Diện mạo giao thông mới trên thành phố mang tên Bác

Tác giả: mỹ lệ

saosaosaosaosao
Xã hội 01/05/2016 14:00

Ngày 30/4/1975, cả đất nước vui mừng khi lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới trên nóc Dinh Độc Lập, khẳng định chiến thắng vẻ vang của dân tộc ta.

Ngày 30/4/1975, cả đất nước vui mừng khi lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới trên nóc Dinh Độc Lập, khẳng định chiến thắng vẻ vang của dân tộc ta. Kể từ thời khắc ấy, lịch sử đất nước bước sang trang mới, hai miền Bắc - Nam đã được thống nhất. Dù chiến tranh bom đạn đã hủy hoại nền kinh tế của khu vực nhưng giờ đây sau hơn 40 năm giành lại độc lập, tự do, TP. Hồ Chí Minh đang từng ngày phát triển không chỉ về kinh tế, văn hóa mà còn hoàn thành tốt nhiệm vụ “Đi trước mở đường” cho ngành GTVT.

Trong suốt hơn 40 năm qua, TP. Hồ Chí Minh đã từng bước thay đổi và “lớn” nhanh từng ngày. Cơ sở hạ tầng giao thông của Thành phố đã góp phần quan trọng cho việc đi lại thuận lợi của người dân, tạo đà thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, nhiều cơ chế, chính sách mới của ngành GTVT TP. Hồ Chí Minh được triển khai đi đầu trong cả nước, tạo cơ chế thu hút mạnh mẽ vốn đầu tư ngoài ngân sách.  

Hinh 1 - Dai lo Nguyen van Linh..
Đại lộ Nguyễn Văn Linh - TP. Hồ Chí Minh

Việc áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ tiên tiến nhằm nâng cao chất lượng, tiến độ và mỹ quan đô thị các công trình được đặt lên hàng đầu. Có thể nói, TP. Hồ Chí Minh ngày nay được nhắc đến với các công trình giao thông trọng điểm như: Hầm vượt sông Sài Gòn lớn nhất Đông Nam Á, các cao tốc nối vào trung tâm TP. Hồ Chí Minh như: Cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương. Những đại lộ bề thế như: Võ Văn Kiệt, Phạm Văn Đồng, Mai Chí Thọ đang trở thành đầu mối giao thông trong vùng để kết nối với khu vực Tây Nam bộ, Đông Nam bộ và các tỉnh lân cận khác.

Ngay từ những năm đầu tiên sau giải phóng, nhằm tạo sự đi lại góp phần khôi phục lại kinh tế - xã hội của Thành phố, ngành GTVT đã tập trung mở rộng, nâng cấp nhiều tuyến đường như: Đường Nguyễn Tất Thành, liên tỉnh lộ 15 huyện Nhà Bè, tỉnh lộ 10 huyện Bình Chánh, tỉnh lộ 6-7-8 Củ Chi, xây dựng mới nút giao thông Phú Lâm, Hàng Xanh. Đây là một trong những bước khởi đầu quan trọng giúp khai thông hệ thống giao thông từ khu vực nội thành đi các huyện vùng ven.

Những năm tiếp theo, nhiều công trình giao thông được hoàn thành từng bước, đánh dấu sự phát triển của Ngành cũng như sự đổi thay của diện mạo TP. Hồ Chí Minh như hệ thống đường trục Bắc - Nam với nhiều cầu lớn như: Cầu Ông Lãnh, Nguyễn Tri Phương, Tân Thuận 2, Khánh Hội… và hệ thống trục đường Đông - Tây, các tuyến đường trục chính là cửa ngõ của trung tâm Thành phố như đường Trường Chinh, Xa lộ Hà Nội, QL13.

Một trong những công trình làm thay đổi diện mạo trong khu vực nội đô TP. Hồ Chí Minh là dòng kênh “chết” Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Khu vực này được mệnh danh là dòng kênh hôi thối nhất TP. Hồ Chí Minh, với những căn nhà ổ chuột đầy rác thải. Thế nhưng, sau hơn 20 năm chuyển mình, kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đã được “hồi sinh” trở lại.

Từ năm 1993, chính quyền thành phố có kế hoạch đầu tư, cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, với dự án giải tỏa hàng nghìn căn nhà lụp xụp hai bên bờ cùng với việc xây dựng hai tuyến đường ven kênh. Cho đến năm 2003, kế hoạch “hồi sinh” dòng kênh tiếp tục được thực hiện bằng dự án vệ sinh môi trường nước. Khi dự án đi vào vận hành, toàn bộ nước thải sinh hoạt trên lưu vực sẽ không đổ xuống kênh mà chảy vào tuyến cống bao, như một tuyến kênh ngầm để chảy về trạm bơm xử lý. Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè chỉ tiếp nhận nước mưa và nước từ sông Sài Gòn chảy vào, nhờ đó nước kênh sẽ dần dần trong xanh trở lại. Để chỉnh trang cảnh quan 2 bên bờ kênh, năm 2011, Thành phố tiếp tục đầu tư, cải tạo, nâng cấp hai tuyến đường Hoàng Sa và Trường Sa từ cuối đường Út Tịch (quận Tân Bình) đến đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận 1) với mục tiêu biến hai con đường này trở thành tuyến đường đẹp của Thành phố.

Trong 10 năm trở lại đây, TP. Hồ Chí Minh đã khoác lên mình một diện mạo mới với hàng loạt công trình giao thông trọng điểm.  Các tuyến đại lộ Đông Tây, vòng xoay Cát Lái, đại lộ Phạm Văn Đồng, Nguyễn Văn Linh, cầu Bình Lợi, cầu Sài Gòn 2, kênh Tân Hóa Lò Gốm… Đây là những công trình hoàn thành vượt mức tiến độ đề ra, đảm bảo yêu cầu kĩ thuật, chất lượng, góp phần làm thay đổi diện mạo mới cho giao thông đô thị Thành phố.

Nhìn lại hơn 40 năm xây dựng, phát triển và hội nhập, trong điều kiện đất nước còn nhiều khó khăn nhưng ngành GTVT TP. Hồ Chí Minh đã từng bước hình thành cơ bản hệ thống hạ tầng kĩ thuật và dịch vụ đô thị, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Trước sự phát triển vô cùng lớn mạnh đó, TP. Hồ Chí Minh cũng đang đặt ra nhiều thách thức cho ngành GTVT để phát huy mạnh mẽ truyền thống “70 năm - Đi trước mở đường”.

Ý kiến của bạn

Bình luận