Công suất khai thác cầu hành khách tại CHK, nhân tố ảnh hưởng và giải pháp nâng cao

15/01/2016 05:53

Bài báo trình bày một số nét chung nhất về cầu hành khách tại cảng hàng không, là một trong những trang thiết bị quan trọng phục vụ hành khách hàng không qua cảng.


PGS. TS. Nguyễn Thị Phương

Trường Đại học Giao thông vận tải

Người phản biện:

PGS. TS. Từ Sỹ Sùa

Tóm tắt: Bài báo trình bày một số nét chung nhất về cầu hành khách tại cảng hàng không, là một trong những trang thiết bị quan trọng phục vụ hành khách hàng không qua cảng. Bài báo phân tích làm rõ những nhân tố ảnh hưởng đến công suất khai thác các cầu hành khách tại cảng, qua đó đề xuất một số giải pháp chính để tăng công suất khai thác cầu hành khách tại cảng, nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải hàng không đang tăng lên tại các cảng hàng không.

Từ khóa: Công suất khai thác, cầu hành khách, nhân tố ảnh hưởng, giải pháp nâng cao.

Abstract: This article represents the overview of the passenger boarding bridge at airport, which is one of important equipments to serve passengers at airport. The article also analyses to find out factors influenting on capacity of the passenger boarding bridge at airport. Base on the findings,  solutions are proposed to meet demand of air transport which is growing up at airport.

Keywords: Capacity, passenger boarding bridge, factors affecting, solution for improving.

1. Đặt vấn đề

Trong xu thế phát triển và hội nhập kinh tế thế giới của các quốc gia nói chung và của Việt Nam nói riêng, lưu lượng các chuyến bay và hành khách qua các sân bay quốc tế gia tăng đáng kể. Điều này đòi hỏi sự phát triển cơ sở hạ tầng hàng không, trong đó có các cảng hàng không. Trên thực tế, việc đầu tư thêm các trang thiết bị, bao gồm các cầu hành khách sẽ bị giới hạn bởi giới hạn về quỹ đất tại các cảng hàng không, đặc biệt tại các khu vực nhà ga đã được thiết lập, mặt khác kinh phí đầu tư và lắp đặt cho một cầu hành khách trong khoảng 450.000$ đến 1.100.000$, tùy thuộc vào loại cầu hành khách, đây là khoản tiền không nhỏ. Trước những thách thức này đòi hỏi các cảng hàng không cần làm rõ những nhân tố tác động đến công suất khai thác cầu hành khách, trên cơ sở đó tìm giải pháp để nâng cao hơn, đáp ứng phần nào nhu cầu gia tăng của lưu lượng máy bay qua cảng hàng không.

2. Nội dung

2.1. Tổng quan về cầu hành khách

2.1.1. Khái niệm

Cầu hành khách được xem như một thiết bị dùng để liên kết giữa cửa ra máy bay (gate) của nhà ga hành khách với cửa vào của máy bay và ngược lại.

2.2.2. Chức năng của cầu hành khách

Dẫn khách đi trên các chuyến bay từ cửa ra máy bay của ga hành khách đến cửa đón khách của máy bay và ngược lại, trong điều kiện môi trường thuận lợi, không bị ảnh hưởng của thời tiết, khí hậu

2.2.3. Phân loại cầu hành khách

* Theo số lượng cửa ra, vào máy bay:

hinh212223

 

- Cầu hành khách 1 cửa ra, vào máy bay (Hình 2.1a).

- Cầu hành khách 2 cửa ra, vào máy bay (Hình 2.1b).

- Cầu hành khách 3 cửa ra, vào máy bay (Hình 2.1c).

* Theo vật liệu bao phủ xung quanh:

- Cầu được bao phủ bởi vật liệu thủy tinh.

- Cầu được bao phủ bởi vật liệu kim loại.

* Theo nguồn năng lượng vận hành thiết bị:

- Cầu sử dụng nguồn năng lượng điện.

- Cầu sử dụng nguồn năng lượng thủy lực.

2.2.4. Công suất khai thác cầu hành khách

* Khái niệm

Là đại lượng xác định số lượng máy bay bình quân được phục vụ bởi các cầu hành khách được trang bị tại cảng hàng không trong một đơn vị thời gian với điều kiện khai thác nhất định. Thông thường công suất được xác định trong một giờ khai thác, trên cơ sở đó xác định công suất ngày và công suất năm.

* Ý nghĩa của chỉ tiêu công suất khai thác cầu hành khách

- Chỉ tiêu là cơ sở đánh giá năng lực phục vụ các chuyến bay qua cảng.

- Thông qua chỉ tiêu này, nhà chức trách hàng không có thể đưa ra giới hạn khai thác nhằm tránh sự ùn tắc có thể xảy ra tại các khu vực chức năng, đặc biệt khu vực sân đỗ và nhà ga hành khách.

- Thông qua chỉ tiêu là cơ sở để nhà quản lý và khai thác cảng có chính sách điều phối slot hoặc đưa ra chính sách khai thác hợp lý nhằm khai thác tối ưu các cầu hành khách và nâng cao chất lượng phục vụ hành khách qua cảng hàng không.

- Chỉ tiêu được sử dụng để xác định số lượng cầu hành khách cần đầu tư dựa vào dự báo lưu lượng chuyến bay qua cảng.

* Cách xác định

1) Nguyên lý xác định công suất khai thác cầu hành khách

Tổng nhu cầu thời gian sử dụng cầu hành khách của các loại máy bay không lớn hơn tổng thời gian cung ứng của cảng.

ct1

 

 

 

 

* Trường hợp 1: Các cầu hành khách của cảng được sử dụng cho tất cả các loại máy bay, hoặc cho tất cả các hãng hàng không có chuyến bay qua cảng.

Trong đó:

Cg - Công suất khai thác cầu hành khách, phản ánh số máy bay được phục vụ trong một giờ tại cảng;

µ - Hệ số sử dụng cầu hành khách, phản ánh tỷ lệ phần trăm thời gian các máy bay chiếm dùng cầu hành khách bình quân trong một giờ. Hệ số này phụ thuộc xác suất xuất hiện các chuyến bay đến cảng;

N - Tổng số cầu hành khách của cảng;

ETg - Tổng thời gian sử dụng cầu hành khách của các loại máy bay i (loại máy bay công suất hạng nặng, hạng trung và hạng nhẹ), tổng thời gian này được tính theo phút;

Mi - % loại MBi trong tổng số các máy bay sử dụng cầu hành khách ở sân bay;

Tgi - Thời gian cần thiết cho loại MBi sử dụng cầu hành khách ở sân bay (phút).

*Trường hợp 2:Trong trường hợp, cảng hàng không có một số cầu hành khách chỉ phục vụ giới hạn đối với một hoặc một số loại máy bay, hoặc chỉ cho một hay một số hãng hàng không nhất định sử dụng. Khi đó  công suất khai thác cầu hành khách sẽ được xác định như sau:

ct2

 

 

 

 

Trong đó:

Nk - Tổng số cầu hành khách loại K của cảng phục vụ giới hạn loại máy bay hoặc hãng hàng không;

E(Tg)K - Tổng thời gian sử dụng cầu hành khách loại K cho các loại máy bay i (loại máy bay công suất hạng nặng, hạng trung và hạng nhẹ);

Mik - % loại MBi trong tổng số các máy bay sử dụng cầu hành khách loại K ở sân bay;

Tgik - Thời gian cần thiết cho loại MBi sử dụng cầu hành khách loại K ở sân bay.

Trong trường hợp này công suất khai thác cầu hành khách của cảng hàng không được xác định:

Cg = min(Cgk)

2) Ví dụ vận dụng

* Trường hợp 1:

Một cảng hàng không có 10 cầu hành khách cho phép khai thác tất cả các loại máy bay, cho rằng hệ số sử dụng cầu đạt 0,9. Trong giờ cao điểm, có:

- 30% loại máy bay A, thời gian chiếm dùng cầu hành khách là 60 phút;

- 50% loại máy bay B, thời gian chiếm dùng cầu hành khách là 45 phút;

- 20% loại máy bay C, thời gian chiếm dùng cầu hành khách là 30 phút.

Trong trường hợp này công suất khai thác cầu hành khách được tính như sau:

ct4

 

 

 * Trường hợp 2:

Cho rằng trong 10 cầu hành khách trên, có 5 cầu có thể phục vụ cho bất cứ loại máy bay nào, 3 cầu không thể phục vụ loại máy bay A, 2 cầu chỉ  phục vụ loại máy bay C. Cho rằng vào giờ cao điểm tỷ lệ các loại máy bay đến sân bay tương tự như trường hợp trên.

 Như vậy:

ct5

 

 

 

 

 

 

 

 

 Với kết quả này, tổng nhu cầu thời gian sử dụng cầu hành khách của các loại máy bay đến cảng đã thỏa mãn yêu cầu không lớn hơn tổng thời gian cung ứng cầu hành khách của cảng:

* Kết luận: Như vậy, trường hợp có sự phân cấp khả năng cung ứng cầu hành khách (trường hợp 2), công suất khai thác cầu bị giảm đi.

2.2. Các nhân tố ảnh hưởng đến công suất khai thác cầu hành khách

Từ công thức xác định công suất khai thác cầu hành khách phụ thuộc vào một số nhân tố sau:

2.2.1. Nhân tố khách quan

- Mức độ pha tạp giữa các loại máy bay qua cảng hàng không: Tại mỗi cảng, trong một khoảng thời gian nhất định, sẽ có một số máy bay đi và máy bay đến, các máy bay đó sẽ bao gồm các loại công suất khác nhau (thân rộng, thân hẹp, thân trung bình), mỗi loại này có nhu cầu khác nhau về thời gian chiếm dụng cầu hành khách. Các máy bay công suất lớn sẽ cần nhiều thời gian chiếm dùng cầu hành khách hơn so với máy bay thân hẹp.

- Điều kiện thời tiết, khí hậu tại cảng hàng không: Trong điều kiện thời tiết, khí hậu thuận lợi, các máy bay sẽ hạ cánh và cất cánh đúng với thời gian dự kiến, không xuất hiện hiện tượng cầu hành khách chờ máy bay đến, hoặc máy bay chờ tại cầu đến thời điểm thuận lợi để cất cánh.

- Các yêu cầu về kiểm soát tác động môi trường của nhà chức trách tại địa bàn cảng: Do các máy bay trong quá trình hoạt động tại cảng đã gây ô nhiễm tiếng ồn, tác động trực tiếp đến điều kiện sinh hoạt của dân cư sinh sống lân cận khu vực cảng hàng không, nên nhà chức trách cảng có thể đưa ra yêu cầu giới hạn thời gian khai thác của cảng trong ngày. Khi đó, công suất khai thác cầu trong ngày và trong năm sẽ giảm đi.

- Sự phát triển công nghệ chế tạo máy bay: Cùng với sự phát triển chung của khoa học kỹ thuật và của nền kinh tế, các hãng chế tạo máy bay cho ra đời các loại máy bay có công suất chuyên chở ngày càng lớn hơn, khi đó nhu cầu thời gian chiếm dùng cầu hành khách sẽ lớn hơn.

2.2.2. Nhân tố chủ quan

- Khả năng cung ứng cầu hành khách của cảng: Tại mỗi cảng hàng không, tùy theo vai trò, vị trí của cảng và mức đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật của cảng khác nhau, số lượng và chủng loại cầu hành khách được cung ứng để phục vụ các chuyến bay qua cảng có sự khác nhau. Với số lượng cầu hành khách cung ứng bị hạn chế không chỉ số lượng, còn bao gồm giới hạn về khả năng phục vụ loại máy bay (thân rộng, hẹp, trung bình), sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến giới hạn cung ứng các loại cầu hành khách khác nhau của cảng.

- Chính sách khai thác cầu hành khách của cảng: Trên thực tế tại nhiều cảng hàng không trên thế giới, nhà quản lý và khai thác cảng đưa ra chính sách khai thác “sử dụng chung” một số cơ sở vật chất kỹ thuật của cảng trong đó có cầu hành khách. Trong trường hợp này, không có sự phân biệt, các máy bay của các hãng hàng không có chuyến bay qua cảng đều có quyền để được điều phối slots tại cảng. Tuy  nhiên, cũng có cảng hàng không đưa ra chính sách sử dụng độc quyền hoặc liên doanh để khai thác một số cầu hành khách của cảng. Trong trường hợp này ảnh hưởng trực tiếp đến hệ số sử dụng cầu hành khách.

- Tính hợp lý và tối ưu của qui trình phục vụ kỹ thuật sân đỗ: Khi các máy bay đến cảng, sau khi rời khỏi đường băng, đường lăn, các máy bay sẽ vào sân đỗ và tiếp cận cầu hành khách và bắt đầu thực hiện qui trình phục vụ kỹ thuật của máy bay để trả hành khách và đón hành khách của chuyến bay tiếp theo. Các hoạt động phục vụ kỹ thuật sân đỗ đòi hỏi một khoảng thời gian nhất định để thực hiện các công việc (trả khách; trả hành lý; làm vệ sinh máy bay; cung ứng  thực phẩm, đồ uống; cung ứng nhiên liệu...). Thông thường, mỗi loại máy bay sẽ có một qui trình để thực hiện các hoạt động này, với một qui trình được thiết lập khoa học và hợp lý, cho phép sự kết hợp đồng thời một số hoạt động. Điều này không chỉ đảm bảo yêu cầu về an toàn mà còn góp phần giảm bớt thời gian cần thiết để thực hiện toàn bộ qui trình, giảm bớt thời gian cần thiết chiếm dùng cầu hành khách.

- Khả năng đáp ứng nhu cầu phục vụ các chuyến bay qua cảng tại các khu vực chức năng của cảng (khu cất và hạ cánh, khu vực nhà ga, khu vực thủ tục…). Tại nhiều cảng hàng không, sự quá tải tại một số khu vực chức năng, đặc biệt vào lúc cao điểm (đường cất hạ cánh, khu làm thủ tục…) do số lượng chuyến bay và lượng hành khách qua cảng quá đông, để đảm bảo chất lượng dịch vụ tại cảng, nhà chức trách sẽ phải đưa ra giới hạn khai thác. Điều này sẽ ảnh hưởng đến khả năng cung ứng năng lực phục vụ của cầu hành khách, do đó ảnh hưởng đến công suất khai thác cầu hành khách.

2.3. Các giải pháp nâng cao công suất khai thác cầu hành khách

Từ phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến công suất khai thác cầu hành khách ở phần trên, có thể có một số giải pháp nâng cao công suất như sau:

- Đầu tư phát triển hệ thống cầu hành khách: Trong trường hợp cấu hình nhà ga hành khách được thiết kế theo tuyến thẳng, sẽ thuận lợi để lắp đặt thêm cầu hành khách. Các cảng hàng không cũng có thể phát triển thêm các công trình nhà ga, khi đó sẽ tăng thêm số lượng cầu hành khách. Đối với các cảng hàng không quốc tế, xu thế phát triển các loại máy bay hạng trung và hạng nặng, các cảng hàng không nên phát triển cầu hành khách có khả năng tiếp nhận các loại máy bay đó.

- Xây dựng chính sách khai thác cầu hành khách hợp lý: Đối với các cảng hàng không có lưu lượng máy bay qua cảng lớn, tỷ trọng số chuyến bay của cách hãng hàng không qua cảng không quá chênh lệch, các cảng nên áp dụng chính sách sử dụng chung, khi đó hệ số sử dụng cầu hành khách sẽ cao hơn.

- Linh hoạt trong công tác điều phối slot: Điều phối slot là việc sắp xếp bố trí các máy bay đến cảng vào các cầu hành khách để trả và đón khách. Việc điều phối được thực hiện trên cơ sở kế hoạch bay của các hãng hàng không, kết hợp chính sách khai thác sử dụng cầu hành khách. Trên thực tế, do những lý do khác nhau kế hoạch bay của các hãng hàng không sẽ có những thay đổi (thay đổi thời gia cất hạ cánh, hủy chuyến bay, đổi máy bay có công suất lớn hơn hoặc nhỏ hơn…). Hoặc vào dịp lễ tết, nhu cầu vận chuyển tăng lên, các hãng hàng không có thể xin tăng chuyến bay để phục vụ hành khách. Trong các trường hợp như vậy, các cảng hàng không cần linh hoạt để bố trí sắp xếp các máy bay vào cầu trên nguyên tắc sử dụng tối đa các cầu hiện có và tăng hệ số sử dụng cầu.

- Hợp lý hóa qui trình phục vụ kỹ thuật sân đỗ: Khu vực sân đỗ là nơi máy bay đỗ, tiếp cận với cầu hành khách. Tại đây có rất nhiều hoạt động diễn ra để trả khách cũng như thực hiện các hoạt động kỹ thuật cần thiết cho máy bay, phục vụ chuyến bay tiếp theo (xếp, dỡ  hành lý, tiếp nhiên liệu, làm vệ sinh máy bay, cung ứng suất ăn, nước sạch, tiếp khí lạnh… (Hình 2.2).

hinh22
Hình 2.2: Hình ảnh máy bay đang được phục vụ kỹ thuật tại sân đỗ

Mỗi loại máy bay khi thực hiện qui trình này sẽ tuân theo trật tự các hoạt động một cách liên tục hoặc đồng thời. Với mục tiêu tối thiểu hóa tổng thời gian phục vụ kỹ thuật tại sân đỗ, các cảng xây dựng các qui trình với trật tự các hoạt động, trên nguyên tắc đảm bảo an toàn, tránh va trạm, hỏa hoạn và tối thiểu hóa về thời gian phục vụ. Điều này góp phần làm giảm thời gian chiếm dùng cầu hành khách, đó là cơ sở để tăng công suất khai thác sử dụng dụng cầu.

- Phối hợp nhịp nhàng các bên liên quan trong dây chuyền phục vụ hành khách: Mỗi chuyến bay qua cảng, đặc biệt là chuyến bay quốc tế, cần phải qua rất nhiều thủ tục hàng không (check in, xuất nhập cảnh, kiểm tra hải quan, y tế kiểm dịch, kiểm tra an ninh, kiểm tra kỹ thuật máy bay). Mặc dù các thủ tục này được diễn ra tại khu vực nhà ga hoặc tại sân đỗ và trước khi chuyến bay xuất phát, các thủ tục được thực hiện một cách độc lập, nhưng tuân theo qui trình đã được các cảng xây dựng, do đó giữa các bên liên quan trong qui trình phục vụ (hãng hàng không, cơ quan hải quan, cơ quan xuất nhập cảnh, bộ phận soi chiếu an ninh, bộ phận kiểm tra kỹ thuật máy bay) cần có sự phối hợp cung cấp thông tin cần thiết cho nhau, có thể phối hợp cùng xử lý những trường hợp bất thường, trên cơ sở đó giảm thời gian gián đoạn, chờ đợi giữa các hoạt động, tránh hiện tượng máy bay phải chờ đợi tại cầu do các thủ tục chuyến bay chưa kết thúc.

3. Kết luận

Hoạt động vận tải bằng đường hàng không ngày càng trở nên thân thiện với mọi ngườu dân, sự hội nhập kinh tế trên thế giới đã kéo theo nhu cầu đi lại của người dân ngày càng tăng (du lịch, học tập, đầu tư, thăm thân...). Điều đó cho thấy nhu cầu gia tăng các chuyến bay qua cảng, do đó các cảng hàng không nói chung, đặc biệt các cảng hàng không vốn đã là các cảng hành không tấp nập, nhộn nhịp (busy airport) cần tìm ra các giải pháp nâng cao công suất khai thác các cơ sở vật chất của cảng, bao gồm công suất khai thác cầu hành khách để đáp ứng nhu cầu phát triển của vận tải hàng không. Để có giải pháp hữu hiệu, các cảng cần nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến công suất khai thác cầu hành khách tại cảng mình, để đưa ra giải pháp cụ thể o

Tài liệu tham khảo

[1]. Robert Horonjeff, Francis, Mckelvey (1993), Planning and Design of airport.

[2]. Alexander T.Wells. (1992), Airport Planning& Management.

[3]. http://www.airportimprovement.com/content/story.php?article=00166.

Ý kiến của bạn

Bình luận