Đà Nẵng tìm giải pháp nâng cao an toàn cho trẻ em khi ngồi trên ôtô

Tác giả: Quốc Nhựt

saosaosaosaosao
Hoạt động Ban ATGT 20/10/2023 14:00

Theo khảo sát, tại TP. Đà Nẵng, không có ô tô nào sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ. Nhiều trẻ được cho ngồi một mình ở ghế trước, thiếu an toàn….

Đà Nẵng tìm giải pháp nâng cao an toàn cho trẻ em khi tham gia giao thông trên ô tô - Ảnh 1.

Hội thảo chuyên đề "Nâng cao an toàn cho trẻ em khi tham gia giao thông trên ô tô" do Ban ATGT TP. Đà Nẵng tổ chức

Ngày 20/10, Ban ATGT TP. Đà Nẵng tổ chức Hội thảo chuyên đề "Nâng cao an toàn cho trẻ em khi tham gia giao thông trên ô tô". 

Hội thảo có sự tham gia của đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam, Bộ Y Tế và các cơ quan chuyên môn, chức năng của TP. Đà Nẵng.

Tại hội thảo, PGS.TS Phạm Việt Cường, Đại học Y tế Công cộng cho biết, theo khảo sát tại Việt Nam, chỉ 1,3% xe có sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ. Tại Thủ đô Hà Nội, tỷ lệ này là 2,6%, TP. Hồ Chí Minh là 1,1%.

Còn tại TP. Đà Nẵng, không có ô tô nào sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ. Đây là một con số rất đáng lưu ý, cho thấy rằng việc đảm bảo an toàn cho trẻ trên ô tô chưa được quan tâm đúng mức.

Theo ông Cường, hiện nước ta chưa có quy định về thiết bị và vị trí an toàn của trẻ em trên ô tô. Hiện có 22,8% ô tô có trẻ em ngồi ghế trước một mình; 19,2% xe có trẻ ngồi ghế trước chung với người lớn. Tuy nhiên, theo khuyến cáo, trẻ em dưới 12 tuổi và chiều cao dưới 1,5 m không được ngồi ghế trước.

"Đây là vị trí chịu nhiều lực tác động hơn khi xảy ra va chạm, dễ văng ra ngoài xe trong các trường hợp không cài dây an toàn. Trẻ em lại hiếu động, tò mò dễ dây mất tập trung cho người lái xe. Vị trí này cũng chịu sự va đập của túi khí và không có hệ thống lắp thiết bị an toàn cho trẻ", ông Cường phân tích.

Đà Nẵng tìm giải pháp nâng cao an toàn cho trẻ em khi tham gia giao thông trên ô tô - Ảnh 2.

Một thiết bị an toàn cho trẻ em khi tham gia giao thông trên ô tô. Ảnh minh họa

Đại diện Bộ Y tế cho biết, trang bị thiết bị an toàn cho trẻ khi đi ô tô có lợi ích rất lớn. Nó giúp trẻ không bị văng ra khỏi chỗ ngồi, giúp ngăn chặn việc trẻ bị va đập vào các bề mặt nội thất của xe hay các vật thể bên ngoài, bảo vệ cơ thể bé…Trẻ em được giữ đúng cách trong một hệ thống thiết bị an toàn phù hợp với độ tuổi có thể giúp giảm tỷ lệ tử vong (giảm từ 34% - 81%), giảm các chấn thương nghiêm trọng (35-72%) và các chấn thương khác của trẻ (25-58%) trong các vụ va chạm giao thông.

Trên cơ sở đó, đại diện Bộ Y tế kiến nghị bổ sung các quy định về các nguyên tắc bảo đảm an toàn cho trẻ em trên ô tô.

Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, TS. Dương Khánh Vân cho biết, WHO khuyến nghị các yếu tố tối thiểu sau khi xây dựng luật sử dụng thiết bị an toàn, như yêu cầu đối với trẻ em sử dụng thiết bị an toàn cho đến ít nhất 10 tuổi/cao 135 cm. Hạn chế cho trẻ em ở độ tuổi nhất định ngồi ở ghế trước của ô tô; có các yêu cầu kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn tham chiếu cho thiết bị an toàn.

Bà Vân cũng chia sẻ kinh nghiệm quốc tế tại một số nước như Malaysia, Philippines, Trung Quốc…về luật thiết bị an toàn cho trẻ em.

Đà Nẵng tìm giải pháp nâng cao an toàn cho trẻ em khi tham gia giao thông trên ô tô - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Trung Nghĩa - Phó Giám đốc Sở GTVT TP. Đà Nẵng ghi nhận các ý kiến, chia sẻ của các cơ quan chuyên môn và xem đây là những giải pháp tăng cường bảo đảm an toàn giao thông cho mọi người nói chung và cho trẻ em nói riêng

Hội thảo cũng có tham luận từ đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Tư pháp, Phòng CSGT, Công an Đà Nẵng về công tác đảm bảo ATGT cho trẻ, tham luận về một số vấn đề triển khai thi hành Luật Giao thông đường bộ, các quy định pháp luật về TTATGT. 

Trung tá Thái Anh Tuấn, Phòng CSGT Đà Nẵng cho biết, hiện thành phố đang tiến đến xây dựng thành phố thông minh, quản lý xã hội bằng công nghệ thông tin, bằng hệ thống camera giám sát. Mọi cử chỉ, hành động sai trái khi tham gia giao thông có thể được ghi nhận để làm cơ sở xử lý vi phạm. Mặt khác, người dân đi đường cũng ghi lại những hình ảnh bất bình, kịp thời đăng tải trên trang Facebook CSGT TP. Đà Nẵng, từ đó làm căn cứ xử lý các hành vi vi phạm.

Theo đánh giá sơ bộ, trung bình mỗi năm, có khoảng 1.800-2.000 vụ TNGT liên quan tới trẻ em, trong đó có khoảng 600-700 vụ liên quan tới ô tô (thống kê báo cáo của Ủy ban ATGT Quốc gia năm 2019, 2020, 2021).

Phó Giám đốc Sở GTVT Đà Nẵng Nguyễn Trung Nghĩa cho biết, hội thảo có sự tham gia đóng góp của nhiều đơn vị chuyên môn đã cho thấy sự cần thiết phải sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em và đề xuất các phương án về quy định bảo vệ trẻ em trên ô tô. Những chia sẻ tại hội thảo về các thực hành tốt và kinh nghiệm quốc tế về việc áp dụng thiết bị an toàn cho trẻ em trên ô tô là hết sức ý nghĩa.

"Chúng tôi xem đây là những giải pháp tăng cường bảo đảm an toàn giao thông cho mọi người nói chung và cho trẻ em nói riêng trên địa bàn TP. Đà Nẵng", ông Nghĩa nói.