Dự án cải tạo 44 cầu đường sắt Bắc-Nam cán đích trước 8 tháng

Giao thông 24h 15/01/2016 05:38

Ngày 14-1, tại cầu đường sắt Sông Bồ trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP Hồ Chí Minh, thuộc xã Phong Sơn, huyện Phong Điền (Thừa Thiên Huế), Ban Quản lý dự án đường sắt thuộc Bộ Giao thông vận tải (GTVT) khánh thành dự án “Nâng cao an toàn cầu đường sắt trên tuyến Hà Nội – TP Hồ Chí Minh” (gọi tắt là dự án 44 cầu), vượt trước tiến độ kế hoạch tám tháng.

Dự án 44 cầu do Bộ GTVT làm chủ đầu tư, giao Ban Quản lý dự án đường sắt là đại diện chủ đầu tư, sử dụng vốn vay ODA của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và nguồn vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.

Ông Lê Kim Thành, Tổng Giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt cho biết: Dự án có tổng mức đầu tư 37,153 tỷ yên Nhật Bản và 1.054 tỷ đồng (tương đương 9.284 tỷ đồng), quy mô gồm khôi phục 44 cầu (tổng chiều dài 6.553 m cầu) và 45.078 km đường sắt hai đầu cầu; nâng cấp, cải tạo, làm mới 22 đường ngang; xây mới ba cầu chui và 24 cống hộp chui dân sinh; nâng cấp, cải tạo, làm mới 15 đường chui dưới cầu; xây mới hai cầu vượt tại phía nam ga Ninh Bình và phía nam cầu Đò Lèn; xây dựng mới Ga Ninh Bình; mua sắm 12 chủng loại máy móc, thiết bị phục vụ duy tu, bảo dưỡng cầu, đường sắt.

Ông Vũ Tá Tùng, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho biết: Mục tiêu đầu tư của dự án là nâng cao an toàn chạy tàu của ngành đường sắt trong quá trình vận hành, khai thác; nâng cao an toàn cho các hoạt động giao thông khác và dân sinh hai bên đường sắt trong phạm vi dự án; rút ngắn hành trình các đoàn tàu trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP Hồ Chí Minh.

Dự án có 12 gói thầu sử dụng vốn ODA, trong đó gồm chín gói thầu xây lắp, hai gói thầu Tư vấn và một gói thầu mua sắm hàng hóa. Các gói thầu sử dụng vốn đối ứng phục vụ thi công các hạng mục xây lắp chính của dự án như giải phóng mặt bằng, rà phá bom mìn, di dời hệ thống thông tin tín hiệu đường sắt và bảo hiểm công trình.

Trong dự án có nhiều công nghệ mới, lần đầu áp dụng trên các tuyến đường sắt của Việt Nam như ray hàn liền, ray hàn liền liên kết trực tiếp trên dầm thép, cầu đường sắt bê-tông cốt thép dự ứng lực bằng công nghệ đúc hẫng có ray liên kết với dầm bê-tông bằng hệ thống liên kết đặc biệt không dùng đá ba-lát giúp tàu chạy êm thuận, ít rung lắc. Đường dẫn hai đầu cầu một số đoạn được xử lý nền đất yếu bằng phương pháp cọc xi-măng trộn sâu CDM-LODIC theo công nghệ Nhật Bản. Các công nghệ mới này đều là công nghệ lần đầu được áp dụng cho các cầu trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP Hồ Chí Minh.

Giai đoạn thi công xây lắp dự án được triển khai, khởi công từ cuối năm 2010 đến cuối năm 2015; trong đó, cầu Bà Bầu (Quảng Nam) là cây cầu đầu tiên của dự án được hoàn thành, thông xe vào ngày 10-10-2011 và cầu Tháp Chàm (Ninh Thuận) là cầu cuối cùng được hoàn thành, thông xe vào 25-12-2015 vừa qua.

Dự án cải tạo 44 cầu đường sắt Bắc-N
Chuyến tàu đầu tiên qua cầu Tháp Chàm mới an toàn

Trong quá trình triển khai, dự án gặp không ít khó khăn, vướng mắc làm kéo dài thời gian thực hiện. Bên cạnh đó, nhiều hạng mục phải thay đổi thiết kế để phù hợp và đồng bộ điều kiện thực tế, một số hạng mục bổ sung, phát sinh vào các gói thầu. Đã có thời điểm, một số gói thầu tưởng như không thể về đích theo yêu cầu. Cho đến nửa cuối năm 2014, dự án vẫn còn tới 18 công trình cầu và cụm công trình chưa hoàn thành.

Ban Quản lý dự án đường sắt quyết liệt chỉ đạo tư vấn và nhà thầu, điều chỉnh kế hoạch, tiến độ thi công, tăng ca kíp, tận dụng tối đa thời tiết thuận lợi để thi công, bố trí cán bộ thường xuyên bám sát hiện trường, phối hợp chặt chẽ các bộ, ngành, địa phương và nhà tài trợ để giải quyết nhanh nhất các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thi công và tiến độ giải ngân của từng gói thầu,...

Ngay những tháng đầu năm 2015, các công trình cầu, nhà ga lần lượt được hoàn thành, đưa vào khai thác như cầu Trà Bồng, Sông Bồ,... và đặc biệt cụm Ga Ninh Bình mới và cầu đường sắt Ninh Bình đã được Bộ GTVT gắn biển "Công trình chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống và Đại hội thi đua yêu nước ngành giao thông vận tải". Nắm rõ đặc điểm thời tiết và mùa mưa bão miền trung, Ban Quản lý dự án đường sắt đã chỉ đạo nhà thầu tăng cường năng lực, đẩy nhanh tiến độ sản xuất dầm cầu, đồng thời nghiên cứu thay đổi biện pháp lắp dầm mới ngoài hiện trường bảo đảm an toàn trong thi công và sẵn sàng thay dầm ngay khi điều kiện thời tiết cho phép.

Bên cạnh đó, lần đầu tiên trong thi công khôi phục, thay thế cầu đường sắt hiện hữu tại Việt Nam, Ban Quản lý dự án đường sắt cùng tư vấn và các nhà thầu áp dụng sàng thay thành công đa nhịp giàn thép (tới sáu nhịp với tổng chiều dài gần 300 m) bảo đảm sau duy nhất một lần phong tỏa, các chuyến tàu tiếp tục hành trình trên cây cầu mới. Việc sàng thay thành công đa nhịp giàn thép đã đánh dấu bước tiến mới trong công nghệ lao kéo, thay thế dầm giàn cầu đường sắt cũ đang khai thác, rút ngắn được số lần phong tỏa đường sắt phục vụ lao kéo dầm, giảm thiểu thời gian dừng tàu để thay thế dầm giàn mới, giảm thiểu tối đa xáo trộn trong lập, điều chỉnh kế hoạch chạy tàu của ngành đường sắt.

Chỉ trong năm 2015, toàn bộ 18 công trình cầu và cụm công trình còn lại của dự án đã hoàn thành, đưa vào khai thác sử dụng trước gần tám tháng so tiến độ hợp đồng.

Ông Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng GTVT khẳng định: Việc hoàn thành dự án 44 cầu trước kế hoạch tám tháng là hoạt động thiết thực chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và Xuân Bính Thân 2016.

Sau khi đưa các công trình của dự án vào khai thác, dự án góp phần nâng cao an toàn chạy tàu của ngành đường sắt, nâng cao tải trọng và tốc độ chạy tàu (tốc độ thiết kế 120 km/giờ cho tàu khách, 80 km/giờ cho tàu hàng) và rút ngắn hành trình các đoàn tàu trên tuyến. Đồng thời, một số nút giao đồng mức cũng được xóa bỏ, bảo đảm an toàn trong quá trình đi lại hai bên đường sắt của người dân địa phương.

Ý kiến của bạn

Bình luận