Công ước SAR 79 với tàu cá đánh bắt xa bờ

Tác giả: PV

saosaosaosaosao
01/10/2017 06:38

Việt Nam là một quốc gia có đường bờ biển dài trên 3.260km và hơn 01 triệu km2 mặt biển, với đội tàu khai thác, đánh bắt thủy sản khoảng 125.000 chiếc, trong đó có 25.000 tàu đánh bắt xa bờ, số lao động trực tiếp hơn 01 triệu người hoạt động tại các ngư trường.

 

tim kiem cuu nan 2)1
 

Những năm gần đây, với diễn biến thời tiết trên biển bất thường, khó dự báo như: Đường đi của bão, áp thấp nhiệt đới phức tạp, cường độ ngày càng cao, mật độ sương mù dày đặc… làm ảnh hưởng tới hoạt động hàng hải nói chung và các hoạt động của tàu thuyền khai thác thủy sản xa bờ nói riêng, nguy cơ các tàu thuyền xảy ra sự cố hỏng hóc, tai nạn trên biển cao. Do đó, Tổ chức Hàng hải quốc tế đã đưa ra công ước về việc tìm kiếm cứu nạn trên biển (Công ước SAR79) nhằm hỗ trợ các phương tiện bị nạn trên biển. Công ước quy định rất rõ về trách nhiệm, nghĩa vụ của các quốc gia có biển phải tiến hành các hoạt động tìm kiếm, cứu nạn trong vùng biển thuộc trách nhiệm của mình.

Hàng năm, lực lượng tìm kiếm cứu nạn đã thu nhận và xử lý hàng trăm vụ việc liên quan đến tai nạn, sự cố trên biển, cứu và hỗ trợ hàng trăm lượt người, tàu thuyền trong và ngoài nước, bao gồm tàu cá, tàu vận tải và các loại phương tiện giao thông khác gặp nạn trên vùng biển trách nhiệm của Việt Nam. Tuy nhiên, số lượng vụ tai nạn, sự cố trên biển này tập trung chủ yếu vào đối tượng tàu cá.

Trong khi đó, ngư trường hoạt động của tàu cá Việt Nam rất rộng (từ phía Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa đến phía Nam biển Đông tiếp giáp với Indonesia, Malaysia, Bruney...), thời gian hoạt động hầu như thường xuyên, bất chấp điều kiện về thời tiết trên biển. Nhiều trường hợp tai nạn, sự cố trên biển, phương tiện của lực lượng tìm kiếm cứu nạn (tàu chuyên dụng tìm kiếm, cứu nạn và máy bay cứu hộ…) không đáp ứng yêu cầu ứng phó kịp thời. Vì vậy, để giảm thiểu mức độ thiệt hại về người và phương tiện, đòi hỏi người sử dụng phương tiện đánh bắt thủy hải sản xa bờ cần phải hiểu và nắm vững các quy định sau:

- Tàu cá không được khai thác cũng như neo đậu trong các tuyến hàng hải quốc tế do mật độ các tàu thuyền vận tải trên tuyến hàng hải này qua lại rất đông nên rất dễ xảy ra tai nạn.

- Tàu thuyền nên hoạt động theo từng cặp, theo tổ đội để có thể hỗ trợ nhau kịp thời khi có sự cố, tai nạn xảy ra. Tuy nhiên, để đảm bảo cho việc hỗ trợ kịp thời tàu cá bị nạn trên biển, các tàu phải luôn trực canh trên tần số 7903 kHz. Đây là kênh tần số trực canh hỗ trợ thông tin cấp cứu, khẩn cấp trên biển dành riêng cho tàu cá của Đài Thông tin Duyên hải Việt Nam.

Việc các tàu cá trực canh liên tục trên tần số 7903 kHz sẽ giúp cho nhiều tàu cá khác đang hoạt động gần tàu bị nạn có thể đến hỗ trợ nhanh chóng, kịp thời trước khi đội tàu hỗ trợ tìm kiếm cứu nạn của các cơ quan chức năng đến. Do đó, người và phương tiện đánh bắt thủy hải sản ở những ngư trường xa bờ sẽ giảm thiểu được những nguy cơ, tổn thất không đáng có khi xảy ra tai nạn.

 Bên cạnh đó, việc thường xuyên lắng nghe các bản tin dự báo thời tiết biển, cảnh báo thiên tai của Hệ thống Đài Thông tin Duyên hải Việt Nam sẽ giúp cho tàu thuyền đánh bắt xa bờ có thể phòng tránh được những thiên tai xảy ra trên biển. Hiện nay, hệ thống Đài Thông tin Duyên hải Việt Nam phát liên tục các bản tin này để bà con ngư dân có thể nắm bắt được thông tin thời tiết tại các ngư trường đánh bắt. Nếu tàu thuyền không nghe được bản tin dự báo thời tiết biển, cảnh báo thiên tai thì tàu thuyền hãy gọi về đài duyên hải gần nhất để nghe lại bản tin.

Cùng với tăng cường về lực lượng, các phương tiện tìm kiếm cứu nạn của các đơn vị trên bờ cần đảm bảo hoạt động tìm kiếm cứu nạn trên biển theo công ước quốc tế; các phương tiện đánh bắt xa bờ cần phải chủ động phòng tránh, nhằm giảm thiểu các tai nạn khi hoạt động khai thác hải sản trên biển, giảm nhẹ các tổn thất về người và tài sản, an tâm bám biển

Ý kiến của bạn

Bình luận