Đẩy mạnh tái cơ cấu SBIC

Tác giả: Vũ Thành Vũ

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 27/01/2016 10:31

Năm 2015, SBIC đã bàn giao 178 sản phẩm, bao gồm 15 tàu kiểm ngư, 20 tàu cá và 143 sản phẩm khá (trong đó có 36 tàu xuất khẩu, 142 tàu và phương tiện nổi trong nước.

Quyết tâm thu lãi trước muôn vàn khó khăn

Ông Nguyễn Ngọc Sự, Chủ tịch Hội đồng Thành viên SBIC cho biết, năm 2015 là một năm tiếp tục có nhiều khó khăn và thách thức đối với SBIC khi thị trường vận tải và đống mới thế giới đang trải qua giai đoạn khó khăn và chưa thấy có tín hiệu phục hồi tích cực, thị trường vận tải biển vẫn tiềm ẩn nhiều khó khăn do sự bất ổn của nền kinh tế thế giới và hiện tượng thừa cung về năng lực vận tải làm cho giá cước trên thị trường tiếp tục gây sức ép đối với các chủ tàu. “Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến việc đầu tư đóng mới các phương tiện vận tải của các chủ tàu trong và ngoài nước”.

image
Theo ông Nguyễn Ngọc Sự, năm 2015 tiếp tục là một năm tiếp tục có nhiều khó khăn và thách thức đối với SBIC

Trong đó, việc Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) vốn là khách hàng lớn của SBIC trong thời gian qua gặp khó khăn về nguồn vốn nên đã dừng thực hiện một số hợp đồng đóng tàu đã ký với các đơn vị thành viên của SBIC làm ảnh hưởng lớn đến kế hoạch sản xuát kinh doanh và quỹ việc làm của một số đơn vị của SBIC.

Đồng thời, nhiều dự án đóng mới tàu sử dụng nguồn vốn ngân sách đã bị giãn tiến độ theo kế hoạch nguồn vốn bố trí ngân sách của nhà nước do việc cắt giảm đầu tư công của Chính Phủ; chương trình đóng tàu cá theo Nghị định 67 còn có nhiều vướng mắc về cơ chế thuế VAT, bảo lãnh nên việc triển khai ký hợp đồng của các đơn vị với các ngư dân không đảm bảo với kế hoạch đề ra. Các nhóm khách hàng tư nhân cũng gặp khó khăn về nguồn vốn và giá cước vận tải thấp dẫn đến nhiều chủ tàu không muốn đầu tư đóng mới các phương tiện vận tải trong giai đoạn hiện nay.

Ông Sự khẳng định, bên cạnh những khó khăn, thách thức đó, năm 2015, SBIC và các đơn vị thành viên đã có những cơ hội và thuận lợi rất lớn từ sự hỗ trợ của Chính phủ, các Bộ ngành về tiếp cận thị trường đóng tàu trong nước,… Ngoài ra,Tổng công ty (TCT) và các đơn vị tiếp tục nhận được sự hợp tác của Tập đoàn Damen về đóng mới tàu xuất khẩu.

“Tổng công ty đã hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch giao từ đầu năm về sản phẩm bàn giao, giá trị sản xuất cũng như giá trị doanh thu và về sản xuất kinh doanh chính có lãi” – Chủ tịch Nguyễn Ngọc Sự nhấn mạnh.

Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch năm 2015, ông Ngô Tùng Lâm, Phó Tổng giám đốc SBIC cho biết, số tàu bàn giao năm 2015 là 178 sản phẩm, bao gồm 15 tàu kiểm ngư, 20 tàu cá và 143 sản phẩm khá (trong đó có 36 tàu xuất khẩu, 142 tàu và phương tiện nổi trong nước). 8 đơn vị giữ lại của TCT bàn giao 88 tàu (bao gồm 8 tàu kiểm ngư, 7 tàu cá và 73 sản phẩm khác). Các đơn vị còn lại bàn giao 90 tàu và phương tiện nổi nội địa. Như vậy, SBIC đã bàn giao 178/124 sản phẩm được giao, vượt 44% kế hoạch đề ra.

DSC00021
Thừa lệnh Thủ tướng, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho Chủ tịch HĐTV Nguyễn Ngọc Sự

Về sản xuất kinh doanh, giá trị sản xuất trong năm đạt 7.470 tỷ đồng, bằng 103,7% kế hoạch năm 2015. Trong đó, đóng tàu đạt 6.159 tỷ đồng bằng 109,6% kế hoạch; sửa chữa tàu đạt 465 tỷ đồng bằng 118,3% kế hoạch; công nghiệp phụ trợ đạt 418 tỷ đồng bằng 94,7% kế hoạch.

Doanh thu và thu nhập khác đạt 6.994 tỷ đồng, bằng 101,4% kế hoạch năm 2015. Trong đó, doanh thu từ lĩnh vực hoạt động sản xuất kinh doanh chính (đóng mới, sửa chữa tàu và công nghiệp phụ trợ) đạt 5.791 tỷ đồng bằng 97,3% kế hoạch sửa chữa tàu đạt 375 tỷ đồng bằng 100,2% kế hoạch.

Đặc biệt, trong năm 2015, toàn TCT lỗ 4.669 tỷ đồng. Nguyên nhân lỗ là do chi phí lãi vay cao (3.383 tỷ đồng), chênh lệch tỷ giá (92,8 tỷ đồng), chi phí khấu hao (368 tỷ đồng), chi phí thanh lý các tàu dở dang, tài sản tồn dộng, hư hỏng (785,5 tỷ đồng), chi phí khác 69 tỷ đồng.

Đối với lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính, cùng với hoạt động đóng mới, sửa chữa tàu và sản xuất công nghiệp phụ trợ đạt doanh thu là 5.791 tỷ đồng, chi phí thực hiện là 4.797 tỷ đồng. Do đó, lợi nhuận thuần từ hoạt động sản xuất kinh doanh chính là 994 tỷ đồng

Theo Chủ tịch Nguyễn Ngọc Sự, số lỗ của SBIC trong năm 2015 đã giảm trên 50% và là dấu hiệu tích cực cho sự vực dậy của nền Công nghiệp tàu thủy. Trong số 4.669 tỷ lỗ thì 91,2% do hậu quả của quá khứ để lại là chi phí tài chính của những khoản nợ trước đây trong quá trình tái cơ cấu còn lại. Chi phí sản xuất kinh doanh của năm 2015 là không lỗ.

Quyết tâm phát triển mạnh hơn nữa

Năm 2015 cũng là năm thứ 5 Tổng Công ty thực hiện công tác tái cơ cấu toàn diện, triệt để theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ GTVT. Do đó, cùng với việc từng bước ổn định sản xuất kinh doanh, Tổng công ty tập trung chỉ đạo và thực hiện công tác tái cơ cấu là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2015 của Tổng Công ty.

DSC00026
Thứ trưởng Nguyễn Văn Công và Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động VN Nguyễn Văn Ngàng trao Cờ thi đua cho các đơn vị thi đua xuất sắc thuộc SBIC

Đến hết năm 2015, SBIC đã cơ bản thành việc tái cơ cấu doanh nghiệp. Báo cáo của SBIC cho hay, tính đến ngày 31/12/2015, SBIC tái cơ cấu được 225/272 đơn vị, đạt tỷ lệ 82,7% so với Đề án được duyệt. Kết quả tái cơ cấu doanh nghiệp trong năm 2015 được 105 đơn vị gồm: giảm đầu mối 44 đơn vị; nộp đơn phá sản 59 đơn vị (hiện đang chờ ý kiến của Tòa án); chuyển đầu tư tài chính 2 đơn vị. Đối với 47 đơn vị còn lại, SBIC sẽ tiếp tục tái cơ cấu trong năm 2016 và đã gửi báo cáo phân tích lựa chọn hình thức tái cơ cấu từng đơn vị trình Bộ GTVT xem xét, phê duyệt hình thức tái cơ cấu. Công tác tái cơ cấu tài chính cũng đang được SBIC từng bước thực hiện đồng bộ theo đúng quy trình.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công biểu dương nỗ lực của toàn thể cán bộ CNVCLĐ của SBIC, đồng thời đánh giá cao những thành tích mà SBIC đã đạt được trong giai đoạn khó khăn vừa qua.

DSC00003
Thứ trưởng đánh giá cao những nỗ lực vượt qua muôn vàn khó khăn để khôi phục và phát triển của SBIC

Thứ trưởng khẳng định, từ một đơn vị thua lỗ hiện rất lớn, đến nay SBIC và 8 đơn vị trực thuộc được giữ lại đã khắc phục, vượt lên khó khăn chồng chất và từng bước phát triển trở lại.

Tuy rằng số lỗ của SBIC vẫn còn nhiều nhưng với nỗ lực của SBIC cùng những cơ hội và sự hỗ trợ rất lớn từ Chính phủ, việc từng ngày giảm lỗ tích cực như hiện nay đang mở ra niềm tin cho sự phát triển vững mạnh của SBIC nói riêng và nền công nghiệp tàu thủy Việt Nam nói chung.

Chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công yêu cầu lãnh đạo, cán bộ trong toàn TCT cần tập trung và quyết liệt hơn nữa trong việc nâng cao năng lực quản trị, kiện toàn nội lực, tiết kiệm chi phí và đặc biệt là cần phải xây dựng phương án tài chính tối ưu và phòng chống tham nhũng trong việc mua bán vật tư, thiết bị.

Ngoài ra, Thứ trưởng yêu cầu lãnh đạo SBIC bám sát các cơ quan của Chính phủ để nhanh chóng có các phương án tháo gỡ khó khăn bằng các cơ chế đặc thù. Đối với 8 doanh nghiệp được giữ lại sau tái cơ cấu và các dự án đang đầu tư dở dang, Thứ trưởng đề nghị lãnh đạo TCT khẩn trương lên kế hoạch để cùng Thứ trưởng tiến hành làm việc cụ thể, rà soát từng nhiệm vụ phải làm ngay sau Tết Nguyên đán Bính Thân 2016 nhằm thúc đẩy các đơn vị này phát triển, làm ăn có lãi, xây dựng một ngành đóng tài phù hợp với phát triển kinh tế chung của đất nước.

Ý kiến của bạn

Bình luận