Di sản văn hóa biển góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo

20/11/2016 04:31

Việc nghiên cứu các cảng thị không chỉ giúp chúng ta nhận biết được các vấn đề kinh tế - xã hội, chính trị qua các triều đại Việt Nam cũng như đời sống cư dân ở các khu vực này mà còn giúp chúng ta phục dựng lại sự giao lưu, giao thương giữa các quốc gia trên biển Đông. Hệ thống biển, các đảo, quần đảo (bao gồm cả Hoàng Sa, Trường Sa) của Việt Nam có vai trò vị trí thế nào trong mối quan hệ giao lưu, giao thương với thế giới?

In PP Ban do hang hai 70 x 90
Hải đồ được các tàu châu Âu sử dụng thế kỷ XIX

Việt Nam nằm bên bờ biển Đông, có bờ biển dài, vùng biển rộng với hàng ngàn hòn đảo lớn nhỏ và đặc biệt hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa có vai trò quan trọng chiến lược an ninh - quốc phòng và phát triển kinh tế. Biển, đảo là bộ phận cấu thành phạm vi chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, cùng với đất liền tạo ra môi trường sinh tồn và phát triển đời đời của dân tộc Việt Nam. Vài thế kỷ gần đây, rất nhiều công trình nghiên cứu của các học giả trong và ngoài nước về lịch sử hình thành và hoạt động của con đường tơ lụa trên biển nói chung và vị trí, vai trò của biển Đông cũng như các thành phố, thương cảng Việt Nam đối với con đường thương mại này nói riêng; về mối liên hệ giữa Việt Nam với các nền văn minh, văn hóa dọc theo con đường thương mại trên biển; về quá trình vươn ra biển, khám phá, khai thác kinh tế biển và thực thi chủ quyền lãnh hải của dân tộc Việt Nam… đã được công bố. Kết quả nghiên cứu từ những phát hiện khảo cổ học tại các di tích tiền sử duyên hải miền Bắc Việt Nam như: Soi Nhụ, Cái Bèo, Ngọc Vừng, Hạ Long, Quỳnh Văn… cho thấy các nhóm cư dân ở đây đã tiến hành giao lưu và trao đổi với các nhóm cư dân đồng đại khác ở phía Nam Trung Quốc, Đài Loan, Philippines… tạo nên một truyền thống giao lưu sớm và mạnh với thế giới bên ngoài.

Các hiện vật khảo cổ được tìm thấy ở ven biển miền Trung, cho thấy cư dân tiền Sa Huỳnh cũng đã chiếm lĩnh những không gian cửa sông ven biển, các đảo gần bờ, xa bờ như Cù Lao Chàm, Cù Lao Ré (Lý Sơn), Phú Quý, Côn Đảo, Thổ Chu… và có những quan hệ gắn bó mật thiết với cư dân đồng đại khu vực miền Bắc và xa hơn với các nước Đông Nam Á lục địa và hải đảo.

Trong thời kỳ đồ sắt, theo đường biển, cư dân Đông Sơn ở miền Bắc đã có những mối giao lưu văn hoá rộng rãi với cư dân Sa Huỳnh ở miền Trung và tiếp cận xa hơn tới tận hạ lưu sông Trường Giang (Triết Giang - Trung Quốc) và một số nước Đông Nam Á. Bằng chứng của nhận định này là nhiều hiện vật đồng Đông Sơn muộn, trong đó có cả những trống đồng Đông Sơn điển hình đã được tìm thấy ở đây. Đặc biệt, các học giả Indonesia còn cho rằng trống đồng Đông Sơn đã đến đất nước họ theo một dạng như nhập khẩu nguyên chiếc, để sau đó gợi ý cho những mẫu hình trống đồng bản địa khác.

Đây là những cơ sở khoa học, thực tiễn hết sức quan trọng và thuyết phục về tính đa dạng nhưng thống nhất của văn hóa Tiền - Sơ sử Việt Nam, về lịch sử khai phá, chinh phục biển đảo của tổ tiên người Việt và là cơ sở thực tiễn, khoa học về chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải của đất nước ta.

Từ thế kỷ XI đến thế kỷ XV, các vương triều Đại Việt cũng đã có những động thái tích cực nhằm thúc đẩy hoạt động ngoại thương. Năm 1149, vua Lý Anh Tông đã cho lập thương cảng Vân Đồn làm nơi buôn bán cố định với hải ngoại. Đặc biệt, việc sản xuất và xuất khẩu gốm sứ thương mại đáp ứng nhu cầu các thị trường Nhật Bản, Đông Nam Á và Tây Á đã đánh dấu sự dự nhập mạnh mẽ vào hải thương quốc tế của quốc gia Đại Việt. Bằng chứng về việc xuất khẩu này, ngoài nguồn di vật gốm sứ tìm thấy thông qua khảo cổ học thương cảng cổ Vân Đồn, trong khu vực biển Đông và vịnh Thái Lan, nhiều tàu buôn bị đắm chở đồ gốm Việt Nam xuất khẩu thời kỳ này cũng đã được phát hiện và khai quật như tàu đắm Cù Lao Chàm (Hội An), tàu đắm ở vùng biển Cà Mau, Pandanan (Philippin), Rang Kwian, Ko Si Chang (Thái Lan)… Có thể nói, trong lịch sử cổ, trung đại Việt Nam, chưa bao giờ nền kinh tế hải thương lại có quan hệ mở rộng, đa dạng và phát triển hưng thịnh như giai đoạn này. Kẻ Chợ, Phố Hiến, Domea ở đàng ngoài và Hội An ở đàng trong là những mắt xích không thể thiếu trong hệ thống hải thương toàn cầu.

Đầu thế kỷ XVI, các vua nhà Mạc chủ trương phát triển quê hương Dương Kinh (Hải Phòng) thành trung tâm chính trị thứ hai sau Thăng Long, đồng thời biến nơi đây thành cửa ngõ thông thương của Đại Việt ra bên ngoài. Theo những ghi chép trong sử liệu thì nhà Mạc có thái độ rất cởi mở đối với kinh tế thủ công nghiệp và thương nghiệp. Tuy nhiên, xét trên bình diện gốm sứ mậu dịch, rõ ràng có một “khoảng trống” gốm Mạc trên thị trường quốc tế mặc dù nghề gốm đương thời rất phát triển. Điều này dường như khiến cho thời Mạc trở thành một giai đoạn quá độ trong lịch sử phát triển ngoại thương Việt Nam.

Từ thế kỷ XVII, các chúa Trịnh cho thương nhân nước ngoài được lập thương điếm lưu trú và buôn bán sâu trong nội địa như Phố Hiến, Kẻ Chợ nên tuyến sông Hồng và sông Thái Bình từ Domea (Tiên Lãng) qua Phố Hiến lên Kẻ Chợ trở thành cửa ngõ giao thương chính của Đàng Ngoài. Đối tác giao thương trọng yếu của chính quyền chúa Trịnh là Công ty Đông Ấn Hà Lan (VOC) và mậu dịch thuyền mành của Hoa thương. Hàng hóa trao đổi, buôn bán tập trung vào xuất khẩu tơ lụa, gốm thô đồng thời nhập khẩu tiền đồng, bạc nén và gốm sứ Nhật Bản, Trung Quốc.

Ở Đàng Trong, do có vị trí địa lý thuận lợi, lại là một vùng đất giàu tiềm năng có thể đáp ứng nhu cầu lớn về hồ tiêu, quế, trầm hương, tơ lụa, đường, cùng các loại khoáng sản quý nên Hội An đã có sức hút lớn đối với giới  doanh thương quốc tế. Với việc trọng thương, từ cuối thế kỷ XVI, Đàng Trong đã trở thành một thể chế biển, triệt để phát huy truyền thống khai thác biển. Với việc thành lập và biến Hải đội Hoàng Sa và Hải đội Bắc Hải thành một tổ chức của Nhà nước để khai thác sản vật trên các đảo và hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, quyền làm chủ lãnh hải và hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa ở nước ta đã được xác định chính thức dưới thời các chúa Nguyễn.

Ở thế kỉ XIX, chính quyền nhà Nguyễn đã đưa ra những chính sách phát triển ngoại thương phù hợp với tình hình lịch sử. Đối với các nước láng giềng, nhà Nguyễn có thái độ khá cởi mở. Thời gian này, nhiều đoàn thuyền buôn của các nước Xiêm, Ma-lai-xia và nhất là Trung Hoa (nhà Thanh) thường xuyên cập bến các cảng Việt Nam để mua bán hàng hóa. Nhiều cửa khẩu thông thương với nước ngoài được thiết lập dọc theo bờ biển Việt Nam từ Bắc chí Nam, trong đó có nhiều hải cảng lớn như Hải Phòng, Thuận Hóa, Đà Nẵng, Vũng Tàu, Gia Định, Hà Tiên. Không chỉ tạo điều kiện cho tàu buôn các nước láng giềng đến buôn bán, các vua nhà Nguyễn còn nhiều lần cử các sứ đoàn đi công cán các trung tâm thương mại ở Hạ Châu (Sing-ga-po), Lữ Tống (Philippines), Giang Lưu Ba (Indonesia), đảo Borneo, Xiêm, Ấn Độ, Trung Hoa để bán gạo, đường, lâm thổ sản, đồng… và mua về các loại len dạ châu Âu, đồ sứ và vũ khí, chì, kẽm, diêm tiêu... Nhiều tàu buôn của các sứ đoàn phương Tây như Anh, Pháp, Mỹ cũng thường ghé đến các hải cảng như Vũng Tàu, Gia Định, Đà Nẵng, Huế để buôn bán và đặt vấn đề thiết lập quan hệ giao thương. Từ thời Minh Mạng, do lo ngại nguy cơ và mưu đồ chính trị từ phương Tây, nhà Nguyễn tỏ ra khá thận trọng trong giao dịch thương mại với họ khi lần lượt khước từ yêu cầu lập các thương điếm hoặc kí kết các hiệp ước thương mại chính thức.

Kế tục sự nghiệp tiền nhân, triều đình nhà Nguyễn tiếp tục chăm lo thực thi chủ quyền quốc gia, dân tộc trên biển Đông. Cùng với nhiệm vụ khai thác hải sản và hóa vật, các vua nhà Nguyễn còn thường xuyên tổ chức vãng thám, trồng cây, xây chùa, dựng bia, cắm mốc, đo đạc, vẽ bản đồ các đảo và quần đảo thuộc chủ quyền. Vua Minh Mạng còn cho lập bản đồ quốc gia Đại Nam nht thng toàn đồ, trong đó thể hiện cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Từ khi Cách mạng Tháng Tám thành công, nước nhà giành lại được nền độc lập tự chủ cho đến nay, công tác biên giới lãnh thổ nói chung và công tác bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam nói riêng luôn luôn được các cấp lãnh đạo Đảng, Nhà nước quan tâm đặc biệt. Điều 1, Hiến pháp 1992 của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam ghi: Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nước độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển và  vùng trời. Sự  nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam là hết sức thiêng liêng, đòi hỏi trí tuệ, công sức và sự đóng góp của toàn dân và thể hiện lập trường của Việt Nam xây dựng một đường biên giới trên biển hoà bình, hữu nghị, ổn định và hợp tác.

Như chúng ta đều biết, biển có một vị trí quan trọng trong mỗi quốc gia có biển, với vai trò địa chính trị, địa văn hóa... biển mang lại những lợi ích lớn lao về kinh tế với ngư trường rộng lớn và các trầm tích dầu khí và có ý nghĩa quan trọng về quân sự, là không gian sinh tồn của cộng đồng người dân gắn với cuộc sống mưu sinh với những tài nguyên vô tận. Những quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và nhiều hệ thống đảo khác gắn với biển Việt Nam hàng ngàn đời cùng với những tài nguyên biển mang lại, luôn là tài sản, chủ quyền lãnh thổ, môi trường sống thiêng liêng của Việt Nam.

TS. Nguyễn Văn Cường

Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Ý kiến của bạn

Bình luận