Đường sắt tốc độ cao:Nền tảng cho chiến lược phát triển giao thông bền vững

Tác giả: PV

saosaosaosaosao
Thị trường 23/06/2018 06:45

Đường sắt tốc độ cao (ĐSTĐC) được đánh giá là một trong những phương thức vận chuyển an toàn, tốc độ nhanh, khối lượng lớn và thân thiện với môi trường. Theo quan điểm phát triển bền vững thì ĐSTĐC từ Hà Nội đến TP. Hồ Chí Minh được coi là phương thức vận tải quan trọng không thể thiếu trên trục giao thông xương sống Bắc - Nam, đặc biệt theo dự báo tới năm 2030, nhu cầu vận tải là rất lớn, vượt quá năng lực của các loại hình vận tải hiện tại. Chính phủ đã cho phép triển khai xây dựng, hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án ĐSTĐC trên trục Bắc - Nam, công tác đấu thầu lựa chọn tư vấn hoàn thiện báo cáo đã được triển khai. Liên danh tư vấn TEDI - TRICC - TEDISOUTH đã được tuyển chọn làm tư vấn thực hiện dự án.

 

2
Quy hoạch đô thị tương lai (phần mũi tên là vị trí đặt ga)

Tuyến đường sắt Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh (tuyến Bắc - Nam) được xây dựng đã lâu với tiêu chuẩn kỹ thuật và tốc độ thấp, sử dụng khổ đường 1.000mm. Tuyến đường sắt với đường ray đơn và không điện khí hóa này phần lớn bị xuống cấp, cản trở việc khai thác chạy tàu nhanh, từ đó làm giảm dần thị phần vận tải.

Khi hình thành tuyến ĐSTĐC trên trục Bắc - Nam sẽ giúp tái lập sự cân bằng trong hệ thống GTVT Bắc - Nam, trong đó các phương thức vận tải được phân chia thị phần phù hợp với khả năng chuyên chở và tốc độ của nó, làm cho toàn bộ hệ thống có thể hoạt động một cách liên hoàn, đồng bộ, an toàn, từ đó mang đến hiệu quả cao nhất, chi phí tiết kiệm cho toàn xã hội.

Điểm đầu của dự án tuyến ĐSTĐC là ga Hà Nội, điểm cuối là ga Thủ Thiêm, vị trí đặt ga ưu tiên các khu vực giải phóng mặt bằng ít và là các khu vực đô thị quy hoạch phát triển trong tương lai. Xem xét kết nối ga đường sắt hiện hữu nếu điều kiện cho phép.

Định hướng phát triển GTVT đường sắt của Việt Nam

1
1

Theo Chiến lược và Quy hoạch điều chỉnh phát triển GTVT đường sắt đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, mục tiêu định hướng phát triển đã được xác định cụ thể như sau:

Đối với mạng đường sắt hiện có: Tập trung đầu tư nâng cấp các tuyến đường sắt hiện có, trong đó ưu tiên nâng cấp, hiện đại hóa tuyến đường sắt Bắc - Nam để đạt tốc độ chạy tàu bình quân 80 km/giờ - 90 km/giờ đối với tàu khách và 50 km/giờ - 60 km/giờ đối với tàu hàng.

Đối với đường sắt xây mới: Nghiên cứu phương án xây dựng mới tuyến ĐSTĐC, đường đôi khổ 1.435mm, điện khí hóa trên trục Bắc - Nam, trong đó chuẩn bị các điều kiện cần thiết để từng bước ưu tiên xây dựng trước những đoạn tuyến có nhu cầu vận tải lớn, đặc biệt khu vực kết nối với Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh như các đoạn Hà Nội - Vinh, TP. Hồ Chí Minh - Nha Trang.

Như vậy, cả Chiến lược và Quy hoạch phát triển đường sắt đều chung một quan điểm, mục tiêu phát triển là đầu tư nâng cấp, cải tạo tuyến đường sắt hiện có, đồng thời nghiên cứu xây dựng mới tuyến ĐSTĐC trên trục Bắc - Nam.

Hiện tại trên thế giới có hai trường phái phát triển hạ tầng ĐSTĐC. Một số quốc gia như Nhật Bản, Trung Quốc lựa chọn phương án xây dựng hạ tầng mới chuyên dụng để khai thác tàu tốc độ cao, tuy nhiên một số quốc gia ở châu Âu lại lựa chọn kết hợp giữa việc xây dựng mới và nâng cấp cải tạo một phần tuyến đường sắt thường, điển hình cho trường phái này là Pháp, Đức, Tây Ban Nha... Để có thể khai thác tàu ở tốc độ cao thì khổ đường phải đạt chuẩn (1.435mm). Việt Nam có hạ tầng tuyến đường sắt Bắc - Nam hiện tại khổ 1.000mm, không phù hợp với ĐSTĐC khổ 1.435mm nên không thể tận dụng như các mô hình của Pháp, Tây Ban Nha hay Đức. Mặt khác, chúng ta có hành lang phát triển chủ yếu theo hướng Bắc - Nam, nhu cầu vận tải đường sắt tới năm 2030 vượt quá năng lực của tuyến đường sắt hiện hữu (kể cả phương án đầu tư nâng cấp thành đường đôi khổ 1.435mm). Do đó, việc đầu tư xây dựng một tuyến đường sắt mới theo tiêu chuẩn đường đôi điện khí hóa khổ 1.435mm kết hợp với việc đầu tư nâng cấp tuyến đường sắt hiện tại để tối ưu hóa năng lực của tuyến đường sắt đơn là rất cấp thiết, hoàn toàn phù hợp với định hướng phát triển của Việt Nam và xu thế phát triển trên thế giới.

Lợi ích khi đầu tư xây dựng tuyến mới

Theo đánh giá của tư vấn, tuyến ĐSTĐC sẽ hình thành một hệ thống giao thông trên trục Bắc - Nam có tính chuyên môn hóa cao, chất lượng dịch vụ tốt; phát huy được tối đa hiệu quả đã và đang đầu tư cho mạng đường sắt hiện tại, không làm gián đoạn quá trình khai thác, từ đó có thể đáp ứng được nhu cầu vận tải trong tương lai gần (trong thời kỳ nghiên cứu, xây dựng ĐSTĐC); đáp ứng được nhu cầu giao thông và yêu cầu về chất lượng dịch vụ ngày càng cao của xã hội trong tương lai trên trục Bắc - Nam; tái cân bằng vai trò của vận tải đường sắt trong tổng đồ GTVT Việt Nam; phù hợp với định hướng phát triển của Việt Nam và xu thế phát triển trên thế giới (đi thẳng vào hiện đại); giúp quy hoạch lại đô thị, phân bố lại dân cư và hình thành các khu đô thị mới dọc tuyến; có thể phân kỳ đầu tư xây dựng mới từng đoạn theo nhu cầu và tiềm lực kinh tế của quốc gia mà không làm ảnh hưởng đến tính vận tải liên hoàn trên trục Bắc - Nam.

Đề xuất ban đầu về loại hình công nghệ và phương án khai thác ĐSTĐC trên trục Bắc - Nam

Đối tượng khai thác: Do có yêu cầu cao về độ an toàn trong khi trình độ quản lý, khai thác cũng như ý thức tham gia giao thông chưa cao, do vậy việc khai thác riêng sẽ hiệu quả cao. Mặt khác, Việt Nam có điều kiện địa hình phức tạp dọc tuyến (sông/núi) dẫn tới nếu khai thác chung khách/hàng làm chi phí đầu tư hạ tầng sẽ rất lớn. Bên cạnh đó, khối lượng vận tải hàng nặng theo hướng Bắc - Nam có sự hỗ trợ lớn bằng đường biển dẫn tới nhu cầu hàng cho đường sắt hoàn toàn có thể kiểm soát. Trường hợp cần thiết ĐSTĐC có thể tham gia vận chuyển loại hàng nhẹ, cạnh tranh với máy bay theo mô hình của Pháp.

Từ những phân tích trên cho thấy, việc lựa chọn khai thác riêng tàu khách trên hạ tầng ĐSTĐC là hoàn toàn phù hợp với đặc điểm địa hình và vai trò của các loại hình vận tải trên trục Bắc - Nam. Việc khai thác riêng này sẽ mang lại những lợi ích như: Nâng cao an toàn khai thác; tối ưu trong việc nâng cao tốc độ và tần suất chạy tàu (tốc độ cao, tần suất lớn); tăng chất lượng dịch vụ vận tải hành khách bằng đường sắt, giúp cạnh tranh được với hàng không; tiết kiệm chi phí đầu tư xây dựng; tăng tính chuyên môn hóa trong vận tải trên trục Bắc - Nam.

1
 

Loại hình công nghệ ĐSTĐC: Đối với nước ta, việc đầu tư tuyến ĐSTĐC sẽ phải mất một quãng thời gian tương đối dài (15 - 20 năm), để tránh sự tụt hậu thì cần phải tiếp cận công nghệ mới trên thế giới. Trên cơ sở đó, tư vấn kiến nghị lựa chọn công nghệ có đặc điểm theo xu hướng mà các loại hình công nghệ đang hướng tới, đó là: Khai thác riêng; vận hành tàu đa hướng; tốc độ thiết kế cao (350 km/h); động lực phân tán; cự ly giữa tim đường xa (đủ hạn chế khí áp động lực, thuận lợi duy tu bảo dưỡng); mặt cắt ngang hầm lớn (đủ hạn chế khí áp động lực, thuận lợi duy tu bảo dưỡng); tải trọng trục nhỏ; vận hành an toàn cao.

Tốc độ khai thác: Bên cạnh việc tham khảo kinh nghiệm các quốc gia có ĐSTĐC trên thế giới trong việc lựa chọn tốc độ, tư vấn cũng đã đưa ra 3 phương án tốc độ thiết kế: 200 km/h, 250 km/h và 350 km/h để phân tích, đánh giá. Qua đó, tư vấn kiến nghị lựa chọn tốc độ thiết kế 350 km/h cho đầu tư kết cấu hạ tầng ĐSTĐC trên trục Bắc - Nam. Tốc độ khai thác thời kỳ đầu sẽ được xem xét phân kỳ phù hợp với điều kiện thực tế và đảm bảo tính hiệu quả của dự án

Ý kiến của bạn

Bình luận