Cục CSGT thông tin về quy trình xử lý vi phạm qua hình ảnh, clip

Tác giả: Lê Minh

saosaosaosaosao
Hoạt động Ban ATGT 11/07/2016 19:44

Nghị định này có nhiều điểm mới, đặc biệt là tăng nặng mức xử phạt với một số hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ.


Ngày 26/5, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 46/2016/NĐ - CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, có hiệu lực từ ngày 1/8/2016 thay thế Nghị định số 171/2013/NĐ - CP và Nghị định số 107/2014/NĐ - CP.

Đại diện Cục CSGT – Bộ Công an cho biết, Nghị định này có nhiều điểm mới, đặc biệt quy trình xử lý vi phạm hình chính thông qua việc phát hiện vi phạm hành chính bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ do người dân cung cấp.

Cụ thể: Nghị định 46/2016/NĐ-CP, quy định bổ sung thêm việc người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt được sử dụng kết quả thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ do các tổ chức được giao quản lý, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt cung cấp làm căn cứ để xác định vi phạm hành chính và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt.

Người sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phải được tập huấn về quy trình, thao tác sử dụng, bảo quản phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và các quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính có liên quan.

 Danh mục các phương tiện, thiết bị nghiệp vụ do Chính phủ quy định; phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phải được kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm theo quy định của pháp luật. Như vậy, điểm mới của Nghị định này là mở rộng chủ thể được sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt.

anh thành hâm
Cảnh sát giao thông TP Hà Nội xử phạt lái xe 3 gác vi phạm Luật giao thông đường bộ (ảnh Vũ Thành)

Bên cạnh đó, việc xử phạt vi phạm hành chính thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phải đảm bảo đúng quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Khi có kết quả thu được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính phải nhanh chóng xác định tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính.

Trường hợp xác định được tổ chức, cá nhân vi phạm, người có thẩm quyền phải tiến hành ngay việc lập biên bản vi phạm hành chính và kết quả thu được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được lưu theo biên bản vi phạm hành chính. 

Trường hợp chưa xác định được tổ chức, cá nhân vi phạm thì thời hạn sử dụng kết quả thu được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được áp dụng theo quy định của Điều 6 Luật xử lý vi phạm hành chính; khi hết thời hạn quy định mà không xác định được tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính thì kết quả thu được sẽ không sử dụng để làm căn cứ xử phạt vi phạm hành chính. Kết quả thu được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phải được bảo quản chặt chẽ theo chế độ hồ sơ.

Đại diện Cục CSGT đồng thời nhấn mạnh, đối với những hình ảnh, video clip phản ánh vi phạm TTATGT của người dân do quay, chụp được khi tham gia giao thông cung cấp cho người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính. Điểm mới này sẽ căn cứ theo điều 14, Luật xử lý vi phạm hành chính quy định: cá nhân, tổ chức có trách nhiệm phát hiện, tố cáo và đấu tranh phòng, chống vi phạm hành chính.

Như vậy, việc phát hiện, tố cáo vi phạm hành chính là một nội dung, còn việc xử phạt phải thực hiện theo đúng quy trình, quy định chặt chẽ của pháp luật để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức liên quan. 

Ý kiến của bạn

Bình luận