Đau lòng chuyện bị hành khách “tố” mất cắp hành lý tại sân bay

Xã hội 15/04/2015 14:06

Luôn khẳng định sự an toàn và chất lượng dịch vụ chu đáo nhưng tình trạng mất cắp, thất lạc hành lý của hành khách dường như đã trở thành “chuyện thường ngày” tại các cảng hàng không Việt Nam.


Vali bị rạch của một hành khách

Vali bị rạch của một hành khách

Vali của khách bị phá khóa, mất đồ, nhân viên nói không biết

Vụ mất cắp hành lý mới nhất xảy ra vào ngày 7/4 -10/4 khi chị Trương Thị Lan Anh (Hà Nội), một hành khách trên chuyến bay VN 593 từ HongKong về Nội Bài tố vali của mình bị phá khóa và mất đồ.

Ngày 7/4, thấy hành lý về chậm, chị Lan anh đã hỏi nhân viên Vietnam Airlines tại Nội Bài thì được trả lời là đến hôm sau hành lý mới có thể về được và hứa sẽ thông báo lại cho chị.

Ngày 9/4, nhân viên VA gọi điện cho chị Lan Anh để báo hành lý đã về nhưng do bận việc nên chị Lan Anh trả lời rằng sáng 10/4 chị mới tới nhận được. Khi chồng chị Lan Anh tới nơi thì nhận được một chiếc vali dán kín băng dính xung quanh nhưng đã bị phá khóa, mở ra thấy vali bị bới tung và mất một số đồ đạc.

Chị Lan Anh cho biết, khi chồng chị yêu cầu lập biên bản, các nhân viên VA không đồng ý và bảo sẽ báo cho người đại diện của hãng để giải quyết nhưng đến nay vẫn chưa có ai liên lạc với gia đình chị. Các nhân viên VA chỉ để lại cho chồng chị một địa chỉ email để gửi đơn khiếu nại rồi bỏ đi, không hề hướng dẫn gì.

Trước sự việc trên, chị Lan Anh không giấu nổi bức xúc: “Tôi đã từng đi nhiều nước nhưng chưa bao giờ gặp phải tình huống như thế này. Tôi thật sự rất buồn và thất vọng.”

Những vụ ăn trộm hành lý trắng trợn

Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra sự việc khách hàng tố vali bị rạch, hành lý bị mất cắp. Cách đây không lâu, vào ngày 19/12, một nữ hành khách tên Uyên (TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa), bay từ Thái Lan về Sài Gòn đã phản ánh về việc hành lý của chị bị “biến dạng” và dán băng dính chằng chịt xung quanh. Chị Uyên cho biết thủ phạm lấy bút rọc đường dây kéo ra. Do vali quá đầy, kẻ gian không kéo khóa lại được nên mới phải dán lại bằng băng dính.

Ngày 16/1, thông tin từ Cục Hàng không Việt Nam cho biết, cơ quan chức năng đã bắt quả tang Trần Hữu Đức, nhân viên bốc xếp của Công ty CP Dịch vụ hàng hóa Nội Bài (SN 1993, quê ở Đô Lương, Nghệ An) đang bán 16 chiếc điện thoại Samsung mà trước đó hắn đã moi trộm từ một kiện hàng trong kho hàng hóa của Samsung ở sân bay quốc tế Nội Bài.

Cũng gặp phải trường hợp tương tự, Tài khoản facebook Gigi Ngo đã đăng tải dòng status có nội dung như sau: “Hành lý người ta đóng mấy lớp mà cũng cố rọc thùng rọc vali lấy thuốc bổ, vitamin và lấy 2 chai nước hoa xong còn để lại cái bịt ni lông, may phước mà cái đồng hồ của Natalia Tran vẫn còn, chưa lụt tiếp mấy đồng hồ của mình còn không. Đã vậy qua hải quan còn kêu lại xin 20$, mình nói không có đủ tiền cho 100 nghìn được không? Hải quan trả giá thôi cho 200 nghìn đi uống cafe. Tức trào máu, phải chi cho tiền không bị mất đồ đằng này nó giữ hành lý mình 1,5 tiếng mới cho ra. Chuyến bay này ai cũng bị rọc lấy đồ thấy mấy cô chú Việt Kiều đứng chửi: xứ gì mà ăn cắp, ai còn dám về. Nghe nhục gì đâu.”

Sau khi nắm được tình hình, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Khuất Việt Hùng trả lời với báo chí rằng sự việc đã được báo cáo với Bộ trưởng Thăng. “Bộ trưởng Thăng đã nắm được thông tin sự việc này và đang bực, yêu cầu các đơn vị chức năng vào cuộc xác minh, xử lý” – ông Hùng nói.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Lãnh đạo hàng không bó tay

Trên đây chỉ là 4 trong số rất nhiều hành khách bao gồm cả Việt Kiều và khách nước ngoài đã trở thành nạn nhân của những vụ mất cắp hành lý ở sân bay. Thủ tục báo hành lý thất lạc rườm rà khiến nhiều người đành thấy ngại mà cho qua, nhưng hình ảnh du lịch Việt Nam cũng chẳng nhờ thế mà vớt vát được.

Dù biết rõ thực trạng mất cắp đang hoành hành nhưng bản thân ngành hàng không cũng chẳng thể làm gì, bởi quy trình kiểm soát hành lý và hàng hóa tại sân bay dù được coi là chặt chẽ, nhưng cũng không phải là không có kẽ hở. Một số người có điều kiện tiếp xúc với hành lý, hàng hóa đã lợi dụng kẽ hở này để thực hiện hành vi ăn cắp.

Chính vì thế, trước khi ngành hàng không nghĩ ra được những biện pháp hiệu quả để khắc phục tình trạng ăn cắp, hành khách chỉ còn biết tự bảo nhau không bao giờ để đồ quý giá trong hành lý ký gửi, hoặc nếu có thì cũng phải “ngụy trang” bằng nhiều quần áo bên ngoài rồi dán hàng chục lớp băng dính xung quanh vali. May ra mấy “nhân viên lưu manh” thấy ngại mà tha cho.

Phương Vũ (T.hợp)

Ý kiến của bạn

Bình luận