CSGT dùng ống thổi một lần khi đo nồng độ cồn

Giao thông 24h 04/02/2020 09:21

Cục CSGT yêu cầu mỗi ống thổi đo nồng độ cồn chỉ sử dụng một lần, sau đó thu gom và xử lý theo quy định của Bộ Y tế.

 

do-nong-do-con-2-6888-15785584-9579-3867-158063318
CSGT Hà Nội kiểm tra nồng độ cồn ở Hà Nội. Ảnh: Ngọc Thành.

Thượng tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông (Cục CSGT, Bộ Công an), cho biết nội dung trên được nêu rõ trong công điện của lãnh đạo Cục gửi các đơn vị trên toàn quốc.

Theo ông Nhật, công điện nhằm yêu cầu lực lượng CSGT thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Ban bí thư, Thủ tướng... và khuyến cáo của Bộ Y tế trong việc phòng, chống dịch viêm phổi cấp do nCoV.

Trong quá trình kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn đối với tài xế, CSGT phải tuân thủ theo khuyến cáo của Bộ Y tế, đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông và cán bộ thi hành công vụ; vệ sinh tiệt trùng cho thiết bị đo.

Thượng tá Nhật giải thích thêm, trước đây CSGT tuân thủ hai bước khi kiểm tra nồng độ cồn là định tính và định lượng. Ở bước định tính, các tài xế sẽ cùng thổi vào một phễu ở đầu máy đo nồng độ cồn, tuy nhiên lái xe không phải ngậm vào phễu mà thổi ở một khoảng cách nhất định, trong trường hợp máy đo báo có cồn, cảnh sát mới tiếp tục dùng ống thổi ngậm một lần để xác định người vi phạm ở mức bao nhiêu (định lượng).

"Với công điện nêu trên, CSGT sẽ chỉ dùng ống thổi định lượng một lần và được tiệt trùng trước khi đưa vào sử dụng. Cảnh sát khi làm nhiệm vụ phải đeo khẩu trang để đảm bảo an toàn", thượng tá Nhật nói.

Ngoài ra, Cục CSGT cũng yêu cầu lực lượng chức năng trên toàn quốc kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp chở người nhập cảnh, vận chuyển động vật hoang dã trái phép.

Trước đó, ông Nguyễn Trọng Khoa, Cục phó Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y Tế) đưa ra khuyến cáo "ống thổi nồng độ cồn phải dùng một lần để tránh lây nhiễm bệnh truyền nhiễm có liên quan đến hô hấp, tiêu hóa, trong đó có virus corona".

Việc đo nồng độ cồn đối với người tham gia giao thông đang được triển khai trên toàn quốc. Theo Nghị định 100/2019, từ ngày 1/1 mức xử phạt cao nhất đối với người vi phạm đi xe đạp lên tới 800.000 đồng; người đi xe máy 8 triệu đồng và tài xế ôtô 40 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 22 - 24 tháng.

Ý kiến của bạn

Bình luận