Động thổ Dự án nâng cấp, mở rộng tuyến QL30 theo hình thức BOT

Sáng 17 /5, Bộ GTVT đã phối hợp với hai tỉnh Tiền Giang và Đồng Tháp tổ chức Lễ động thổ Dự án nâng cấp, mở rộng tuyến QL30 tại Km33+550, tỉnh Đồng Tháp. Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể dự và phát lệnh khởi công.


Các đại biểu tại lễ động thổ dự án nâng cấp QL30

Các đại biểu tại lễ động thổ dự án nâng cấp mở rộng QL30

Dự án nâng cấp, mở rộng tuyến QL 30 đoạn An Hữu – Cao Lãnh (Km1+200 – Km34+230) đã được Bộ GTVT cho phép tiến hành nghiên cứu từ tháng 4 năm 2014 và ngày 31 tháng 3 năm 2015, Bộ trưởng Bộ GTVT đã phê duyệt dự án đầu tư tại Quyết định số 1090/QĐ-BGTVT, đây là tuyến giao thông huyết mạch đặc biệt quan trọng của tỉnh Đồng Tháp, nối giữa trục cao tốc phía Đông với trục cao tốc phía Tây trong quy hoạch xây dựng hệ thống giao thông đường bộ đồng bằng sông Cửu Long. Thực hiện kết nối giao thông hàng hóa với các tỉnh Tiền Giang, Long An, thành phố Hồ Chí Minh và tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn Mỹ An – Cao Lãnh – Vàm Cống, tuyến cao tốc Trung Lương – Cần Thơ (tuyến cao tốc phía Đông), tuyến QL1. Theo quy hoạch hệ thống giao thông đường bộ khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, hiện nay tuyến Mỹ An – Cao Lãnh – Vàm Cống đang được triển khai xây dựng và dự kiến đến năm 2017 sẽ hoàn thành (năm 2013 đã khởi công xây dựng các cầu Cao Lãnh và Vàm Cống). Đối với tuyến cao tốc phía Đông, dự kiến sẽ khởi công xây dựng dự án thành phần I (Trung Lương – Mỹ Thuận) và hoàn thành vào năm 2017;

Dự án có điểm đầu: Km1+200 (kết nối với dự án đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận) thuộc địa phận huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Điểm cuối: Km34+230, thuộc địa phận thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Tổng chiều dài tuyến: 32,8Km, trong đó đoạn qua tỉnh Tiền Giang dài khoảng 6,8Km; đoạn qua tỉnh Đồng Tháp dài khoảng 26,05Km. Tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng; Tốc độ thiết kế: 80km/h; Chiều rộng mặt đường: 2×3,5m = 7,0m; Chiều rộng nền đường:12m. Cầu và cống cũ tận dụng tăng cường, mở rộng khổ phù hợp với khổ nền mặt đường, tải trọng thiết kế HL93 (cầu) H30-XB80 (cống). Dự án được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn xã hội hoá (BOT) Nhà đầu tư: Liên danh Công ty CP tập đoàn T&T và Công ty TNHH xây dựng hạ tầng Phú Mỹ.

Ban Quản lý dự án 7 trực thuộc Bộ GTVT thực hiện nhiệm vụ là người đại diện Nhà nước Cơ quan có thẩm quyền quản lý dự án theo quy định tại Quyết định số 3085/QĐ-BGTVT ngày 04/10/2013 và Quyết định số 2729/QĐ-BGTVT ngày 31/10/2012 của Bộ trưởng Bộ GTVT.

Các Công nhân tham dự Lễ động thổ

Các Công nhân tham dự Lễ động thổ

Toàn tuyến phải cải tạo mở rộng 17/18 cầu (Bà Tứ, Rạch Giồng, Rạch Đào, Rạch Ruộng, Cái Lân, Bà Dư, Long, Hiệp, Cái Sao Hạ, Cái Bẩy, Cái Sậy, Cái Bèo, Tân Trường, Long Ẩn, Rạch Miễu, Cần Lố, Rạch Dầu và An Bình), 01 cầu (Ba Miệng) còn tốt nên tận dụng lại không sửa chữa.

Tổng mức đầu tư (đã bao gồm lãi vay): 1.130 tỷ đồng. Thời gian thu phí hoàn vốn: Khoảng 22 năm 05 tháng. Thời gian thực hiện dự án: khởi công ngày 17-5 2015, hoàn thành quý IV năm 2016.

Hiện nay, mạng lưới giao thông tại khu vực Đồng Tháp và Tiền Giang có năng lực vận chuyển rất thấp vì việc khai thác bị hạn chế, do tình trạng kỹ thuật của mạng lưới đường còn kém, lại thường xuyên chịu ảnh hưởng lũ lụt hàng năm của sông Tiền và sông Hậu phá hoại, vì vậy cần thiết phải nâng cấp khả năng phục vụ của hệ thống đường trong khu vực này, đặc biệt là các trục đường chính. Mặt khác, với khổ đường hiện tại chỉ đạt cấp IV đồng bằng tuyến sẽ bị quá tải một khi các đường trục dọc thi công xong, khi đó lượng xe từ các nơi khác quác cảnh vào khu vực sẽ tăng đáng kể;

Với sự phát triển kinh tế xã hội của khu vực ngày càng nhanh, nhu cầu giao thông vận tải với khối lượng ngày càng lớn và yêu cầu tốc độ lưu thông ngày càng cao. Việc đầu tư xây dựng tuyến đường An Hữu – Cao Lãnh là việc làm cần thiết và phù hợp với quy hoạch định hướng phát triển của giao thông khu vực, góp phần thu hút lưu lượng giao thông, nâng cao hiệu quả đầu tư của các dự án đang và dự kiến triển khai nêu trên. Đồng thời tuyến cũng sẽ góp phần hoàn chỉnh mạng lưới giao thông, tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng khu vực biên giới Tây Nam.

Về kinh tế, xã hội, văn hóa: Với nền kinh tết khu vực chủ yếu là nông nghiệp, công nghiệp chế biến và nuôi trồng thủy sản ngày càng phát triển thì việc nâng cấp tuyến sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa, sản phẩm trong toàn khu vực và các vùng lân cận. Tuyến đường sẽ đóng vai trò to lớn trong chiến lược phát triển kinh tế – văn hóa cho vùng ĐBSCL nói chung và của 2 tỉnh Tiền Giang và Đồng Tháp nói riêng, thúc đẩy sự giao lưu văn hóa của các xã, huyện với các vùng xung quanh nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân trong vùng. Mặt khác khi tuyến đường trọng tâm tỉnh Đồng Tháp được hình thành sẽ trở nên khang trang, làm nền tảng mở ra các tuyến nhánh nối liền các khu dân cư cho đến vùng sâu, vùng xa góp phần nâng cao sự giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội cho nhân dân trong vùng và các tỉnh bạn.

Trịnh Đình Nghi

Ý kiến của bạn

Bình luận