Đề xuất quy định ứng phó thiên tai trong lĩnh vực hàng hải

Giao thông 24h 09/07/2018 08:07

Bộ Giao thông vận tải đang dự thảo Thông tư quy định về phòng, chống thiên tai trong lĩnh vực hàng hải. Trong đó Bộ đề xuất cụ thể quy định về ứng phó thiên tai.

 

Đề xuất quy định ứng phó thiên tai trong
Ảnh minh họa

Theo dự thảo, căn cứ vào Công điện của Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, Bộ Giao thông vận tải và các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Cục Hàng hải Việt Nam ban hành Công điện chỉ đạo Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cơ sở triển khai thực hiện biện pháp ứng phó thiên tai theo Kế hoạch phòng, chống thiên tai đã được xây dựng.

Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cơ sở sau khi nhận được Công điện từ Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Cục Hàng hải Việt Nam và các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai của khu vực (nếu có) có trách nhiệm triển khai biện pháp ứng phó thiên tai theo kế hoạch phòng, chống thiên tai đã xây dựng; tổ chức trực canh, phân công lực lượng xung kích thường trực phòng, chống thiên tai tại các khu vực do cơ quan đơn vị quản lý; duy trì thông tin liên lạc, hỗ trợ y tế và các công việc liên quan khác; theo dõi dự báo diễn biến của thiên tai và khả năng chống chịu thiên tai của công trình, máy móc, thiết bị, triển khai kế hoạch phòng, chống thiên tai theo quy định. Trường hợp vượt quá khả năng ứng phó phải báo cáo Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Cục Hàng hải Việt Nam và cấp có thẩm quyền để phối hợp chỉ đạo ứng phó thiên tai.

Trực ban phòng, chống thiên tai

Theo dự thảo, trong những ngày có thiên tai hoặc có tình huống đột xuất xảy ra, phải tổ chức trực ban 24/24 giờ theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền, tổ chức trực chia thành 2 ca/ngày, kể cả ngày nghỉ, ngày lễ, thời gian trực như sau: Ca 1: Từ 07 giờ 00 đến 19 giờ 00; ca 2: Từ 19 giờ 00 đến 7 giờ 00 sáng hôm sau.

Đối tượng trực là thành viên Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn và một số người giúp việc được phân công thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai.

Lịch trực do người có thẩm quyền của Cục Hàng hải Việt Nam, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp phân công.

Trong ca trực, người trực có nhiệm vụ nắm bắt tình hình thiên tai qua chỉ đạo của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp bộ, ngành, địa phương và trên phương tiện thông tin đại chúng; tiếp nhận báo cáo của các đơn vị cơ sở, cập nhật tình hình ứng phó trong phạm vi quản lý của đơn vị; phân tích và ra chỉ đạo cấp cơ sở thực hiện các biện pháp phòng, chống thiên tai; báo cáo và truyền đạt ý kiến chỉ đạo của cấp trên đến các đơn vị và cá nhân có liên quan; báo cáo diễn biến thiên tai, đánh giá sơ bộ thiệt hại và công tác ứng phó trong phạm vi quản lý của đơn vị; đề xuất, kiến nghị với cấp trên về các biện pháp xử lý.

Người tham gia công tác phòng, chống thiên tai được trang bị thiết bị bảo hộ và hưởng các chế độ bồi dưỡng theo quy định của pháp luật.

Xử lý tình huống khi thiên tai xảy ra

Dự thảo nêu rõ, khi thiên tai xảy ra, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Cục hàng hải Việt Nam, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cơ sở phải chủ động trong việc điều hành bộ máy của mình thực hiện kế hoạch đã chuẩn bị và chọn phương án thích hợp để xử lý các tình huống phát sinh, bảo đảm đạt hiệu quả cao nhất. Tuân thủ nguyên tắc 4 tại chỗ bao gồm lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ và chỉ huy tại chỗ; phối hợp chặt chẽ với lực lượng phòng, chống thiên tai tại địa phương để hiệp đồng thực hiện.

Trường hợp xảy ra sự cố nghiêm trọng, vượt quá khả năng nhân lực, vật tư, trang thiết bị của đơn vị phải nhanh chóng báo cáo cấp trên chỉ đạo việc huy động và thông báo đến các cơ quan, đơn vị liên quan để được chi viện, hỗ trợ nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra. Huy động ngay lực lượng xung kích, các trang thiết bị, phương tiện vận tải để triển khai cứu người, tài sản, phương tiện, công trình nơi xảy ra thiên tai. Bảo đảm thông tin thông suốt, chỉ đạo, điều hành trực tiếp của cơ quan, đơn vị đối với đơn vị cấp dưới; tổng hợp báo cáo nhanh diễn biến, sự cố thiên tai và thiệt hại đến cơ quan, đơn vị cấp trên theo quy định.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.

Ý kiến của bạn

Bình luận