Đã bịt lỗ hổng về thuế nhập khẩu xăng dầu

Doanh nghiệp 23/03/2016 16:13

Bộ Tài chính vừa đưa ra phương án tính thuế mới và được Thủ tướng chấp thuận để bịt "lỗ hổng chính sách" trong cách tính thuế nhập khẩu xăng dầu.

quy-binh-on-xang-dau-nam-2015-con-gan-4000-ti
Quỹ bình ổn xăng dầu còn gần 4.000 tỉ

 Vừa qua, Thủ tướng đã đồng ý với đề xuất của Bộ Tài chính về việc thay đổi cách xác định thuế nhập khẩu trong giá cơ sở điều hành giá bán lẻ xăng dầu. Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất khi xác định giá cơ sở điều hành xăng dầu, thuế suất nhập khẩu của quý này được tính là bình quân gia quyền của các mức thuế tối huệ quốc (MFN) và biểu thuế của các hiệp định thương mại tự do (FTA, theo thực tế hàng hoá).

Sau mỗi quý, Chính phủ sẽ căn cứ trên lượng nhập khẩu của các doanh nghiệp đầu mối từ các thị trường khác nhau để đưa ra thuế suất trung bình, sử dụng trong công thức tính giá cơ sở để tính giá quý sau. Thời gian tính bình quân theo quý nhằm đảm bảo tính ổn định trong số liệu nhập khẩu. Ngay lập tức, ngày 21/3 vừa qua cách tính thuế nhập khẩu trong giá cơ sở mới đã được áp dụng điều chỉnh giá xăng dầu, nên giá xăng dầu chỉ tăng nhẹ so với mức tăng dự đoán (670/1740 đồng).

Theo đó, giữ nguyên mức 20%, vì mức thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo Biểu Atiga là 20%, chỉ có mức thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo Biểu Việt Nam-Hàn Quốc là 10%, nhưng là mức mới được quy định, thực tế xăng nhập khẩu từ Hàn Quốc chưa nhiều và chưa có thông tin về chứng nhận xuất xứ C/O đối với loại hàng hoá nhập khẩu này.

Các mặt hàng dầu diezen, dầu hoả, mazut, nhiên liệu bay: Giảm từ 10% và 13% xuống 7%, vì thực tế hàng hoá nhập khẩu từ Singapore, Hàn Quốc về tới Việt Nam cần tốn thêm khoản chi phí về vận chuyển và bảo hiểm chiếm khoảng 6-7% giá xăng dầu nhập khẩu, tương đương với mức thuế nhập khẩu ưu đãi là 7%.

Như vậy, cách điều hành này đã phần nào hạn chế độ "vênh" trong cách áp thuế trước đây.

Bình luận về phương án xác định thuế nhập khẩu trong giá cơ sở mới, chuyên gia Ngô Trí Long cho rằng đây là phương án hợp lý và phù hợp nhất trong bối cảnh hội nhập. Ông Ngô Chí Long khẳng định: "Liên bộ Tài chính Công Thương đã hiểu là không có mặt bằng chung về thuế suất - một điều hiển nhiên trong hội nhập. Do đó, không có cách nào khác là phải tính bình quân gia quyền theo trọng số nhập khẩu với từng nước như vậy".

Như vậy, phương án khắc phục lỗ hổng chính sách trong điều hành xăng dầu đã được thực hiện rốt ráo nhưng đến nay, vẫn đề làm sao để truy thu khoản tiền người tiêu dùng "nộp oan" hàng tỷ đồng cho các nhà nhập khẩu xăng dầu vẫn tiếp tục được tính toán.

Ý kiến của bạn

Bình luận