Cục ĐTNĐ đối thoại với các hiệp hội, doanh nghiệp đường thuỷ

Tác giả: Mỹ Lệ

saosaosaosaosao
Xã hội 30/05/2020 08:40

Nhiều ý kiến đề xuất của các doanh nghiệp, hiệp hội đường thuỷ đã được đưa ra nhằm tháo gỡ khó khăn và phát triển Ngành trong tương lai.

 

IMG_4296
Ông Bùi Thiên Thu, Cục trưởng Cục ĐTNĐ Việt Nam chủ trì hội nghị

Ngày 29/5,  Cục Đường thuỷ Việt Nam đã tổ chức Hội nghị đối thoại với các hiệp hội, doanh nghiệp vận tải thuỷ nội địa tại Tp.HCM.

Theo Cục ĐTNĐ cho biết: Vận chuyển hành khách đường thủy nội địa trong năm 2019 đạt 200,6 triệu lượt khách, tăng 5,6 % và 4 tỷ lượt khách, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước. Vận chuyển hàng hóa đường thủy nội địa đường thủy nội địa đạt 303,4 triệu tấn, tăng 5,6 % và 63,4 tỷ tấn, tăng 6,4 % so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên trong 4 tháng đầu năm 2020 vận chuyển hành khách đường thủy nội địa đạt 51,9 triệu lượt khách, giảm 19,1 % và 1,2 tỷ lượt khách, giảm 21,6 % so với cùng kỳ năm trước. Vận chuyển hàng hóa đạt 91,6 triệu tấn, giảm 7,1 % và 19,8 tỷ tấn, giảm 6,6 % so với cùng kỳ năm trước.

Để thúc đẩy phát triển vận tải thủy nội địa, vận tải ven Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đã có văn bản đề nghị các Hiệp hội, Hội chuyên ngành và các Doanh nghiệp kinh doanh vận tải thủy nội địa phối hợp đề xuất các giải pháp thúc đẩy lĩnh vực này phát triển. Đến nay, Cục đã nhận được 81 kiến nghị, đề xuất, trong đó có 07 nhóm các giải pháp được đề xuất, kiến nghị gồm các giải pháp về: thuế, phí, giá, nguồn vốn, về cơ sở hạ tầng, quy hoạch. Đặc biệt là về cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính và các giải pháp khác.

Trong đó, nhóm giải pháp về thuế gồm: áp dụng thuế suất thu nhập doanh nghiệp 10% trong 15 năm (hiện nay là 22 %) đối với doanh nghiệp kinh doanh vận tải container bằng đường thủy. Doanh nghiệp quản lý bảo trì đường thủy nội địa miễn giảm thuế giá trị gia tăng về mức từ 0% đến 5% (hiện nay là 10%). Áp dụng thuế thu nhập cá nhân đối với thuyền viên phương tiện VR - SB, phương tiện vận tải biển nội địa (tương đương mức áp dụng đối với thuyền viên tàu biển hoạt động tuyến quốc tế). Giảm thuế môi trường nhiên liệu dầu DO cho vận tải thủy.

Nhóm giải pháp về phí, gồm: áp dụng chính sách miễn, giảm phí trọng tải, phí bảo đảm hàng hải cho các tàu có GT nhỏ hơn 50.000GT, tàu feeder và sà lan trong thời gian tới để thu hút các phương tiện trung chuyển hàng container tới các cảng biển. Miễn phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển đối với hàng hóa xuất khẩu nhập khẩu được vận chuyển bằng phương tiện thủy nội địa (phí cơ sở hạ tầng).

IMG_4298
Đại diện Cảng Sài Gòn kiến nghị về những bất cập về phí và giá

Nhóm giải pháp về giá, vốn gồm : giảm 25% giá hoa tiêu, lai dắt cho chủ tàu Việt Nam. Có quy định biểu khu giá bốc dỡ và công khai giá bốc dỡ tại các cảng, bến thủy nội địa nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi quy định về giá sàn cho các tuyến vận tải chính. Ưu tiên bổ sung thêm khung giá sàn dịch vụ cho hệ thống ICD và Depot; giảm lãi vay cho các dự án đóng mới sà lan chuyên dùng để vận chuyển container xuống mức 5 % năm . Bố trí vốn sự nghiệp kinh tế cho công tác bảo trì đường thủy nội địa với mức tăng tối thiểu hàng năm bằng 1,3 lần so với nguồn vốn đã bố trí cho năm trước.

Nhóm giải pháp về cơ sở hạ tầng: Về luồng, tuyến: kến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường nhanh chóng quy hoạch nơi đổ bùn lâu dài và Bộ Giao thông vận tải triển khai đấu thầu công khai việc duy tu, nạo vét các tuyến luồng quan trọng (luồng vào cảng khu vực Hải Phòng, Sài Gòn, Vũng Tàu, Hậu Giang ...) theo hướng lâu dài. Nạo vét các điểm cạn khu vực Cao Đại , cửa Dâu .... Mở rộng luồng các khúc ôm cua có cầu đường bộ nhằm đảm bảo an toàn cho phương tiện thủy nội địa hành trình qua công trình cầu…

Trên cơ sở kiến nghị đề xuất của các Hiệp hội, các Doanh nghiệp kinh doanh vận tải, bến thủy nội địa và doanh nghiệp bảo trì đường thủy nội địa… Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đã nghiên cứu tiếp thu vào dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp thúc đẩy phát triển vận tải thủy nội địa vận tải ven biển. Và báo cáo Bộ Giao thông vận tải trình Chính phủ trong tháng 6 năm 2020.

Nội dung trọng tâm chỉ đạo thực hiện các tháng còn lại năm 2020 Cục sẽ tiếp tục rà soát, nghiên cứu, hoàn thiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp thúc đẩy vận tải thủy, vận tải ven biển. Rà soát, nghiên cứu, tham mưu Bộ GTVT trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định thay thế Quyết định số 47/2015/QĐ - TTg ngày 05/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế chính sách khuyến khích phát triển vận tải thủy. Hoàn thiện Quy hoạch Kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 phục vụ phát triển vận tải thủy nội địa. Tăng cường đối thoại với các Hiệp hội, Hội chuyên ngành và doanh nghiệp kinh doanh vận tải thủy nội địa, doanh nghiệp kinh doanh khai thác cảng bến thủy nội địa, để nắm bắt và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thúc đẩy phát triển vận tải thủy nội địa. Nghiên cứu các giải pháp để thúc đẩy phát triển vận tải container bằng đường thủy, nhất là khu vực phía Bắc.

Ý kiến của bạn

Bình luận