Đô thị thông minh TP. Hồ Chí Minh hướng đến cách mạng công nghiệp 4.0

Tác giả: Mỹ Lệ

saosaosaosaosao
Ứng dụng 08/06/2019 06:11

Xây dựng đô thị thông minh (ĐTTM) chính là xu thế tất yếu trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thông qua việc ứng dụng các công nghệ hiện đại, tiên tiến.

 

giai_phap_nao_cho_do_thi_thong_minh_0
 

 Theo lãnh đạo UBND TP. Hồ Chí Minh, cuối năm 2017 UBND Thành phố đã phê duyệt đề án “Xây dựng TP. Hồ Chí Minh trở thành ĐTTM giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn 2025. Để thực hiện đề án này, Thành phố đã thu hoạch được nhiều bài học quan trọng từ việc quản lý phát triển các thành phố sáng tạo tại Nhật Bản, Phần Lan, Trung Quốc, Singapore, Hàn Quốc và Israel. Cụ thể, đối với việc xây dựng Hệ sinh thái dữ liệu mở, Ban điều hành đã chỉ đạo Công ty Phát triển Công viên phần mềm Quang Trung xây dựng kế hoạch thực hiện.

Giai đoạn đầu sẽ sử dụng ngân sách nhà nước và huy động nguồn lực xã hội để triển khai dữ liệu mở. Giai đoạn sau sẽ mở rộng và nghiên cứu đề xuất cơ chế tổ chức thu, sử dụng phí dịch vụ trong quá trình vận hành, khai thác dữ liệu mở. Về xây dựng cơ sở dữ liệu doanh nghiệp, UBND Thành phố đã giao Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) và Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh thực hiện tích hợp dữ liệu đăng ký doanh nghiệp (tại Sở KH&ĐT) và dữ liệu về thuế (tại Cục Thuế Thành phố), hình thành dữ liệu doanh nghiệp dùng chung thống nhất, trước mắt phục vụ nhu cầu thống kê, tổng hợp các số liệu phục vụ báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

UBND Thành phố đã ban hành Quyết định 3860/QĐ-UBND ngày 7/9/2018 về Quy chế phối hợp xử lý thông tin. Theo đó, Thành phố chỉ đạo Sở TT&TT trình Đề án mở rộng Cổng Thông tin tiếp nhận sự cố hạ tầng kỹ thuật 1022 thành Cổng Thông tin tiếp nhận và giải đáp thông tin cho người dân, doanh nghiệp và tổ chức; làm việc với Sở GTVT, Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn, UBND quận 1, quận 5, quận 12 để xây dựng phương án thí điểm tích hợp hệ thống camera lên hệ thống 1022 (giai đoạn 1); làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) để tiếp nhận thông tin lĩnh vực môi trường lên hệ thống 1022; làm việc với Facebook để xây dựng trang cộng đồng (fanpage) 1022 TP. Hồ Chí Minh trên mạng xã hội để tiếp nhận và phản hồi thông tin sự cố hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn cho hệ thống 1022.

Theo dự kiến, những tháng đầu năm 2019 Thành phố sẽ vận hành Trung tâm Điều hành ĐTTM (giai đoạn 1) tại UBND Thành phố, trên cơ sở tích hợp các hệ thống camera hiện có của Văn phòng UBND Thành phố và các sở, ngành, các trung tâm vào trung tâm điều hành chung; hoàn thành dự án hỗ trợ kỹ thuật xây dựng Trung tâm ứng cứu khẩn cấp của đơn vị tư vấn quốc tế để báo cáo UBND Thành phố thông qua… Quý III/2019, Thành phố sẽ tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư xây dựng Kho dữ liệu dùng chung giai đoạn 2 (hoàn chỉnh); chủ trì, phối hợp với Sở TN&MT, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tham mưu UBND Thành phố kế hoạch xây dựng bản đồ số dùng chung của Thành phố để phục vụ khai thác, chia sẻ dữ liệu bản đồ (địa hình, địa chính, giao thông, quy hoạch…) và hướng dẫn các đơn vị thực hiện.

Theo TS. Huỳnh Thế Du - Giám đốc Đào tạo Chương trình giảng dạy kinh tế Full Bright: Để xây dựng TP. Hồ Chí Minh thành một ĐTTM, Thành phố cần nhất quán trong các chính sách nhằm đảm bảo phát triển đô thị nén tập trung vào những nơi đã phát triển, hạn chế phát triển đô thị phân tán với mật độ thấp và phải giữ bằng được vành đai xanh của Thành phố, đặc biệt là cải cách hành chính và vận dụng công nghệ 4.0 trong xây dựng và quản lý hệ thống giao thông.

Để có thể giải quyết tình trạng tắc nghẽn giao thông ở khu trung tâm, nhất là trong tương lai ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, mối quan hệ hữu cơ giữa đô thị nén và hệ thống vận tải công cộng cần được quan tâm. Tuy nhiên, các kế hoạch phát triển ở khu trung tâm Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh cho thấy điều này có khả năng không thành hiện thực do các chính sách trái ngược đang được triển khai. Đi cùng với sự phát triển manh mún với mật độ thấp như đã phân tích ở trên rất dễ tạo ra nhiều điểm tắc nghẽn nhỏ, sau đó lây lan ra diện rộng trong các đô thị lớn này. Do vậy, TP. Hồ Chí Minh cần phát triển hạ tầng “cứng” và “mềm” đi song hành với nhau và có liên hệ mật thiết với nhau.

Lãnh đạo Trung tâm Thông tin và Dịch vụ xây dựng (Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh) cũng cho rằng cần thiết phải ứng dụng công nghệ thông tin trong quản và xây dựng hệ thống thông tin quản lý chuyên ngành xây dựng hiện nay bởi TP. Hồ Chí Minh là đô thị có tỉ lệ đô thị hóa lớn nhất nước, hạ tầng kỹ thuật hạ tầng xã hội rộng lớn và phức tạp.

Trong thực tiễn quản lý nhà nước, yêu cầu cải cách hành chính, rút ngắn thời gian thụ lý các hồ sơ hành chính cũng như yêu cầu hoạch định chính sách, xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố, chiến lược phát triển ngành, quản lý đô thị quản lý đầu tư xây dựng đòi hỏi ngành Xây dựng cần phải tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và thường xuyên tạo lập cơ sở dữ liệu ngành. Cơ sở dữ liệu ngành Xây dựng sẽ đáp ứng tốt hơn cho chương trình phát triển nhà và phát triển đô thị, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong công tác quản lý nhà, công sở và thị trường bất động sản, quản lý hoạt động đầu tư xây dựng, quản lý trật tự xây dựng đô thị...

Bên cạnh đó, hệ thống thông tin quản lý ngành Xây dựng sẽ hỗ trợ việc thống kê dữ liệu một cách đồng bộ và chính xác theo đúng tiêu chí quản lý nhà nước, giảm thiểu công tác báo cáo, rút ngắn quy trình thủ tục trong quá trình giải quyết hồ sơ công vụ về các lĩnh vực quản lý đất đai, đầu tư, xây dựng… Ngoài ra, hệ thống thông tin ngành Xây dựng là một phần hệ thống thông tin quản lý đô thị . Do đó, để xây dựng Chính phủ điện tử và xây dựng thành phố thông minh cần có hệ thống quản lý điện tử hiệu quả.

Để đáp ứng nhu cầu cung cấp thông tin của Bộ Tư lệnh Thành phố và UBND Thành phố, Trung tâm Thông tin và Dịch vụ xây dựng trực thuộc Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh đã triển khai Chương trình khảo sát, thu thập thông tin và quản lý dữ liệu công trình dân dụng cao tầng và công trình công cộng tập trung đông người trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh nhằm tạo điều kiện thuận lợi để xử lý nhanh các tình huống khi có sự cố liên quan đến cháy nổ, động đất, lũ lụt, tai nạn, khủng bố, an ninh - quốc phòng...

Trung tâm đã tiến hành công tác khảo sát, thu thập thông tin, số hóa tài liệu, tạo lập cơ sở dữ liệu và đưa vào phần mềm quản lý GIS được 1.450 công trình cao tầng và 1.250 công trình công cộng với khối lượng thông tin dữ liệu quản lý khoảng 188.940 thông tin. Năm 2017 đã tạo lập dữ liệu cho 1.144 công trình công cộng tập trung đông người từ nguồn hồ sơ ngành Xây dựng hiện đang lưu trữ tại Trung tâm. Chương trình thu thập và quản lý dữ liệu công trình dân dụng cao tầng và công trình công cộng tập trung đông người là một phân hệ con trong Chương trình xây dựng hệ thống thông tin quản lý ngành Xây dựng trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2014 - 2020. Quá trình thực hiện Chương trình là một bài học kinh nghiệm, đồng thời làm tiền đề tiếp tục triển khai xây dựng các phân hệ trong hệ thống thông tin quản lý ngành Xây dựng trên địa bàn Thành phố

Ý kiến của bạn

Bình luận