Đột phá hạ tầng giao thông để phát triển kinh tế vùng "túi mưa, chảo lửa” miền Trung

Tác giả: Đức Tài

saosaosaosaosao
Đầu tư - Hạ tầng 05/02/2023 17:21

Hạ tầng giao thông hiện đại sẽ đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, góp phần đưa Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ phát triển.

Bộ trưởng Bộ GTVT: "Để Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ phát triển phải chú ý đến hạ tầng giao thông" - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị về phát triển vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ

Kiến nghị sớm triển khai cao tốc trục ngang, nâng cấp sân bay Phù Cát

Ngày 5/2, tại TP.Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 03/11/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và xúc tiến đầu tư vùng.

Tại Hội nghị, ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định mong muốn Chính phủ quan tâm, tạo điều kiện để tỉnh nhà sớm được triển khai đầu tư đường cao tốc trục ngang kết nối cửa khẩu quốc tế với các cảng biển (trong đó có tuyến cao tốc Quy Nhơn - Pleiku) trước năm 2025 nhằm giúp việc kết nối các tỉnh trong vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ với các tỉnh thuộc vùng Tây Nguyên thêm gần hơn. Đồng thời, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội, tạo điểm tựa cho tăng trưởng kinh tế.

Bộ trưởng Bộ GTVT: "Để Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ phát triển phải chú ý đến hạ tầng giao thông" - Ảnh 2.

Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng phát biểu tại Hội nghị

Bên cạnh đó, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định đề nghị Chính phủ cho chủ trương nâng cấp Cảng hàng không Phù Cát trước năm 2025. Theo ông Dũng, Cảng Hàng không Phù Cát đang khai thác bao gồm 3 hạng mục chính: Sân đỗ với 7 vị trí đỗ máy bay; nhà ga 2 tầng và đường băng. Trong đó, nhà ga hành khách có năng lực phục vụ 600 hành khách giờ cao điểm, công suất thiết kế 2,5 triệu hành khách/năm, có khả năng mở rộng để nâng công suất lên 5 triệu hành khách/năm.

Tuy nhiên, với quy mô hiện tại Cảng hàng không Phù Cát đã bị quá tải, nhất là vào mùa cao điểm du lịch hè kéo dài và các dịp hội nghị, sự kiện, lễ, tết…

"Để thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế đến với Bình Định, góp phần quảng bá du lịch tỉnh Bình Định, tôi đề nghị Trung ương cho chủ trương nâng cấp Cảng hàng không Phù Cát vào Chương trình hành động và bổ sung quy hoạch thành cảng hàng không quốc tế. Trong đó, cho phép tỉnh sử dụng nguồn vượt thu hàng năm để đầu tư đường cất hạ cánh thứ 2 và lập đề án xã hội hoá đầu tư nâng cấp, mở rộng nhà ga, sân đỗ của sân bay trước năm 2025", ông Dũng đề nghị.

Những dự án giao thông giúp kết nối Vùng

Cũng tại buổi Hội nghị, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng cho rằng, cần đa dạng nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, xây dựng cơ chế, chính sách đột phá để huy động vốn tư nhân.

Bộ trưởng cho biết, trong giai đoạn vừa qua nhờ vào các nguồn ngân sách để đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông vùng mà diện mạo kết cấu hạ tầng giao thông được thay đổi rõ rệt. Theo thống kê, ngân sách Trung ương, địa phương và huy động ngoài ngân sách để đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông vùng lên đến khoảng 246 nghìn tỷ đồng.

Bên cạnh đó, nhiều công trình giao thông quan trọng như: Đường HCM và mở rộng QL1A; cao tốc La Sơn - Hòa Liên, Đà Nẵng - Quảng Ngãi cũng được đầu tư và đưa vào khai thác. 

Các tuyến quốc lộ trục ngang trọng yếu đã được nâng cấp; tuyến đường sắt tiếp tục được cải tạo, nâng cấp, duy trì khai thác 1.462km tạo kết nối tất cả các địa phương trong vùng. Hiện nay, 11 tuyến đường thủy nội địa với tổng chiều dài 670km đang được khai thác. Cùng với đó, vùng có mật động hàng không lớn nhất cả nước, với 5 cảng hàng không quốc tế và 4 cảng hàng không nội địa.

Bộ trưởng Bộ GTVT: "Để Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ phát triển phải chú ý đến hạ tầng giao thông" - Ảnh 3.

Lãnh đạo các tỉnh vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ tham gia Hội nghị

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho hay, Bộ GTVT đặt quyết tâm đến năm 2025, sẽ đưa vào khai thác tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, hoàn thành tuyến đường bộ ven biển, cải tạo nâng cấp các tuyến quốc lộ đã có trong danh mục đầu tư công trung hạn.

Đến năm 2030, các tuyến cao tốc trục ngang có lưu lượng lớn như Vinh - Thanh Thủy, Khánh Hòa - Buôn Mê Thuột sẽ hoàn thành; Kêu gọi đầu tư các tuyến cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo, Đà Nẵng - Thạch Mỹ - Ngọc Hồi - Bờ Y, Quy Nhơn - Pleiku; Nâng cấp các tuyến quốc lộ trọng yếu kết nối Đông Tây, đặc biệt là kết nối với các cảng biển.

"Hạ tầng giao thông hiện đại sẽ đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, góp phần đưa Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ nói riêng và cả nước nói chung trở thành nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045", Bộ trưởng Bộ GTVT cho hay.

Nhằm đạt được mục tiêu phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đáp ứng nhu cầu phát triển, tạo động lực tăng trưởng cho vùng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đề xuất, Đảng và Nhà nước cần đẩy mạnh hợp tác, liên kết nội vùng, liên vùng trong quản lý, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông để tạo không gian kinh tế thống nhất, khắc phục các điểm nghẽn, tăng năng lực cạnh tranh vùng; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành hoạt động vận tải, nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải, logistics…

Tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu, hỗ trợ phát triển các ngành kinh tế biển, mở rộng quan hệ đối ngoại, nhất là với nước bạn Lào và các nước trong tiểu vùng sông Mê Kông.

Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ GTVT cho rằng, cần đa dạng nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, xây dựng cơ chế, chính sách đột phá để huy động vốn tư nhân, vốn hợp pháp khác tham gia đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, trong đó ưu tiên các nguồn lực để đầu tư công trình kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm, có vai trò động lực, lan tỏa, liên kết vùng, kết nối các cảng biển và cửa khẩu quốc tế…

Bộ trưởng Bộ GTVT: "Để Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ phát triển phải chú ý đến hạ tầng giao thông" - Ảnh 3.

Cảng Hàng không Phù Cát đang khai thác bao gồm 3 hạng mục chính

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao, biểu dương lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đã tham luận sâu sắc, khách quan, trách nhiệm, tâm huyết và đề xuất, kiến nghị nhiều giải pháp phù hợp, sát thực tiễn và khả thi để phát triển vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ.

Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, cầu nối quan trọng trong giao lưu với quốc tế,... đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế biển. Vùng có hệ thống giao thông thuận lợi với đầy đủ loại hình, tài nguyên, khoáng sản phong phú, trữ lượng lớn; tài nguyên độc đáo, hấp dẫn cho phát triển nhiều loại hình du lịch. 

Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương trong vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ phải bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo, có tư duy, phương pháp luận; phát huy tính tự lực, tự cường; đổi mới sáng tạo, gắn với phát huy lịch sử văn hóa, ý chí của người miền Trung - vùng “túi mưa, chảo lửa”. 

Tập trung nguồn lực để phát triển, trọng điểm và hiệu quả, nhất là hợp tác công tư, lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể, nguồn lực, động lực, mục tiêu. Thực hiện phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, cá thể hóa trách nhiệm và tăng cường kiểm tra, giám sát.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành và 14 địa phương trong vùng khẩn trương xây dựng Chương trình, Kế hoạch hành động để thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết 26-NQ/TW của Bộ Chính trị, Chương trình hành động của Chính phủ; tập trung hoàn thiện thể chế, quy hoạch vùng và chính sách liên kết vùng, trong đó phải xây dựng, vận hành cơ chế điều phối vùng.

Tổ chức chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy phát triển kinh tế biển, tập trung vào chuyển đổi số, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thúc đẩy kinh tế du lịch, phát triển kinh tế rừng. Phát triển kinh tế nông nghiệp, phát triển mạnh hệ thống đô thị, đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng, nhất là hạ tầng giao thông, trong đó có hệ thống đường bộ cao tốc các hành lang kinh tế ven biển gắn với các cảng biển, hành lang kinh tế Đông - Tây, kết nối với Tây Nguyên.

Ý kiến của bạn

Bình luận