Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ở Trường Đại học GTVT

Tác giả: HOÀNG NGÂN

saosaosaosaosao
26/12/2017 17:10

Trường Đại học GTVT với sứ mệnh đào tạo cho ngành GTVT và đất nước những cán bộ khoa học kỹ thuật có năng lực sáng tạo, chuyên môn cao… Hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ của Nhà trường hơn 70 năm qua đã được khẳng định, góp phần đắc lực vào mục tiêu “Giao thông đi trước mở đường”. Những năm qua, Nhà trường đã xác định lộ trình, chiến lược phát triển, đặc biệt đứng trước cuộc cánh mạng công nghiệp 4.0, Trường Đại học GTVT lấy đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là mũi nhọn để khẳng định vị thế trong hội nhập quốc tế. Để bạn đọc có cái nhìn toàn diện về vấn đề này, Tạp chí GTVT đã có cuộc trao đổi với PGS. TS. Nguyễn Ngọc Long - Hiệu trưởng Trường Đại học GTVT.

1 (1)

PGS. TS. Nguyễn Ngọc Long nhấn mạnh, đào tạo theo hướng tăng cường đào tạo kỹ năng tư duy, kỹ năng sáng tạo, kỹ năng thích nghi, kỹ năng làm việc nhóm

PV: Trường Đại học GTVT là cái nôi đào nguồn nhân lực chủ chốt cho ngành GTVT, được Ngành và xã hội ghi nhận, vậy theo ông đâu là bí quyết làm nên những thành công đó?

PGS. TS. Nguyễn Ngọc Long: Trường Đại học GTVT là trường đại học có bề dầy truyền thống trong hệ thống giáo dục đại học tại Việt Nam, tiền thân là Trường Cao đẳng Công chính và được khai giảng lại dưới chính quyền cách mạng ngày 15/11/1945, được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định chính thức trở thành trường đại học từ năm 1962, trực thuộc sự quản lý của Bộ GTVT. Nhiệm vụ đào tạo nhân lực chất lượng cao cho ngành GTVT được ghi ngay trong sứ mệnh của Nhà trường khi ra đời và đã là kim chỉ nam điều chỉnh các hoạt động của Nhà trường cho đến ngày nay. Sứ mệnh đó cho đến hôm nay đã trở thành sự liên kết không chỉ mang tính trách nhiệm mà còn là tình cảm giữa Nhà trường và ngành GTVT Việt Nam nói chung và Bộ GTVT nói riêng; giúp Nhà trường luôn có động lực, định hướng và địa chỉ rõ ràng cho sự phát triển, mở rộng về: Đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, là ba mặt hoạt động chính của Nhà trường. Trong cuộc sống, chúng tôi cho rằng dù bất kỳ việc gì, nhưng nếu được thực hiện với mục đích rõ ràng, trách nhiệm, với tình cảm sâu sắc và có được tính thực tế trong triển khai thì đều dẫn đến thành công. Với sự hỗ trợ của ngành GTVT nói chung và Bộ GTVT nói riêng, Trường Đại học GTVT đã đạt được và luôn cố gắng phát huy tốt nhất các điều kiện đó. Cụ thể là, Nhà trường luôn gắn chặt nhiệm vụ đào tạo với nghiên cứu khoa học và thực tiễn sản xuất; sinh viên sau khi tốt nghiệp tại Trường nhanh chóng có việc làm và tiếp cận được công việc thực tế. Về nhân sự, Nhà trường có đội ngũ các chuyên gia, nhà giáo, nhà khoa học hàng đầu Việt Nam thuộc lĩnh vực GTVT, được đào tạo bài bản ở nhiều nước khác nhau trên thế giới. Các chuyên gia của Trường luôn được tin tưởng mời tham gia thẩm định, kiểm định, tư vấn thiết kế tại các dự án giao thông lớn, trọng điểm của đất nước và tham gia trực tiếp khắc phục các sự cố nghiêm trọng tại các công trình của ngành GTVT Việt Nam. Nhiều sản phẩm nghiên cứu của Nhà trường đã trở thành sản phẩm thương mại hóa, có đóng góp tích cực cho sự phát triển GTVT nước nhà. Bên cạnh đó, Nhà trường cũng luôn nhận được sự quan tâm và chỉ đạo sát sao của Bộ Giáo dục và Đào tạo, sự ủng hộ và giúp đỡ của lãnh đạo Bộ GTVT, các doanh nghiệp trong ngành GTVT và các anh chị cựu sinh viên các thế hệ.

PV: Trường Đại học GTVT xác định mục tiêu trở thành trường đại học nghiên cứu, trong đó đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những hướng đi quan trọng, vậy Nhà trường có những giải pháp gì cho nhiệm vụ này, thưa ông?

PGS. TS. Nguyễn Ngọc Long: Để đạt được mục tiêu trở thành trường đại học nghiên cứu và tiếp tục đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước, Nhà trường đã và đang tiến hành đồng bộ các giải pháp sau:

Về quản trị: Cần đổi mới phương pháp quản trị nhà trường theo hướng hiện đại; xây dựng Nhà trường trở thành “Nhà trường điện tử”; đổi mới tư duy của các cấp quản lý và nhân viên phục vụ.

Về trình độ đội ngũ: Nhà trường phấn đấu đến năm 2020 tỷ lệ giáo sư, phó giáo sư, tiến sỹ đạt hơn 40% đối với cán bộ, giảng viên.

Về chương trình đào tạo: Nhà trường đang xây dựng lại tất cả các chương trình đào tạo tiên tiến, tiệm cận các tiêu chuẩn quốc tế. Bên cạnh đó, phải có các ngành đào tạo trọng điểm, mũi nhọn đạt tiêu chí chất lượng tương đương với các trường hàng đầu trong khu vực.

Về nghiên cứu khoa học: Nhà trường đang xây dựng trở thành trung tâm khoa học đầu ngành của cả nước về GTVT. Muốn vậy, hoạt động nghiên cứu khoa học - chuyển giao công nghệ - lao động sản xuất của Trường phải có tính chuyên nghiệp và trở thành hoạt động chính yếu. Nhà trường phải có được một số hướng nghiên cứu mũi nhọn, trọng điểm; một số phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia. Đội ngũ các nhà khoa học, các giảng viên và nghiên cứu viên có trình độ cao, có khả năng làm việc với các phòng thí nghiệm cùng chuyên ngành trên thế giới, đặc biệt phải có các giáo sư đầu ngành phụ trách các nhóm nghiên cứu và các phòng thí nghiệm trọng điểm; phải có nhiều sản phẩm nghiên cứu được công bố trên các tạp chí có uy tín...

Về hợp tác quốc tế: Cần phải tạo dựng các mối quan hệ chặt chẽ, hợp tác sâu rộng với các trường đại học, các viện nghiên cứu lớn trên thế giới để cùng hợp tác đào tạo, nghiên cứu; trao đổi học thuật, giảng viên và sinh viên.

Về cơ sở vật chất: Cần phải trang bị hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin hiện đại, đồng bộ; hệ thống các phòng học, giảng đường thông minh và cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp.

PV: Thưa ông, trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đào tạo nguồn nhân lực chiếm vị trí trọng yếu, vậy Trường Đại học GTVT đã chuẩn bị những gì để đáp ứng được yêu cầu này? 

PGS. TS. Nguyễn Ngọc Long: Hiện nay, thế giới đang trong giai đoạn bản lề của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, trong đó tri thức và kết nối là hai động lực chính cho sự phát triển. Dưới góc độ của một cơ sở đào tạo ra những người trẻ sẽ trở thành nhân tố chính, trung tâm cho ngành GTVT Việt Nam trong cuộc cách mạng này, Nhà trường hướng đến và nhấn mạnh việc đào tạo những nhân lực có nền tảng tốt nhất trên cả hai động lực là tri thức và kết nối.

Để đào tạo những sinh viên có đầy đủ tri thức và có kỹ năng học tập suốt đời, khám phá kỷ nguyên mới và có năng lực kết nối, Nhà trường tiếp tục rà soát, điều chỉnh chương trình đào tạo theo hướng tăng cường đào tạo kỹ năng tư duy, kỹ năng sáng tạo, kỹ năng thích nghi, kỹ năng làm việc nhóm; ứng dụng công nghệ số, tin học trong mọi hoạt động của Nhà trường để sinh viên, nhà nghiên cứu có điều kiện làm quen với công nghệ số ngay trong trường đại học; tăng cường liên kết với các doanh nghiệp, tổ chức, các trường đại học ở trong nước và quốc tế về nghiên cứu khoa học, đặc biệt là xây dựng các phòng thí nghiệm theo hình thức công - tư nhằm tăng cường năng lực nghiên cứu, nâng cao chất lượng đào tạo và tạo ra sản phẩm có hàm lượng tri thức cao cho xã hội.

 PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Ý kiến của bạn

Bình luận