệp bằng cách cung cấp cho người lao động những thông tin cần thiết liên quan đến lợi ích, nghĩa vụ và trách nhiệm của họ để người lao động có kế hoạch chủ động trong công việc của mình, trang bị cho người lao động những kiến thức cần thiết để có thể tiếp cận với vị trí mới, với công việc mới sau khi tái cơ cấu doanh nghiệp.

         – Có định hướng xác định đúng thời điểm tái cơ cấu một cách hợp lý, tránh quá sớm hoặc quá muộn. Thời cơ là một yếu tố quan trọng đối với doanh nghiệp trong bất kỳ tình huống nào. Do vậy, cần phân tích, đánh giá nội bộ để thấy chu kỳ hoạt động cũng như sự thay đổi của môi trường kinh doanh, từ đó xác định thời điểm và quyết định.

3. Kết luận

           Để tái cấu trúc thành công, ĐSVN cần phải thực hiện một cách toàn diện và triệt để các nội dung như tái cơ cấu tổ chức bộ máy quản lý và nguồn nhân lực; rà soát lại và phân công chức trách, nhiệm vụ, quyền hành của các bộ phận lao động, các cấp quản lý; tái cơ cấu các hoạt động về mục tiêu chiến lược, kế hoạch kinh doanh, chủng loại dịch vụ vận tải cung cấp; tái cơ cấu các nguồn lực; cơ cấu danh mục tài sản, cơ cấu tài chính phù hợp với chiến lược kinh doanh trong giai đoạn mới. Theo đó, tái cơ cấu các hoạt động và nguồn lực được xem là vấn đề hạt nhân của toàn bộ quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp.

           Tình hình hiện nay đang đặt ra cho ĐSVN nhiệm vụ phải không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh, có các biện pháp nâng cao năng lực cạnh tranh để đảm bảo cạnh tranh thắng lợi trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ vận tải. Với ĐSVN, tái cấu trúc doanh nghiệp là vấn đề rất đáng được quan tâm nếu doanh nghiệp thực sự muốn thành đạt trong điều kiện kinh tế thị trường. Cũng cần thấy rằng, trong điều kiện tính không ổn định của môi trường ngày càng mạnh, mối quan hệ giữa các yếu tố bên trong và bên ngoài ngày càng trở nên sâu sắc thì yêu cầu về tính năng động của đường sắt Việt nam ngày càng tăng. Do vậy, tái cấu trúc doanh nghiệp không phải là cái bất biến mà nó cần phải được thay đổi theo yêu cầu của bộ máy tổ chức quản lý, phục vụ cho việc thực hiện mục tiêu của doanh nghiệp. Nó phải được thực hiện dựa trên nền tảng là truyền thống và bản sắc dân tộc Việt Nam. Tái cấu trúc doanh nghiệp phải được sử dụng như một yếu tố nâng cao khả năng thích nghi và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Tài liệu tham khảo

[1]. GS. TS Bùi Xuân Phong, Tái cấu trúc doanh nghiệp – giải pháp quan trọng nâng cao sức cạnh tranh dịch vụ viễn thông của Tập đoàn bưu chính viễn thông Việt Nam, Thông tin Khoa học công nghệ và Kinh tế Bưu điện, 7/2010.

[2]. Đường sắt Việt Nam, Báo cáo chi tiết điều chỉnh chiến lược phát triển GTVT đường sắt Việt nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050.

Ý kiến của bạn

Bình luận