Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng và vận tải vùng Tây Bắc

Chính trị 31/12/2015 14:17

Trong 5 năm, tổng số khối lượng vận tải vùng Tây Bắc đạt khoảng 404 triệu lượt khách, 506,5 triệu tấn hàng hoá,tốc độ tăng trưởng bình quân lần lượt đạt 5,56%/năm.

IMG_0505
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị.

Sáng nay 31/12, Ban chỉ đạo Tây Bắc và Bộ GTVT tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm công tác đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng (KCHT) giao thông và vận tải vùng Tây Bắc, đến dự và chỉ đạo Hội nghị có Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban chỉ đạo Tây Bắc, đại diện các bộ, ban ngành, lãnh đạo các tỉnh Tây Bắc và các địa phương giáp danh.

KCHT đồng bộ, vận tải phát triển

Báo cáo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết, trong giai đoạn 2010-2015, vùng Tây Bắc đã xây dựng, nâng cấp, sửa chữa được 1.916,8 km đường bộ với tổng mức đầu tư là 29.909 tỷ đồng, 296 km đường sắt với tổng mức đầu tư 1.631 tỷ đồng, 115 km đường thuỷ nội địa với tổng mức đầu tư 100 tỷ đồng. Sự phát triển nhanh của KCHT giao thông đã tạo điều kiện thuận lợi cho vận tải hành khách, hàng hoá trong vùng thông suốt, nhanh chóng và an toàn.

Trong đó, giai đoạn từ 2010 đến hết tháng 6/2015 tổng số khối lượng vận tải toàn vùng đạt khoảng 404 triệu lượt khách và 506,5 triệu tấn hàng hoá, tốc độ tăng trưởng bình quân lần lượt đạt 5,56%/năm đối với hành khách và 10,10%/năm đối với hàng hoá. Với những kết quả đạt được nêu trên đã góp phần đáng kể vào việc phát triển kinh tế xã hội của các tỉnh vùng Trung du và miền núi phía Bắc nói riêng và cả nước nói chung.

MJM_6556
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sự nỗ lực của ngành GTVT, các cấp, các ngành, các địa phương đã phát triển GTVT vùng Tây Bắc.

Bộ GTVT đã phối hợp với các cơ quan của Uỷ ban ATGTQG triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền trong phạm vi cả nước về công tác bảo đảm TTATGT, bước đầu góp phần nâng cao nhận thức, ý thức của người tham gia giao thông. Ban hành và chỉ đạo các cơ quan, đơn vị siết chặt quản lý kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện. Từ những giải pháp đồng bộ nêu trên, số vụ vi phạm, số người chết, số người bị thương trong 5 năm liên tục giảm hơn so với năm trước, các giải pháp bảo đảm TTATGT đã ban hành và đang được triển khai thực hiện trong thời gian qua là phù hợp với thực tiễn, mang tính khả thi cao, được sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân và các tổ chức chính trị xã hội.

Với những thành tựu đã đạt được đối với lĩnh vực phát triển KCHT giao thông vùng Trung du và miền núi phía Bắc, bộ mặt KCHT giao thông của vùng đã có những chuyển biến hết sức rõ nét, nhiều công trình lớn, hiện đại được đầu tư hoàn thành. Thông qua hệ thống KCHT đã được đầu tư một cách đồng bộ, hoạt động vận tải hành khách và hàng hoá trên các lĩnh vực cũng được phát triển đáng kể đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của các tỉnh trong vùng, đảm bảo quốc phòng an ninh cho khu vực, đồng thời cải thiện tình trạng giao thông, kéo giảm TNGT cả 3 tiêu chí.

Trao đổi tại Hội nghị, ông Trương Xuân Cừ, Phó trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Tây Bắc chia sẻ bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và vận tải vùng Tây Bắc còn tồn tại một số hạn chế. Trong đó, mạng lưới giao thông vùng Tây Bắc còn thiếu và nhiều yếu kém, còn đơn độc, thiếu sự liên kết và thấp chưa đáp ứng được yêu cầu, xuống cấp nhanh và thường xuyên bị sạt lở, các tuyến đường cao tốc nói chung, sân bay… tiến độ còn chậm so với yêu cầu gây bức súc trong nhân dân và các địa phương, phân công vận tải chưa đảm bảo, hệ thống đường ngang còn thiếu, đường vành đai biên giới còn ít, còn 68% xã đường đến trung tâm chưa được đầu tư cứng hóa, đi lại khó khăn trong mùa mưa.

MJM_6523
Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đánh giá rất cao và đồng tình với các ý kiến cụ thể trực tiếp, thẳng thắn đầy trách nhiệm của các vị đại biểu.

Ông Bùi Văn Tỉnh – Bí thư tỉnh Hòa Bình chia sẻ Hoà Bình là vùng rất khó, bài toán đầu tiên là KCHT, là yếu tố quyết định cho phát triển kinh tế xã hội. Đi trước mở đường phải là giao thông. Trong 5 năm qua hạ tầng giao thông tại Hoà Bình được cải thiện rất lớn đặc biệt là cầu treo dân sinh cho vùng hẻo lánh, cho đồng bào dân tộc thiểu số, và có cách làm mới như trước đây chủ yếu là ngân sách nhà nước, bây giờ có nhiều cách huy động vốn để phát triển hạ tầng giao thông như PPP, BOT...

Đẩy mạnh hình thức xã hội hoá

Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng đánh giá cao sự nỗ lực của ngành GTVT, các cấp, các ngành, các địa phương đã phát triển GTVT vùng Tây Bắc. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhân định trong 5 năm GTVT cả nước nói chung, đặc biệt là phát triển giao thông, đảm bảo vận tải, đảm bảo ATGT của 14 tỉnh vùng Tây Bắc nói riêng có sự phát triển vượt bậc. Đây là một bước đột phá mới của các tỉnh, của bộ GTVT, các ngành, các cấp trong phát triển giao thông trong các vùng Tây Bắc.

Đồng thời, Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ ban ngành tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật trong đầu tư xây dựng khai thác kết cấu ngành GTVT từ đó xã hội hoá các hình thức đầu tư, cho thuê, khai thác KCHT...Phó thủ tướng đề nghị Bộ GTVT, Bộ Tài chính phối hợp giúp tăng ngân sách nhà nước, đẩy mạnh phát triển đầu tư các dự án theo hướng xã hội hoá.

MJM_6526
Đại diện cho các đơn vị nhận bằng khen.

Trong đó, Bộ GTVT, Bộ Kế hoạch đầu tư, Bộ Tài chính tiếp tục ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách Nhà nước, trái phiếu Chính phủ đặc biệt là ODA để nâng cấp, mở rộng, phát triển KCHT ngành giao thông, đặc biệt là các tuyến huyết mạch, tuyến kết nối nhằm phát huy tính đồng bộ lưu thông của giao thông khu vực.

Phó Thủ tướng yêu cầu khai thác hiệu quả các phương thức vận tải, nghiên cứu, tính toán kỹ để đưa ra các giải pháp giải quyết vấn đề đồng bộ trong vận tải.

Các địa phương tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia kinh doanh dịch vụ vận tải một cách bình đẳng, minh bạch, phải phát huy được tính đoàn kết, Nhà nước và nhân dân cùng làm, phát triển giao thông nông thôn. Đồng thời các địa phương tích cực đảm bảo ATGT, đảm bảo ATGT trong mùa mưa lũ và kéo giảm TNGT.

MJM_6542
Phó Thủ tướng trao bằng khen cho các đại diện đơn vị.

“Giao thông đi trước mở đường chính vì vậy cần tìm nhiều nguồn phát triển giao thông, đổi mới tư duy đầu tư để phát triển về mọi mặt kinh tế- xã hội, GTVT và đặc biệt ở những vùng tiềm năng của khu vực Tây Bắc”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Cũng tại Hội nghị Ban chỉ đạo Tây Bắc trao bằng khen cho 24 đơn vị là các tập thể có thành tích trong phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và các đơn vị phát triển hoạt động vận tải giao thông giai đoạn 2010 – 2015.

 Phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh, đầu tư cho giao thông là đầu tư cho phát triển chứ không phải đầu tư cho tỉnh nghèo. Thời gian tới sẽ sử dụng nhiều nguồn vốn khác để đầu tư cho giao thông ví dụ như quỹ bảo hiểm xã hội, Đầu tư cho giao thông nông thôn sẽ sử dụng nguồn lực từ các nhà máy xi măng Bộ đã có đề án phát hành trái phiếu xi măng lấy nguồn từ đề án xi măng để thực hiện hoàn thiện hệ thống giao thông nông thôn trước được kế hoạch. “ Các tuyến đường kết nối với cao tốc Hà Nội – Lào Cai vùng Tây Bắc trong 5 năm tới phải được ưu tiên dù ngân sách khó khăn, phải có những sáng kiến với các địa phương, các dự án trong kế hoạch bắt buộc phải thực hiện dù có khó khăn đến đâu”. 

Dự án cầu treo dân sinh Ngân hàng Thế giới cho vay khoảng 385 triệu USD sẽ xây dựng trên 4.145 cây cầu sẽ được triển khai trong 2 năm. Tiến độ và chất lượng công trình sẽ được triển khai một cách quyết liệt để không có công trình nào chậm tiến độ, đội vốn và vấn để bảo trì đường vùng Tây Bắc là vấn đề lớn cần phải quan tâm vì địa hình rất phức tạp sạt lở nhiều.Trách nhiệm của Bộ giao thông với Tây Bắc còn rất nặng nề tuy nhiên với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ sự vào cuộc và ủng hộ của các địa phương trong công tác giải phóng mặt bằng, tích cực huy động nhiều nguồn vốn để đầu tư cho giao thông vùng góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội, vững mạnh quốc phòng an ninh.

Ý kiến của bạn

Bình luận