Đà Nẵng:Tăng cường bảo đảm an toàn thực phẩm 6 tháng cuối năm

Tác giả: Dương Hằng Nga

saosaosaosaosao
Xã hội 29/07/2016 11:47

Đà Nẵng vừa ký ban hành Kế hoạch hoạt động công tác bảo đảm an toàn thực phẩm 6 tháng cuối năm 2016

 

thực phẩm
Đà nẵng sẽ tăng cường siết chặt quản lý các chợ, siêu thị khi nhập thực phẩm vào thành phố

Phó Chủ tịch UBND Đà Nẵng Đặng Việt Dũng kiêm Trưởng ban Liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm TP vừa ký ban hành Kế hoạch hoạt động công tác bảo đảm an toàn thực phẩm 6 tháng cuối năm 2016 

Theo đó, thông qua chương trình phối hợp giữa UBND và UBMTTQVN cấp quận, huyện, xã, phường để tuyên truyền vận động toàn dân tham gia bảo đảm ATTP; tổ chức triển khai đồng bộ từ cấp thành phố đến xã, phường; giám sát chấp hành pháp luật về ATTP của các cấp, ngành và tiếp nhận xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị, phát giác của nhân dân đối với hành vi vi phạm ATTP.

Đồng thời, nâng cao năng lực quản lý nhà nước về ATTP của quận huyện bằng cách kiện toàn Ban Chỉ đạo liên ngành vệ sinh ATTP quận, huyện. Chủ tịch UBND quận, huyện làm Trưởng ban; tổ chức bồi dưỡng nâng cao chất lượng về công tác bảo đảm ATTP cho cán bộ chuyên trách cấp quận huyện và xã phường.

UBND TP Đà Nẵng giao Sở NN&PTNT chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan quản lý các vùng sản xuất ban đầu trên địa bàn thành phố thông qua việc hỗ trợ xây dựng quầy hoặc cửa hàng bán rau an toàn (từ vùng sản xuất rau ở địa phương được xác nhận sản phẩm an toàn); kiểm tra việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, kháng sinh tại các cơ sở sản xuất tập trung; định kỳ tổ chức lấy mẫu giám sát, kiểm tra tồn dư hóa chất và ô nhiễm sinh học đối với các vùng sản xuất rau trên địa bàn thành phố.

Đồng thời rà soát, thống kê, hướng dẫn và tổ chức cho các hộ nông dân thực hiện ký cam kết sản xuất thực phẩm an toàn đối với chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng thủy sản; tổ chức kiểm tra, hướng dẫn, ký cam kết bảo đảm ATTP đối với cơ sở chưa có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thực ăn đường phố); tổ chức quản lý, thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố theo phân cấp quản lý; kiểm tra và cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP theo phân cấp quản lý. Công khai danh sách các cơ sở thuộc địa phương quản lý như tên chủ cơ sở, giấy phép kinh doanh, quy mô, tình trạng... lên Website của UBND quận, huyện.

Tăng cường công tác quản lý các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại; thanh tra, kiểm tra, kiểm nghiệm chất lượng ATTP tuyến thành phố; phòng chống ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm. Quản lý rau, củ, quả nhập vào thành phố; chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm; thực phẩm có nguồn gốc thủy hải sản: Kiểm tra tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất độc hại và ô nhiễm vi sinh vật tại chợ Đầu mối Hòa Cường (mỗi tháng 50 mẫu gồm: 35 mẫu test nhanh và 15 mẫu kiểm tra đa dư lượng); đồng thời lấy mẫu giám sát, kiểm tra tồn dư hóa chất và ô nhiễm sinh học tại các cơ sở giết mổ, kinh doanh gia súc, gia cầm, sản phẩm thủy sản.

Ngoài ra xây dựng kế hoạch thực hiện mô hình liên kết chuỗi thực phẩm; hình thành liên kết chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn, giám sát các cơ sở tham gia chuỗi. Xử lý dứt điểm, không còn các hộ giết mổ gia súc nhỏ lẻ trên địa bàn huyện Hòa Vang vào cuối năm 2016.

Ý kiến của bạn

Bình luận