Đề xuất giải pháp giảm giá cước vận tải bằng xe ô tô

Tác giả: Trần Kim

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 25/08/2016 17:50

Theo khảo sát và thống kê của một số đơn vị vận tải thì các thành phần chiếm tỷ lệ cao trong chi phí vận tải đường dài là: nhiên liệu (35-50%), nhân công (15-20%), phí cầu đường (10-15%), vật tư, phụ tùng (7-10%), phí bảo trì đường bộ và một số tuyến đường tăng phí cầu đường do các dự án BOT.

giảm giá cước vận tải
Đề xuất giảm giá cước vận tải bằng xe ô tô

Trao đổi với Tạp chí GTVT, bà Phan Thị Thu Hiền – Phó Tổng cục trưởng tổng cục ĐBVN cho biết, chi phí vận tải đường bộ ở Việt Nam tăng cao là do các đơn vị vận tải chủ yếu không có mạng lưới kinh doanh rộng và không có công cụ hỗ trợ để tìm kiếm khách hàng dẫn đến tổ chức vận tải hàng hóa chủ yếu được thực hiện theo một chiều có hàng và một chiều chạy rỗng dẫn đến lãng phí và làm chi phí vận tải cho một đơn vị sản lượng vận tải tăng cao. Chưa khai thác hiệu qủa các phương thức vận tải dẫn đến thị phần vận tải đổ dồn về đường bộ, do chi phí quản lý đơn vị tính trên đầu phương tiện vận tải lớn. Vẫn còn một số lượng lớn các phương tiện vận tải quá cũ tham gia hoạt động vận tải làm tăng chi phí vận tải do chi phí sửa chữa đột xuất, mức tiêu hao nhiên liệu tăng, thời gian vận tải bị kéo dài và tiềm ẩn rủi ro TNGT cao.

Các bến xe hàng, đầu mối gom và phân phối hàng hóa chưa được quan tâm nên hoạt động gom hàng thành khối lượng lớn để vận chuyển đường dài và chia hàng ra để vận chuyển vào thành phố hoạt động chưa hiệu quả. Một số loại phí và lệ phí đã tăng ảnh hưởng đến cơ cấu giá thành vận tải. Hạ tầng giao thông đường bộ ở một số tuyến đã xuống cấp, tại nhiều tuyến đường và đô thị lớn, tình trạng UTGT vẫn thường xuyên xảy ra làm giảm tốc độ vận chuyển, tăng chi phí vận tải. Các vụ  TNGT liên quan đến xe ô tô kinh doanh vận tải vẫn thường xuyên xảy ra làm phát sinh chi phí xử lý tai nạn cho các đơn vị kinh doanh vận tải. Việc tổ chức vận tải đa phương thức và phát triển logistic còn chưa tương xứng với nhu cầu vận chuyển.

IMG_1549
Vận tải hàng hóa Bắc Nam vẫn chiếm tỉ trọng lớn

 Do đó, để khắc phục những nguyên nhân làm tăng chi phí vận tải đường bộ, cũng theo bà Hiền, cần đẩy nhanh lộ trình thực hiện tái cơ cấu vận tải; phát triển vận tải đa phương thức và logistic; rà soát giá cước vận tải để giảm khoản mục đầu vào. Minh bạch thị trường vận tải và nâng cao hiệu quả quản lý của các doanh nghiệp vận tải ô tô để giảm giá thành vận tải. Phát triển hệ thống bến xe hàng, trung tâm thu gom hàng để giảm chi phí vận tải hàng hóa: Cần thiết phải xây dựng “Hệ thống bến xe hàng, các đầu mối thu gom và phân phối hàng hóa” có quy mô tại các đô thị lớn, các trung tâm sản xuất hoặc tiêu thụ hàng hóa để gom các khối lượng hàng hóa nhỏ lẻ cần vận chuyển đường dài thành khối lượng lớn để vận chuyển bằng phương tiện vận tải lớn, đồng thời cũng là nơi để các phương tiện vận tải lớn vận chuyển hàng hóa từ nơi khác đến để chia ra các khối lượng hàng hóa nhỏ hơn để vận chuyển trên các xe tải nhỏ phân phối đến khách hàng trong vùng hoặc trong nội đô.

Cùng với đó, rà soát để tiếp tục đầu tư, nâng cấp hạ tầng giao thông đường bộ để rút ngắn quãng đường vận chuyển, tăng vận tốc vận chuyển, giảm ùn tắc giao thông nhằm tăng năng suất vận chuyển hàng hóa và hành khách, giảm chi phí vận tải. Tăng cường các biện pháp tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ, các biện pháp quản lý lái xe, giáo dục nâng cao đạo đức nghề nghiệp người lái xe kinh doanh vận tải, các biện pháp quản lý an toàn giao thông tại các đơn vị vận tải… nhằm giảm TNGT đến giảm chi phí phát sinh của đơn vị vận tải và xã hội phải bỏ ra để xử lý, khắc phục hậu quả tai nạn.

Theo thống kê tính đến 30/6/2016, cả nước có trên 24.580 đơn vị kinh doanh vận tải được cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, với số lượng phương tiện trên 219.038 xe ô tô. Đa số các doanh nghiệp vận tải có quy mô nhỏ, thậm chí nhiều đơn vị vận tải chỉ có 1-2 xe ô tô, do có quy mô quá nhỏ nên các đơn vị này không xây dựng được thương hiệu, hoạt động chủ yếu dựa vào một số lượng nhỏ khách hàng hoặc số lượng hàng hóa quen thuộc.

Bên cạnh đó, các đơn vị vận tải nhỏ này thường không tổ chức mạng lưới kinh doanh, không có kênh thông tin để giao tiếp với khách hàng nên tỉ lệ xe chạy rỗng và hệ số lợi dụng trọng tải thấp dẫn đến hiệu quả hoạt động không cao. Tốc độ tăng trưởng xe ô tô khách loại trên 25 chỗ cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng xe ô tô khách loại nhỏ, điều đó nói lên rằng hành khách đi xe đã tập trung hơn, các đơn vị vận tải hành khách có xu hướng sử dụng xe ô tô lớn hơn nhằm tăng hiệu quả kinh doanh. Ngoài ra đối với vận tải hàng hóa, tốc độ tăng trưởng xe tải cỡ nhở và cỡ lớn chưa có khác biệt nhiều, thậm chí tốc độ tăng trưởng xe tải nhỏ còn lớn hơn, chứng tỏ rằng hàng hóa vẫn được vận chuyển số lượng lớn bằng các xe tải nhỏ có chi phí cao hơn.

Ý kiến của bạn

Bình luận