Dự án WB5 kết nối, rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa ĐBSCL

Tác giả: Văn Quyết

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 10/08/2016 16:00

Việc hoàn thành đưa vào sử dụng Dự án phát triển hạ tầng giao thông ĐBSCL góp phần kết nối, rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa đường thủy với TP.HCM.

h1
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật chủ trì hội thảo.

Sáng ngày 10/8, Bộ GTVT tổ chức Hội thảo Tổng kết Dự án phát triển hạ tầng giao thông ĐBSCL (WB5) tại TP.Cần Thơ do Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật chủ trì cùng sự tham dự của các cơ quan Bộ GTVT, đại diện Ngân hàng Thế giới, đại diện Lãnh sự quán Úc tại Việt Nam cùng lãnh đạo 13 tỉnh, thành ĐBSCL.

Báo cáo quá trình thực hiện dự án, ông Lê Huy Thăng, Tổng giám đốc Ban Quản lý các dự án đường thủy cho biết: “Tổng mức đầu tư dự án WB5 là 554,397 triệu USD thực hiện từ năm 2007 – 2016 trên 14 tỉnh, thành với 4 dự án hợp phần. Cụ thể Hợp phần A cải tạo nâng cấp QL53, QL54, nâng cấp QL91, xây dựng phà Láng Sắt với tổng mức đầu tư là 122,897 triệu USD. Hợp phần B cải tạo nâng cấp hành lang đường thủy số 2 xuyên Đồng Tháp Mười – Tứ Giác Long Xuyên và hành lang đường thủy số 3 duyên hải phía Nam thay thế các cầu không đủ tĩnh không, xây dựng âu thuyền Rạch Chanh, sản xuất và lắp đặt hoàn chỉnh hệ thống phao tiêu báo hiệu với tổng mức đầu tư là 271,28 triệu USD.

Hợp phần C thực hiện đầu tư nâng cấp các tuyến tỉnh lộ, nâng cấp các cầu trên địa bàn 13 tỉnh khu vực ĐBSCL với tổng mức đầu tư 153,22 triệu USD. Hợp phần D các dịch vụ tư vấn và hỗ trợ kỹ thuật cho Bộ GTVT với tổng mức đầu tư 7 triệu USD.

h2
Ông Lê Huy Thăng, Tổng giám đốc Ban Quản lý các dự án đường thủy báo cáo về quá trình thực hiện dự án.

Dự án WB5 đã hoàn thành một số lượng công việc lớn và đáp ứng cơ bản mục tiêu, cải thiện đáng kể điều kiện giao thông đường thủy bộ kết nối vùng nghèo, vùng dân tộc thiểu số đến khu vực trung tâm đồng thời khai thông tuyến đường thủy huyết mạch từ TP.HCM và các tỉnh ĐBSCL. Các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông có ý nghĩa hết sức quan trong trọng việc phát triển kinh tế xã hội và an ninh quốc phòng khu vực ĐBSCL, ông Thăng nhấn mạnh.

Phát biểu tại hội thảo, ông Ngô Công Thức, Giám đốc Sở GTVT tỉnh An Giang cho biết, đây là dự án thành công của vốn vay ODA. Tỉnh An Giang có 14 cây cầu của Hợp phần C, về Hợp phần B tuyến đường thủy quan trọng qua sông Tiền và sông Hậu góp phần cho vận tải hàng hóa đường thủy của địa phương phát triển. Tuy nhiên dự án còn khó khăn về công tác giải ngân vốn đối ứng của Chính phủ.

Cùng quan điểm với ông Thức, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Cà Mau, Dương Hoài Nam đánh giá dự án có hiệu quả rất lớn đối với ĐBSCL, góp phần phần mở rộng việc vận chuyển hàng hóa, đặc biệt tới khu vùng sâu, vùng xa tỉnh Cà Mau. Các địa phương chủ động điều hành, GPMB, nghiệm thu dự án cơ chế rất hợp lý. Cơ chế thanh toán không thông qua Bộ Kế hoạc Đầu tư thì sẽ không bị ách tắc nên còn bất cập.

Ông Nam kiến nghị trong thời gian tới Bộ GTVT triển khai các dự án khác nên phân loại, nếu vừa tầm tiếp tục giao cho các tỉnh chủ động thực hiện dự án. Ngân hàng Thế giới nên tiếp tục nghiên cứu đầu tư các dự án tại khu vực ĐBSCL.

h3
Ông Ngô Công Thức, Giám đốc Sở GTVT tỉnh An Giang nhấn mạnh dự án góp phần vận tải hàng hóa đường thủy của địa phương phát triển.

Ông Hoàng Hồng Giang, Cục trưởng Cục đường thủy nội địa Việt Nam nhận định, Dự án WB5 là tiền đề nghiên cứu vận tải đa phương thức góp phần giảm giá vận tải đường thủy nội địa. Ông Giang kiến nghị, đối với cầu Chợ Đệm TP.HCM nên tập trung vốn đầu tư hoàn thành để phát huy toàn bộ mục tiêu. Dự án WB5 đã đầu tư 2 cảng tại tỉnh Sóc Trăng và Cà Mau các địa phương cần quan tâm sử dụng đúng mục đích, quy mô của cảng để phát huy một cách tốt nhất trong công tác vận chuyển hàng hóa.

h4
Ông Hoàng Hồng Giang, Cục trưởng Cục đường thủy nội địa Việt Nam, Dự án WB5 là tiền đề nghiên cứu vận tải đa phương thức góp phần giảm giá vận tải đường thủy nội địa.

Ông Vũ Đức Công, đại diện lãnh sự quán Úc tại Việt Nam nhấn mạnh, chúng tôi đánh giá rất cao việc dự án WB5 về đích đúng tiến độ, qua dự án cho thấy năng lực quản lý của các địa phương được nâng lên trong công tác lập dự án, thời gian phê duyệt ngắn hơn, dự án mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân vùng sâu, vùng xa thông qua các cầu và các tuyến đường.

Chúng tôi mong muốn Ban quản lý dự án đường thủy và các địa phương xem xét khai thác vận hành và bảo hành các công trình một cách hiệu quả, tạo nền tảng để triển khai các dự án đường thủy trong tương lai.

h5
Ông Vũ Đức Công, đại diện lãnh sự quán Úc tại Việt Nam mong muốn các địa phương xem xét khai thác vận hành và bảo hành các công trình một cách hiệu quả.

Kết luận hội thảo, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật thay mặt Bộ GTVT cảm ơn Ngân hàng Thế giới, lãnh sự quán Úc tại Việt Nam đã hỗ trợ đầu tư dự án WB5 và các cơ quan, địa phương cố gắng hoàn thành dự án đúng tiến độ.

Theo Thứ trưởng Nhật vận tải đường thủy tại  ĐBSCL chiếm hơn 70% nên việc đầu tư và nâng cấp tuyến đường thủy nội địa rất được Chính phủ , Bộ GTVT chú trọng. Tuy nhiên hiện nay đường thủy nội địa ĐBSCL còn nhiều bất cập, các tỉnh nuôi trồng thủy sản chưa được quy hoạch cụ thể, các cầu xây dựng tại 13 tỉnh, thành hiện nay đa phần là không đạt tĩnh không đường thủy. Khu vực ĐBSCL hiện nay chỉ đạt 46% người lái đường thủy được đào tạo, đăng ký.

h6
Thứ trưởng Bộ GTVT, Nguyễn Nhật phát biểu chỉ đạo tại hội thảo.

Dự án WB5 góp phần kết nối và rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa đường thủy TP.HCM với khu vực ĐBSCL. Đây là dự án quá trình đầu tư, chuyển giao khoa học công nghệ và quản lý dự án rất tốt để phát triển tổng thể đường thủy nội địa các địa phương cần chú trọng quan tâm trong công tác quản lý.

h7
Thứ trưởng Nguyễn Nhật cùng các đại biểu tham dự hội thảo chụp hình lưu niệm.

Thứ trưởng Nhật yêu cầu Cục đường thủy nội địa Việt Nam quản lý và duy trì các kỹ thuật và đảm bảo công tác duy tu để phát huy hiệu quả kinh tế tốt nhất. Các địa phương quản lý luồng lạch bảo vệ không bị lấn chiếm nuôi trồng thủy sản, không để tình trạng khai thác cát trái phép. 

Ý kiến của bạn

Bình luận