Điểm tựa vững chắc cho tiến trình tiến ra biển lớn

Tác giả: Lưu Văn Quảng

saosaosaosaosao
Doanh nhân 22/10/2016 11:12

Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc tiền thân là Ty Hoa Đăng, ra đời trong những năm tháng xây dựng lại miền Bắc sau hòa bình và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bai can Ly Son
Đèn biển bãi cạn Lý Sơn

Ngày 15/5/1955, sau 2 ngày Hải Phòng được giải phóng, ngành Bảo đảm an toàn hàng hải đã tiếp nhận từ tay người Pháp 2 ngọn hải đăng lớn nhất miền Bắc lúc bấy giờ là hải đăng Long Châu và hải đăng Hòn Dáu. Ngày ấy đã đi vào lịch sử và tiềm thức của mỗi CB, CNV Bảo đảm hàng hải và trở thành Ngày Truyền thống của những người Bảo đảm an toàn hàng hải.

Trong những năm qua, đặc biệt là trong vòng 10 năm trở lại đây, Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc đã tập trung mọi nguồn lực của mình như: Con người, phương tiện máy móc thiết bị, nguồn vốn, góp phần bảo vệ an toàn, an ninh hàng hải, Tổng công ty luôn cung cấp tín hiệu hỗ trợ hàng hải tốt nhất, thông tin an toàn hàng hải nhanh và chính xác, độ sâu hàng hải trên các tuyến luồng đảm bảo yêu cầu; không để xảy ra một tai nạn hàng hải nào do lỗi của hệ thống báo hiệu hàng hải hay thông báo hàng hải gây ra, góp phần tích cực làm tăng trưởng lượng hàng hóa thông qua các cảng biển Việt Nam.

Để tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả, đảm bảo an toàn lao động và đảm bảo thời gian, những năm qua, Tổng công ty đã tăng cường đầu tư ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. Điển hình là Dự án lắp đặt hệ thống nhận dạng tự động AIS có khả năng giám sát hoạt động của báo hiệu hàng hải và các phương tiện thủy hoạt động trong khu vực các tuyến luồng Hải Phòng, Đà Nẵng, Hòn Gai - Cái Lân; trang bị nhiều thiết bị hiện đại phục vụ công tác khảo sát và hoa tiêu dẫn tàu như: Máy đo sâu hồi âm của hãng Reson (Đan Mạch), Odom Hydrographic System  (Mỹ), hệ thống đo mực nước thủy triều thời gian thực, máy định vị vệ tinh DGPS của hãng Trimble (Mỹ), phần mềm khảo sát hàng hải Hypack Max... nhằm giảm thời gian làm việc, sức lao động thủ công vất vả, nặng nhọc của người lao động mà số liệu đo đạc lại đạt độ chính xác cao, tự động hóa các khâu chủ yếu của quá trình khảo sát ra Thông báo hàng hải.

Chân Mây
Đèn biển Chân Mây

Bên cạnh việc đầu tư, trang bị công nghệ hiện đại nhập từ nước ngoài, Tổng công ty còn chủ trương phát động các phong trào thi đua rộng khắp nhằm phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch được giao với kinh phí thấp nhất mà hiệu quả cao. Tổng công ty đã sản xuất thành công hải đồ giấy và hải đồ điện tử (ENC) các vùng nước cảng biển trong phạm vi quản lý, sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế (S57) do Tổ chức thủy đạc quốc tế (IHO) đưa ra. So với hải đồ giấy, ENC có khả năng cung cấp cho người đi biển thông tin đa dạng hơn rất nhiều và các thông tin cũng được cập nhật nhanh nhất. Hơn nữa, ENC có khả năng sử dụng tương thích với các hệ thống hỗ trợ hành hải trên tàu như Hệ thống hiển thị thông tin hải đồ điện tử (ECDIS), AIS... Đối với cơ quan quản lý, ENC rất hữu dụng khi kết hợp với các hệ thống quản lý như hệ thống quản lý tàu thuyền hành hải (VTS), quản lý và giám sát từ xa hệ thống báo hiệu hàng hải... Bên cạnh đó còn nhiều đề tài có tính hữu dụng cao trong hoạt động hàng hải như Đề tài nghiên cứu chế tạo chớp đồng bộ sử dụng tín hiệu định vị vệ tinh toàn cầu GPS để lắp đặt cho các báo hiệu nổi và các chập tiêu trên luồng đã được nghiệm thu cấp Bộ. Trong các công nghệ điều khiển chớp đồng bộ sử dụng cho báo hiệu hàng hải, công nghệ sử dụng tín hiệu định thời của vệ tinh GPS là công nghệ hiện đại hơn nhiều so với điều khiển bằng sóng vô tuyến. Công nghệ này có khả năng ứng dụng thực tiễn cao hơn và đã được nhiều nhà sản xuất thiết bị báo hiệu lớn của thế giới triển khai trên thực tế. Chớp đồng bộ nâng cao khả năng nhận biết, đặc biệt đối với các khu vực chịu ảnh hưởng nhiều của ánh sáng từ môi trường xung quanh.

Thế kỷ 21 được thế giới coi là “Thế kỷ của đại dương” và Việt Nam cũng đang trong tiến trình thực hiện Chiến lược biển. Trong giai đoạn quan trọng này, Tổng công ty cũng đã xác định rõ vai trò của mình trong hành trình cùng đất nước tiến ra biển lớn. Việt Nam với 3.260km đường bờ biển, với những ưu thế tự nhiên như vậy, trong chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 mà Hội nghị Trung ương 4 vạch ra đã xác định rõ mục tiêu phải phấn đấu để nước ta trở thành một quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển, bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia trên biển, góp phần giữ vững ổn định và phát triển đất nước; xây dựng các trung tâm kinh tế lớn vùng duyên hải gắn với các hoạt động kinh tế biển làm động lực quan trọng đối với sự phát triển của cả nước. Phấn đấu đến năm 2020, kinh tế biển đóng góp khoảng 53% - 55% GDP, 55% - 60% kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Điều này càng khẳng định tầm quan trọng của kinh tế biển đối với tiến trình phát triển đất nước. Để thực hiện thành công các mục tiêu trong chiến lược biển Việt Nam, đồng thời phục vụ đắc lực cho kinh tế biển, ngành Bảo đảm an toàn hàng hải ngày càng khẳng định tầm quan trọng và vị trí then chốt trong việc thiết lập và duy trì môi trường an toàn hàng hải, tạo điều kiện cho phát triển thương mại, kinh tế biển và mục tiêu nhân đạo, kết hợp bảo vệ an ninh - quốc phòng, tìm kiếm cứu nạn, phối hợp bảo vệ môi trường biển, góp phần khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, đảo.

Thực hiện định hướng này của Ngành, Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc sẽ tiếp tục đầu tư về cơ sở hạ tầng, khoa học công nghệ và nhân tố con người, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế để tạo đà cho sự phát triển nhanh, mạnh hơn nữa, khẳng định chủ quyền quốc gia và trở thành điểm tựa vững chắc cho tiến trình tiến ra biển lớn của đất nước.

Từ năm 2009 đến nay, Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc cùng Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam đã chủ động xây dựng, trình Bộ GTVT, Thủ tướng Chính phủ và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển Bảo đảm an toàn hàng hải Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 tại Quyết định số 1166/QĐ-TTg ngày 14/7/2011, nhằm đưa ngành Bảo đảm an toàn hàng hải của nước ta sánh kịp với khu vực và thế giới, đồng thời bắt nhịp với chủ trương của Đảng và Chính phủ về phát triển kinh tế biển của Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển của các ngành kinh tế biển, kết hợp bảo vệ an ninh - quốc phòng, phối hợp tìm kiếm cứu nạn, bảo vệ môi trường, góp phần khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, đảo và phù hợp với các quy định của quốc tế.

Giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2015, Tổng công ty đã tập trung xây dựng, hoàn chỉnh thể chế, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn chuyên ngành. Cán bộ, kỹ sư của Tổng công ty đã vượt lên mọi khó khăn thực hiện thành công việc xây dựng đèn biển Sơn Ca, Nam Yết trên quần đảo Trường Sa - là các đèn biển có ý nghĩa rất quan trọng về an toàn, an ninh hàng hải và chủ quyền quốc gia, đồng thời bảo tồn các đèn biển có giá trị lịch sử.

Trải qua 60 năm xây dựng và trưởng thành, với tiêu chí “An toàn - Uy tín - Chất lượng - Hiệu quả, kết hợp với bảo vệ an ninh - quốc phòng và môi trường biển”, Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc luôn được đánh giá là một trong những đơn vị đoàn kết, vững mạnh, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, có đủ niềm tin trên con đường hội nhập và phát triển, thực hiện hoàn thành tất cả mọi nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao, góp phần thúc đẩy công cuộc phát triển kinh tế nói chung của cả nước và kinh tế biển nói riêng, đưa Việt Nam vươn ra biển lớn.

Ý kiến của bạn

Bình luận