Đời đời ghi nhớ công ơn những người "Chết cho Tổ quốc sống mãi"

Tác giả: văn chương

saosaosaosaosao
Xã hội 26/07/2016 04:28

Trải qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, biết bao thế hệ người Việt Nam với tinh thần yêu nước, thương nòi, với ý chí kiên cường bất khuất và lòng thủy chung, nhân hậu đã vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, hy sinh cống hiến to lớn sức người, sức của, không tiếc máu xương, sự sống của mình để bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc và xây đắp giang sơn tươi đẹp cho muôn đời con cháu. Nhân dân Việt Nam luôn tưởng nhớ những người đã khuất, những người đã gửi lại một phần cơ thể, mồ hôi, nước mắt trong cuộc chiến bằng lòng biết ơn, sự kính trọng lớn lao.

79456379

Kế thừa truyền thống quý báu đó, trong thời đại Hồ Chí Minh, nhân dân ta đã đoàn kết một lòng, chung một khát vọng độc lập, tự do và mưu cầu hạnh phúc, dưới sự lãnh đạo của Đảng đã vượt qua muôn vàn thử thách, hy sinh, giành được những thắng lợi vĩ đại, viết tiếp những trang sử vẻ vang, hào hùng của dân tộc, đất nước về đấu tranh chống giặc ngoại xâm để giành độc lập, tự do và thống nhất đất nước.

Vì nền độc lập, tự do, thống nhất đất nước, vì sự bình yên, hạnh phúc của nhân dân và sự phồn vinh của Tổ quốc, hàng triệu người con ưu tú của dân tộc ta, mà phần lớn là thanh niên đã hiến dâng tuổi thanh xuân và cả cuộc sống của mình cho đất nước, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, đã anh dũng hy sinh trên khắp các chiến trường và trong khi làm nhiệm vụ, hoặc đã mang thương tật suốt đời. Hàng triệu thân nhân liệt sỹ, những người cha, người mẹ, người chồng, người vợ và những người con đã mãi mãi không thể gặp lại được những người thân yêu nhất của mình. Những hy sinh và công lao to lớn đó như  Hồ Chủ tịch đã nói “làm rạng rỡ dân tộc, vẻ vang giống nòi. Họ chết cho Tổ quốc sống mãi”, “Máu đào của các liệt sỹ đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói, sự hy sinh anh dũng của các liệt sỹ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do”.

Nhân dân ta đời đời ghi nhớ công ơn các anh hùng liệt sỹ. Đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” đã trở thành truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Ngày 16/02/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh ban hành chế độ hưu bổng thương tật và tiền tuất tử sỹ, đồng thời quyết định chọn ngày 27/7 hằng năm là Ngày Thương binh toàn quốc, sau đổi là Ngày Thương binh - Liệt sỹ, để ghi nhớ, tôn vinh công ơn các anh hùng liệt sỹ, thương binh, bệnh binh và người có công với nước. Kể từ đó, ngày 27/7 hằng năm đã trở thành ngày có ý nghĩa lịch sử, chính trị, xã hội sâu sắc, mang đậm truyền thống và bản sắc văn hóa Việt Nam.

Trong nhiều thập kỷ qua, Đảng và Nhà nước ta hết sức coi trọng việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần đối với thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sỹ và gia đình người có công với nước. Hệ thống pháp luật về công tác thương binh, liệt sỹ và người có công ngày càng được hoàn thiện. Nhiều chủ trương, quan điểm ưu đãi đã được thể chế hóa trong hiến pháp, luật pháp, Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, Pháp lệnh Quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”. Mặc dù đất nước còn nhiều khó khăn nhưng chính sách ưu đãi người có công không ngừng được hoàn thiện theo hướng diện ưu đãi ngày càng được mở rộng, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi từng bước được nâng lên, cao hơn mức lương tối thiểu chung và luôn ở mức cao nhất trong các chính sách xã hội.

Hằng năm, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm ưu tiên bố trí nguồn ngân sách để thực hiện chính sách trợ cấp ưu đãi; mở rộng hệ thống cơ sở dịch vụ và sự nghiệp để phục vụ thương binh, thân nhân liệt sỹ và người có công; đẩy mạnh công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ; xây dựng, tu bổ tôn tạo nghĩa trang liệt sỹ, các công trình ghi công liệt sỹ; xác định hài cốt liệt sỹ, thông báo phần mộ liệt sỹ tại các nghĩa trang và giúp đỡ người thân của liệt sỹ đến thăm viếng và thực hiện các chính sách ưu đãi về giáo dục, đào tạo, miễn giảm thuế, cải thiện nhà ở, chăm sóc sức khỏe, chương trình dạy nghề, tạo việc làm cho con em gia đình người có công. Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” đối với người có công cũng ngày càng phát triển sâu rộng và đã trở thành hoạt động thường xuyên trong mọi tầng lớp nhân dân.

Chúng ta cũng hết sức trân trọng và khâm phục những cố gắng to lớn của những thương binh, bệnh binh, gia đình người có công đã chia sẻ với những khó khăn chung của đất nước, vượt qua những đau thương, mất mát to lớn, chiến thắng thương tật, bệnh tật với tinh thần “tàn nhưng không phế”, hòa mình vào cuộc sống và tiếp tục mang sức lực, trí tuệ của mình để xây dựng gia đình, quê hương, đất nước giàu đẹp. Cùng với sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước và của toàn xã hội, sự nỗ lực vươn lên của bản thân và của nhiều tập thể, cá nhân thương binh, bệnh binh, người có công đã phát huy truyền thống tốt đẹp, vươn lên trở thành tấm gương điển hình, tiêu biểu cho ý chí, tinh thần vượt khó, giúp nhau cùng phát triển và thành công trên nhiều lĩnh vực.

Với trách nhiệm và nghĩa tình sâu nặng, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã và đang làm nhiều việc để cuộc sống của các thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sỹ và những người có công với nước ngày càng tốt đẹp hơn. Chúng ta chưa thể yên lòng khi cuộc sống của một số gia đình người có công với nước còn nhiều khó khăn, việc chăm sóc sức khỏe khi đau yếu, việc chữa trị những vết thương do chiến tranh để lại, việc chăm lo học hành và giải quyết việc làm chưa được chu đáo và vẫn còn những người, những gia đình chưa được hưởng đầy đủ những chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước ta. Nhiều trường hợp người có công chưa hoàn tất được hồ sơ để được hưởng chế độ và đến nay vẫn còn nhiều liệt sỹ chưa tìm được hài cốt, chưa xác định được danh tính... đang để lại nỗi thương đau, khắc khoải trong lòng những người thân và trong mỗi chúng ta.

Phát huy truyền thống tốt đẹp, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta sẽ tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác “Đền ơn đáp nghĩa” đối với những người và gia đình có công với nước, phấn đấu thực hiện những mục tiêu, nhiệm vụ về công tác thương binh, liệt sỹ và người có công đã đề ra trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết số 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) là nâng cao mức sống về vật chất, tinh thần; cơ bản bảo đảm gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư trên địa bàn. Đồng thời, các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị đã đặc biệt quan tâm, chăm lo công tác giáo dục đào tạo, dạy nghề, tạo việc làm cho những người có công và thân nhân; thường xuyên tiến hành rà soát để tiếp tục bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách ưu đãi ngày càng tốt hơn, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Hằng năm, Ngày Thương binh - Liệt sỹ 27/7 đã trở thành một ngày toàn dân tưởng nhớ, tri ân những người có công với nước. Đảng và Nhà nước đã có những chính sách ưu đãi về cả vật chất lẫn tinh thần đối với người có công cũng như gia đình và con em của họ. Nhưng tưởng nhớ, tri ân với người có công với nước không chỉ một ngày, một đợt, một lễ kỷ niệm mà cần hơn là những việc làm thiết thực, thường xuyên để giúp gia đình con em những người đã hy sinh, mang thương tật vơi bớt khó khăn trong cuộc sống. Chúng ta phải coi ngày 27/7 hằng năm là ngày lễ tri ân những người có công với nước, ngày mà những người còn sống mãi mãi không được quên. Mặt khác, phải thể hiện lòng tri ân một cách thiết thực, hiệu quả, coi việc mình làm cho thân nhân liệt sỹ, thương binh là làm thay những người con ưu tú đã hy sinh vì Tổ quốc, vì cả dân tộc Việt Nam.

Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đời đời nhớ ơn các anh hùng liệt sỹ, thương binh, bệnh binh, người có công với nước đã xả thân vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chúng ta nguyện sống xứng đáng với những chiến công vĩ đại và sự hy sinh to lớn của đồng chí, đồng bào; cùng nhau chung sức chung lòng xây dựng đất nước Việt Nam thân yêu đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như Bác Hồ kính yêu hằng mong muốn, cùng nhau bảo vệ vững chắc và xây dựng đất nước Việt Nam XHCN: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh 

Ý kiến của bạn

Bình luận