Cứu nạn hàng hải “điểm tựa” giữa trùng khơi

Tác giả: Bảo Châu

saosaosaosaosao
An toàn giao thông 23/03/2021 07:09

Tai nạn, sự cố trên biển có diễn biến ngày càng phức tạp. Vượt lên những khó khăn với lòng yêu nghề, tâm huyết, không sợ gian nguy, những “người lính” tìm kiếm cứu nạn hàng hải luôn xả thân cứu người, coi tính mạng người dân như chính người thân của mình, để bà con yên tâm bám biển.


 

tau sar
Ảnh minh họa

Theo Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn Hàng hải Việt Nam, từ đầu năm đến nay, Trung tâm đã tiếp nhận thông tin báo nạn là 68 vụ, trong đó, báo nạn xác định: 53 vụ, chiếm 77,9%; báo nạn giả: 15 vụ, chiếm 22,1%; số vụ việc phối hợp: 43 vụ việc; số vụ điều động tàu SAR hoạt động tìm kiếm cứu nạn trên biển là 10 vụ. Qua đó, các lực lượng của Trung tâm đã cứu, hỗ trợ 48 người và 5 phương tiện, trong đó có 3 người nước ngoài.

Thời gian gần đây, các vụ tai nạn, sự cố hàng hải vẫn tiếp tục xảy ra, trong đó phải kể đến một số vụ tai nạn điển hình như: vụ tai nạn ngày 04/01/2021, Trung tâm điều động tàu SAR 412 cứu nạn tàu cá BĐ 97692 TS bị hỏng máy cùng 7 thuyền viên tại vị trí 17-17N; 108-16E (phía Bắc Tây Bắc mũi Đà Nẵng 70 hải lý). Lúc 7h34 ngày 04/01/2021, tàu SAR 412 đã đưa toàn bộ thuyền viên bị nạn và tàu BĐ 97692 TS về đến cầu cảng Trung tâm tại TP. Đà Nẵng bàn giao cho các cơ quan chức năng.

Ngày 22/01/2021, Trung tâm điều động tàu SAR 412 hoạt động cứu nạn 1 thuyền viên bị thương do dây neo đánh vào đầu, chảy máu nhiều, bị hôn mê tại tàu QN 91439 TS vị trí 17-30N; 108-40E (cách Đông Bắc mũi Sơn Trà - Đà Nẵng khoảng 86 hải lý).

Hồi 18h35 ngày 22/01/2021, tàu SAR 412 đã đưa nạn nhân về cập cầu cảng Trung tâm tại Đà Nẵng an toàn và tiến hành bàn giao cho các cơ quan chức năng. Nạn nhân được đưa vào Bệnh viện Đà Nẵng tiếp tục điều trị với tình trạng đa trấn thương.

Ngày 27/01, Trung tâm điều động tàu SAR 274 hoạt động cứu nạn 1 thuyền viên tên TASNER STJEPAN, quốc tịch Crô-a-ti-a, sinh năm 1982, bị tụ huyết khối chân trái, vết thương sưng, viêm đỏ từ đầu gối đến mắt cá chân, chân trái đau khi di chuyển hay va chạm của JOSEPH PLATEAU, quốc tịch Luých-xăm-bua tại vị trí thống nhất 16-03N; 108-26E (cách bán đảo Sơn Trà, TP. Đà Nẵng khoảng 10 hải lý về phía Nam).

Hồi 20h40 ngày 27/01/2021, tàu SAR 274 đã đưa thuyền viên bị nạn về đến cảng Trung tâm tại Đà Nẵng bàn giao cho các cơ quan chức năng, đại diện chủ tàu. Các lực lượng y tế tiếp tục đưa bệnh nhân đến Bệnh viện VinMec, TP. Đà Nẵng cấp cứu. Hồi 9h48 ngày 30/01, Trung tâm đã điều động tàu SAR 413 hành trình từ Vũng Tàu thực hiện công tác tìm kiếm cứu nạn thuyền viên tàu BV 94571 TS, bị chìm tại tọa độ: 09-33N; 107-27E, phía Nam Đông Nam, cách Vũng Tàu 52 hải lý. Lúc 10h57 ngày 30/01, Tàu SAR 413 cùng các tàu BV 92467 TS, BV 99749 TS đã tìm kiếm cứu nạn thành công toàn bộ 12 ngư dân thuộc tàu cá bị nạn. Đến 13h27 ngày 30/01, tàu SAR 413 cập cầu cảng Trung tâm tại Vũng Tàu tiếp nhiên liệu sẵn sàng khi có lệnh. Kết quả hoạt động tìm kiếm cứu nạn thuyền viên tàu cá BV 94571 TS là 12 thuyền viên đã được cứu vớt trên biển, sức khỏe ổn định.Hồi 22h00 ngày 03/02, Trung tâm đã điều động tàu SAR 27-01 cùng bác sĩ của Trung tâm Kiểm dịch Y tế Quốc tế tỉnh Khánh Hòa xuất phát từ Nha Trang hoạt động cứu nạn khẩn cấp 1 thuyền viên của tàu ECHO.GR, quốc tịch Marshall Islands (Họ tên: Daviron Maglacion Musico, Quốc tịch: Phillippines, chức danh: Máy 3) bị đau bụng dưới bên phải, nhiệt độ cơ thể 38,10C, không ăn được, nghi đau ruột thừa. Lúc 23h00 cùng ngày, tàu SAR 27-01 đã tiếp cận tàu ECHO.GR tại vị trí 12-09.47N; 109-15.50E, tiến hành công tác cứu nạn và kiểm dịch Covid-19 đối với thuyền viên bị bệnh. Đến 00h30 ngày 04/02, tàu SAR 27-01 đã đưa thuyền viên bị nạn về đến cảng Nha Trang bàn giao cho các cơ quan chức năng, đại diện chủ tàu. Các lực lượng y tế tiếp tục đưa bệnh nhân đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa cấp cứu.

Trên đây chỉ là 5 trong số hàng trăm vụ tai nạn trên biển mà Trung tâm đã ứng cứu kịp thời, góp phần cứu sống hàng trăm người và cứu nạn được nhiều phương tiện thời gian qua. Điều đáng nói, trong quá trình tổ chức, điều hành hoạt động phối hợp tìm kiếm cứu nạn trên biển, Trung tâm đã khẩn trương áp dụng các giải pháp tình huống cụ thể để nâng cao hiệu quả hoạt động tìm kiếm cứu nạn như tổ chức truy tìm xác tàu đắm; lặn tìm thuyền viên, người bị nạn còn mắc kẹt trong tàu; áp dụng các sáng kiến cải tiến kỹ thuật vào thực tế hoạt động đạt hiệu quả cao, góp phần tích cực vào hiệu quả hoạt động chung của Trung tâm. Thời tiết diễn biến ngày càng phức tạp trong khi hoạt động hàng hải trên vùng biển Việt Nam ngày càng sôi động, lượng tàu thuyền hoạt động trên các tuyến vận tải quốc tế và quốc gia ngày càng lớn, các hoạt động khai thác dầu khí, du lịch dịch vụ, đánh bắt thủy sản phát triển nhanh. Đặc biệt, lực lượng tàu cá hoạt động hết sức phức tạp, gây khó khăn, cản trở cho hoạt động tìm kiếm cứu nạn trên biển. Trong khi đó, cơ sở vật chất, nhân lực của hệ thống tìm kiếm cứu nạn trên biển còn khoảng cách rất xa so với nhu cầu thực tiễn. Trung tâm hiện có 4 trung tâm khu vực, 7 tàu tìm kiếm cứu nạn đóng tại Hải Phòng, Đà Nẵng, Nha Trang và Bà Rịa - Vũng Tàu, chịu trách nhiệm phối hợp tìm kiếm cứu nạn toàn bộ vùng trách nhiệm trên biển Việt Nam với 3.260 km chiều dài bờ biển, vùng biển rộng trên 1 triệu km2.

Công tác tìm kiếm cứu nạn hàng hải có ý nghĩa to lớn mang tính nhân đạo rất cao, bên cạnh đó còn mang ý nghĩa chính trị rất lớn, đó là sự khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Bất cứ khi nào có thông tin cần trợ giúp, cứu nạn trên biển, dù trong điều kiện khắc nghiệt ra sao, lực lượng tìm kiếm cứu nạn hàng hải cũng phải có mặt kịp thời. Đây phải là lực lượng tinh nhuệ nhất, chủ công trong tìm kiếm cứu nạn trên biển, là điểm tựa vững chắc cho ngư dân bám biển, là phao cứu tinh cho các chuyến tàu trong nước và quốc tế.

Ý kiến của bạn

Bình luận