Công khai biểu cước trên mạng để tránh thu phụ phí "vô tội vạ"

Doanh nghiệp 10/09/2015 11:02

Bộ GTVT vừa chính thức đề xuất giải pháp cho tình trạng các hãng tàu thu phụ phí “vô tội vạ” với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Việt Nam…

 

phụ phí vận tải biển
Nhiều khoản phụ phí vận tải biển được cho là chưa minh bạch-Ảnh minh họa

Theo các khảo sát, chi phí cho các hãng tàu đang là chi phí nặng nhất cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Việt Nam, nhưng nhiều khoản trong số đó được coi là tùy tiện, vô căn cứ, chưa minh bạch và bất hợp lý.

Khoản chi nặng nhất

Theo nhóm chuyên gia tư vấn về hải quan của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), chi phí cho các hãng tàu lên đến 5-6 triệu đồng mỗi container hàng nhập khẩu của Việt Nam, chiếm khoảng 50% tổng chi phí chính thức.

Còn theo báo cáo mới đây của Bộ Tài chính gửi Thủ tướng Chính phủ về thực trạng cước, phí vận tải biển, các hãng tàu đang thu của các doanh nghiệp xuất khẩu gần 70 loại phụ phí các loại. Trung bình mỗi hãng thu khoảng 14, 15 loại, cá biệt có công ty thu tới 47 loại.

Tính trong năm 2013 và 2014, tổng số tiền thu cước vận tải biển và phụ phí theo cước vận tải biển là hơn 77 nghìn tỷ đồng. Trong đó, các loại phụ phí khoảng 26 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng lớn nhất là phí dịch vụ xếp dỡ container 13 nghìn tỷ đồng, phụ phí xăng dầu EBS/BUC/FRC gần 5,5 nghìn tỷ đồng, phí lưu bãi container gần 1,6 nghìn tỷ đồng…

Tại Nghị quyết số 19/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Chính phủ đã yêu cầu Bộ GTVT chủ trì, thực hiện các giải pháp hợp lý kiểm soát việc thu phụ phí của các hãng tàu, ngăn chặn việc các hãng tàu áp đặt các loại phí một cách tuỳ tiện. Phối hợp với Bộ Tài chính xem xét sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, bảo đảm công khai minh bạch về cước và phụ cước.

Đầu tháng 8 vừa qua, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng đã có ý kiến về các giải pháp quản lý cước vận tải biển và phụ phí theo cước vận tải biển.

Thực hiện các yêu cầu này, Bộ GTVT đã xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc công bố biểu cước vận tải biển, biểu giá dịch vụ cảng. Dự thảo vừa được Bộ này lấy ý kiến các cơ quan liên quan.

Vì sao doanh nghiệp bức xúc?

Trong tờ trình về dự thảo Quyết định, Bộ GTVT cũng chỉ ra nhiều loại phụ cước được thu bất hợp lý, có loại ở mức rất cao, như phụ cước vệ sinh container (2,5 triệu đồng/cont), phụ cước mất cân đối container (50-100 USD/cont, phụ cước sửa chữa vỏ container, phụ cước tắc nghẽn hàng hoá tại cảng…

Theo Bộ GTVT, trong quá trình thu các loại phụ cước của hãng tàu nước ngoài, đã nảy sinh một số bất cập gây bức xúc cho chủ hàng hóa xuất nhập khẩu, như không có sự đồng thuận giữa hãng tàu và chủ hàng Việt Nam, chủ tàu đơn phương áp đặt ra các loại phụ cước.

Các loại phụ cước này cũng không được đăng ký với một cơ quan chức năng nào tại Việt Nam; không thông báo trước trong một khoảng thời gian nhất định và không công khai, minh bạch, một số các loại phụ cước không rõ ràng và hợp lý, khó hiểu đối với các chủ hàng Việt Nam…Trong khi đó, do năng lực vận chuyển của đội tàu biển Việt Nam chưa đủ, các chủ hàng Việt Nam thường sử dụng hình thức mua CIF, bán FOB nên quyền thuê phương tiện và đàm phán hợp đồng vận chuyển, thanh toán cước phí vận chuyển chủ yếu phụ thuộc vào đối tác nước ngoài. Các chủ hàng Việt Nam không có sự lựa chọn và phải chấp nhận sự áp đặt việc thu phụ cước của các hãng tàu nước ngoài, trong khi Hiệp hội chủ hàng chưa phát huy được đúng vai trò là thay mặt cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, ngành hàng để đàm phán với các hãng tàu.

Trong tờ trình, Bộ GTVT dẫn Bộ luật Hàng hải Việt Nam năm 2005, theo đó cước vận chuyển do người thuê vận chuyển và người vận chuyển tự thỏa thuận theo hợp đồng. Còn theo Luật Giá năm 2013, giá cước vận tải biển, các loại phụ cước không thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ nhà nước định giá; hãng tàu đưa ra các biểu giá dựa trên các tính toán chi phí của hãng tàu và mức giá thị trường tương đương.

Theo Nghị định số 177/2013/NĐ-CP thì phụ cước không thuộc danh mục phải đăng ký, kê khai niêm yết nên các hãng tàu thông qua đại lý thu phụ cước mà không có sự thỏa thuận của chủ hàng Việt Nam...

Do đó, theo Bộ GTVT, việc ban hành Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc công bố biểu cước vận tải biển, biểu giá dịch vụ cảng là cần thiết. Điều này nhằm mục tiêu bảo đảm tính công khai minh bạch đối với việc thực hiện các quy định về giá, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vận tải biển, cảng, xuất nhập khẩu cạnh tranh lành mạnh, hỗ trợ nhau cùng phát triển, đồng thời nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về giá.

Chấm dứt tình trạng nhập nhèm

Dự thảo quy định, doanh nghiệp vận tải biển, doanh nghiệp cảng thực hiện công khai thông tin về biểu cước vận tải biển trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp. Riêng doanh nghiệp vận tải biển còn phải công khai thông tin trên cả trang thông tin điện tử của Cục Hàng hải Việt Nam.

Dự thảo chỉ rõ những nội dung về biểu cước vận tải biển mà doanh nghiệp phải công bố.

Đặc biệt, dự thảo cũng quy định cụ thể về danh mục cước và các loại phụ cước vận tải biển. Theo đó, phụ cước bao gồm: Phụ cước nhiên liệu; phụ cước thao tác công-te-nơ tại cảng (THC); phụ cước biến động tiền tệ và các loại phụ cước khác (nếu có).

Ngoài ra, dự thảo cũng quy định danh mục giá dịch vụ liên quan tại Việt Nam bao gồm 14 loại, và danh mục giá dịch vụ phát sinh tại nước ngoài gồm 5 loại.

Về trách nhiệm của các bộ ngành, dự thảo giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, ngành có liên quan sửa đổi, bổ sung quy định của pháp luật đối với hành vi vi phạm các quy định về công bố biểu cước vận tải biển, biểu giá dịch vụ cảng.

Bộ Công Thương thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về cạnh tranh, hạn chế và giảm thiểu tình trạng lạm dụng vị thế, liên kết để định giá cước và phụ cước, giá dịch vụ, áp đặt giá gây thiệt hại đến lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ vận tải biển và dịch vụ bến, cảng.

Ý kiến của bạn

Bình luận