Đã đầu tư hơn 113 nghìn tỷ phát triển hạ tầng cảng hàng không trong 10 năm

Tác giả: M.Thành

saosaosaosaosao
Hàng không 16/08/2023 10:35

Trong giai đoạn 2010 – 2020, tổng nguồn vốn đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng cảng hàng không khoảng 113.558 tỷ đồng.

Đáp ứng tốc độ tăng trưởng vận tải hàng không và nhu cầu phát triển KT-XH

Đã đầu tư hơn 113 nghìn tỷ phát triển hạ tầng cảng hàng không trong 10 năm - Ảnh 1.

Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ được nâng cấp mở rộng toàn bộ

Bộ GTVT vừa có báo cáo gửi Chính phủ về tổng kết thi hành Luật Hàng không dân dụng Việt Nam (Quốc hội Khóa XI, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 29/6/2006, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2007; Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 8 sửa đổi, bổ sung một số điều tại Luật số 61/2014/QH13).

Theo Bộ GTVT, sau 16 năm thực hiện Luật Hàng không dân dụng Việt Nam 2006 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam (Luật số 61/2014/QH13) cho thấy hành lang pháp lý cho hoạt động hàng không dân dụng của Việt Nam đã và đang dần được hoàn thiện, thể chế hóa kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng về phát triển lĩnh vực hàng không, đảm bảo vai trò và thế mạnh của lĩnh vực này đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đồng thời, thể hiện tư duy mới trong hoạt động quản lý nhà nước; đảm bảo sự tham gia bình đẳng của các thành phần kinh tế, sự cạnh tranh lành mạnh trong lĩnh vực hàng không dân dụng, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, nâng cao chất lượng dịch vụ; tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp ngành hàng không chủ động tham gia hội nhập vào các hoạt động hàng không dân dụng quốc tế.

Đối với công tác đầu tư, xây dựng cảng hàng không, sân bay, theo Bộ GTVT việc đầu tư, xây dựng cảng hàng không, sân bay trong thời gian qua đã bám sát quy hoạch tổng thể phát triển cảng hàng không, sân bay. Theo số liệu thống kê, giai đoạn 2010 – 2020, tổng nguồn vốn đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng cảng hàng không khoảng 113.558 tỷ đồng.

Nguồn vốn đầu tư này được phân bổ để hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng hàng không cho 22 cảng hàng không, sân bay, trong đó có 10 cảng hàng không quốc tế, 12 cảng hàng không nội địa.

Trong số 22 cảng hàng không tại Việt Nam, Tổng Công ty Cảng hàng không VN (ACV) được giao quản lý, khai thác 21 cảng; riêng Cảng hàng không Quốc tế Vân Đồn được đầu tư theo phương thức đối tác công tư, hợp đồng BOT.

Có thể thấy, hạ tầng các cảng hàng không đã được đầu tư, nâng cấp theo quy hoạch được duyệt với nhiều công trình lớn hoàn thành đưa vào khai thác như: xây mới cảng hàng không quốc tế Phú Quốc; nâng cấp mở rộng toàn bộ cảng hàng không quốc tế Cần Thơ; mở rộng nhà ga, khu bay tại cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng; các công trình khu hàng không dân dụng Tuy Hòa, Phù Cát, Cát Bi...

Việc đầu tư, phát triển 22 cảng hàng không, sân bay theo hướng hiện đại, đồng bộ ngoài việc đáp ứng được tốc độ tăng trưởng của ngành vận tải hàng không, cũng đã góp phần tích cực trong việc đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của địa phương; thực hiện liên kết vùng, liên kết quốc tế; đưa Việt Nam tiệm cần dần với mục tiêu trở thành quốc gia phát triển có thu nhập cao.

Huy động nguồn vốn xã hội đầu tư cảng hàng không

Đã đầu tư hơn 113 nghìn tỷ phát triển hạ tầng cảng hàng không trong 10 năm - Ảnh 2.

Cảng hàng không Quốc tế Vân Đồn được đầu tư theo phương thức đối tác công tư, hợp đồng BOT

Về các tồn tại, bất cập trong quá trình triển khai thi hành Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, Bộ GTVT cho hay, việc đầu tư xây dựng cảng hàng không, sân bay được thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng. Bộ GTVT quản lý, giám sát việc đầu tư xây dựng, bảo trì, sửa chữa, duy trì đủ điều kiện khai thác cảng hàng không, sân bay. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện đã cho thấy những vướng mắc nhất định về thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư các công trình hạng mục công trình khi Luật Đầu tư chỉ quy định 2 cấp thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư là Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Trong khi Bộ GTVT là cơ quan được giao nhiệm vụ quản lý về quy hoạch, kế hoạch phát triển cảng hàng không sân bay.

Điều này đã dẫn đến sự lúng túng trong việc có phải thực hiện hay không việc phê duyệt chủ trương đầu tư, trong việc xác định chủ thể phê duyệt chủ trương đầu tư đối với việc đầu tư, xây dựng các hạng mục, công trình trong cảng hàng không, sân bay; sự trùng lặp, chồng chéo trong công tác quản lý nhà nước đối với việc cấp giấy phép thành lập hãng hàng không vận chuyển hàng khách trong Luật Hàng không dân dụng VN với việc cấp giấy phép chủ trương đầu tư thành lập hãng hàng không vận chuyển hành khách trong Luật Đầu tư dẫn đến cùng một chủ thể thực hiện nhưng Thủ tướng Chính phủ phải chấp thuận 2 lần mới có thể đi vào hoạt động; hoặc việc xây dựng công trình tạm để xử lý cho tình huống cấp bách về an ninh an toàn hàng không nếu thực hiện theo quy định của Luật Xây dựng thì sẽ không đáp ứng được các đặc thù cấp thiết của lĩnh vực hàng không…

Hiện trạng quản lý, khai thác và đầu tư đối với 21 cảng hàng không cho thấy: các công trình, hạ tầng kỹ thuật bảo đảm hoạt động bay thuộc công trình thiết yếu của cảng hàng không - doanh nghiệp công ích 100% vốn nhà nước chịu trách nhiệm đầu tư, phát triển; các công trình đường cất hạ cánh, đường lăn, một số công trình thuộc khu bay, Bộ GTVT chịu trách nhiệm đầu tư; một số đường cất hạ cánh, đường lăn do Bộ Quốc phòng đầu tư và một số đường cất hạ cánh, đường lăn do địa phương đầu tư; các công trình hạ tầng thiết yếu còn lại (sân đỗ, nhà ga hành khách, công trình hạ tầng kỹ thuật chung của cảng…): do người khai thác cảng đầu tư; các công trình dịch vụ hàng không, phi hàng không: do các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đầu tư, phát triển.

Điều này cho thấy, nhà nước sở hữu các công trình kết cấu có mức đầu tư, chi phí quản lý, khai thác, bảo trì lớn như: đường cất hạ cánh, đường lăn, các công trình khu bay. Tuy nhiên, khối tài sản này hiện nay đang được nhà nước giao cho doanh nghiệp quản lý, bảo trì theo quy định của Luật Quản lý tài sản công (Điều 99), Nghị định số 44/2018/NĐ-CP (khoản 1 Điều 27).

Quá trình thực hiện đã cho thấy một số bất cập trong việc điều tiết kịp thời nguồn vốn để giải quyết các nhu cầu cấp bách về nâng cấp, cải tạo, sửa chữa, mở rộng khi tần suất, tải trọng khai thác đường cất hạ cánh, đường lăn ngày càng cao và bối cảnh ngân sách nhà nước bị hạn chế bởi cả trình tự thủ tục lẫn nguồn vốn thực hiện; một số đường cất hạ cánh, đường lăn do Bộ Quốc phòng quản lý cần được đầu tư mở rộng quy mô để phục vụ cho hoạt động dân dụng.

Để thúc đẩy sự phát triển của cảng hàng không, sân bay, cần có các chính sách cho phép huy động nguồn lực địa phương, nguồn lực xã hội đầu tư vào kết cấu hạ tầng cảng hàng không, sân bay, trong đó có cả việc cho phép đầu tư trên tài sản hoặc đất do quốc phòng quản lý.

Trong khi đó, một số cảng hàng không, sân bay được huy động nguồn vốn xã hội theo phương thức đầu tư đối tác công tư, tuy nhiên qua triển khai cho thấy: hiệu quả tài chính của các cảng hàng không mới thường không đảm bảo để hoàn vốn cho nhà đầu tư do đó lĩnh vực này thiếu đi sự hấp dẫn trong việc thu hút đầu tư nếu không có sự hỗ trợ, chia sẻ từ phía nhà nước. Nhiều cảng hàng không, sân bay đóng vai trò quan trọng về mặt địa chính trị, an ninh quốc phòng, ảnh hưởng đến chủ quyền quốc gia, do đó việc huy động vốn đối với các cảng hàng không, sân bay này phải cân nhắc đến nhiều yếu tố, trong đó yếu tố về an ninh - quốc phòng là yếu tố khó định lượng nhất.

Do đó, đối với việc huy động vốn xã hội cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cảng hàng không, sân bay cần phải được nghiên cứu, phân loại, làm rõ các yếu tố ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng và không làm ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất của doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối đang quản lý đối với các cảng hàng không, sân bay hiện hữu.

Đến 2030, cần khoảng 420.000 tỷ đồng đầu tư phát triển hệ thống cảng hàng không

Theo Quyết định 648 ngày 7/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, nhu cầu vốn đầu tư phát triển hệ thống cảng hàng không đến năm 2030 khoảng 420.000 tỷ đồng, được huy động từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn ngoài ngân sách và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Trong đó, đầu tư xây dựng mới hoặc mở rộng các cảng hàng không quốc tế quan trọng, đóng vai trò đầu mối như: Long Thành, Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh, Phú Quốc.

Đầu tư xây dựng mới hoặc mở rộng các cảng hàng không tại vùng sâu, vùng xa, vùng núi, hải đảo; các cảng hàng không có hoạt động quân sự thường xuyên; và các cảng hàng không khác trong hệ thống đáp ứng nhu cầu khai thác, phát triển KT-XH.


Ý kiến của bạn

Bình luận