Đến thăm ga tàu được mệnh danh là "kỳ quan kỹ thuật thế giới"

Giao thông toàn cầu 08/02/2022 12:32

Nằm ngay dưới kỳ quan thế giới Vạn Lý Trường Thành, ga tàu Bát Đạt Lĩnh được mệnh danh là "kỳ quan kỹ thuật thế giới".

http___cdn.cnn.com_cnnnext_dam_assets_220202213439

Thế Vận hội mùa đông Bắc Kinh 2022 đang diễn ra tại Thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc. Để chuẩn bị cho nhu cầu đi lại trong đại hội thể thao mùa đông lớn nhất thế giới này, Trung Quốc đã xây dựng một tuyến tàu cao tốc dài hơn 170 km chạy từ Bắc Kinh đến thành phố Trương Gia Khẩu (tỉnh Hà Bắc) - hai thành phố chính đăng cai tổ chức các hoạt động trong khuôn khổ Olympic mùa đông.

Điểm đáng chú ý của tàu cao tốc này là nó có thể tự vận hành. Tuy nhiên, trong suốt hành trình 56 phút đi tàu, điểm nổi bật khác là nó đi qua một nơi được mệnh danh là kỳ quan kỹ thuật thế giới: Ga tàu Bát Đạt Lĩnh - Vạn Lý Trường Thành.

Bài toán khó bảo tồn di sản

Hoàn thành vào năm 2019, nhà ga tàu điện nằm gần lối vào Bát Đạt Lĩnh - đoạn nổi tiếng nhất thuộc Vạn Lý Trường Thành. Để bảo vệ di tích mang tính biểu tượng khỏi bị hư hại cấu trúc, toàn bộ hệ thống đường sắt cao tốc đã được đi ngầm sâu dưới lòng đất.

Nằm sâu 102 m dưới mặt đất, có diện tích 36.000 m2 với cấu trúc 3 tầng, Bát Đạt Lĩnh được cho là ga tàu cao tốc ngầm sâu nhất và lớn nhất thế giới.

Để xây dựng một ga tàu phức tạp bao gồm một hệ thống đường hầm dài 12 km ngay dưới lòng Di sản Thế giới được UNESCO công nhận là một điều không hề dễ dàng. Các kỹ sư Trung Quốc đã sử dụng kíp nổ điện tử để xác định thời gian kích hoạt chất nổ chính xác đến từng một phần nghìn của giây. Đây là lần đầu tiên công nghệ này được sử dụng ở Trung Quốc và cho phép các kỹ sư duy trì vận tốc rung dưới 0,2cm/s. Điều này có nghĩa là mọi vụ nổ đều được tính toán chính xác để đảm bảo lực tác động lên Vạn Lý Trường Thành không được mạnh hơn bước chân người.

http___cdn.cnn.com_cnnnext_dam_assets_220127091736
Xây dựng ga ngầm nhưng không được làm hư hại Vạn Lý Trường Thành là một bài toán hóc búa với các kỹ sư

Bắt đầu từ năm 2016, việc xây dựng hệ thống này mất hơn 3 năm để hoàn thành. Sau khi đi vào hoạt động từ năm 2019, tuyến đường sắt cao tốc này đã rút ngắn hành trình Bắc Kinh - Vạn Lý Trường Thành từ 1,5 tiếng hoặc thậm chí là hơn khi tắc nghẽn giao thông xuống chỉ còn chưa đầy 30 phút.

Nhà ga nằm cách trạm cáp treo của Vạn Lý Trường Thành chỉ vài phút di chuyển và cách điểm khởi đầu của đoạn Bát Đạt Lĩnh khoảng 800m. Đây cũng là nơi có hệ thống thang cuốn dài thứ hai Trung Quốc với 88m chiều dài và 42m chiều cao.

Tại nhà ga Bát Đạt Lĩnh và các nhà ga khác thuộc hệ thống, robot và thiết bị nhận diện khuôn mặt được lắp đặt để hỗ trợ hành khách tìm đường, quản lý hành lý và làm thủ tục điện tử lên tàu.

http___cdn.cnn.com_cnnnext_dam_assets_220127091821
Thang cuốn dài 88m tại nhà ga

 

http___cdn.cnn.com_cnnnext_dam_assets_220127092021
Nhà ga nằm cách cổng vào đoạn Bát Đạt Lĩnh 800m

Công nghệ tàu tân tiến nhất thế giới

Đoàn tàu chạy trên hệ thống đường sắt cao tốc Bắc Kinh – Trương Gia Khẩu là tàu viên đạn Fuxing do Tập đoàn Đường sắt Quốc gia Trung Quốc phát triển và vận hành. Mẫu tàu này được ra mắt vào đầu tháng 1 vừa qua, có thể đạt vận tốc lên tới 350 km/h và vận hành hoàn toàn tự động. Đây là tàu viên đạn tự hành đầu tiên và đường ray cao tốc thông minh đầu tiên trên thế giới.

Dù là tàu cao tốc tự lái nhưng trên tàu luôn có lái tàu giám sát. Tàu có khả năng tự khởi động, dừng và điều chỉnh tốc độ di chuyển khác nhau giữa các ga.

http___cdn.cnn.com_cnnnext_dam_assets_220127091909

Tàu được trang bị mạng 5G, đèn thông minh và 2.718 cảm biến để thu thập dữ liệu theo thời gian thực và phát hiện mọi sự cố bất thường. Ngoài ra, mỗi ghế hành khách đều có bảng điều khiển màn hình cảm ứng và cổng sạc không dây.

Nội thất của tàu cũng được thiết kế nhằm đáp ứng nhu cầu của các vận động viên. Một số cabin có khu vực để đồ rộng hơn để chứa các dụng cụ thể thao mùa đông và được kiểm soát bằng mã QR. Bên cạnh đó, cabin phục vụ ăn uống có thể chuyển đổi thành trung tâm truyền thông trong thời gian diễn ra thế vận hội, với bàn ghế có thể điều chỉnh giúp các phóng viên dễ dàng mang theo thiết bị tác nghiệp của mình. Cabin này cũng có dịch vụ phát sóng trực tiếp và cổng sạc pin ở dưới mỗi bàn. Một cabin trên tàu được thiết kế với ghế ngồi có thể tháo rời, phục vụ những hành khách đi xe lăn trong dịp Thế vận hội Người khuyết tật Mùa đông 2022.

http___cdn.cnn.com_cnnnext_dam_assets_220127092126

Theo China Railway, hiện tại có khoảng 30 tàu viên đạn chạy giữa Bắc Kinh và Trương Gia Khẩu mỗi ngày, trong đó có 6 tàu thông minh mới. Giá vé dao động từ 11 - 33 USD đối với tàu cao tốc thông thường và 12 - 38 USD với tàu thông minh.

Ngoài tuyến đường sắt chính còn có hai nhánh Diên Khánh (Bắc Kinh) và Sùng Lễ (Trương Gia Khẩu) đưa các hành khách đến hai ngôi làng Thế vận hội mùa đông. Tại Thế vận hội lần này, nước chủ nhà Trung Quốc áp dụng hệ thống quản lý khép kín 55 ngày hay còn gọi là “bong bóng”, bắt đầu từ ngày 21/1 để tách biệt những người tham dự Thế vận hội Olympic không đi chung toa tàu với những hành khách khác trên tuyến.

Ý kiến của bạn

Bình luận