Công chúa Korean Air mở chiến dịch lật đổ em trai CEO như thế nào?

Tác giả: Zing

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 08/03/2020 19:09

Cho Hyun-ah, con gái cố Chủ tịch Korean Air Cho Yang-ho, lập một liên minh nhằm đẩy người em trai Cho Won-tae ra khỏi chiếc ghế quyền lực ở tập đoàn mẹ Hanjin Group.

congchua
"Công chúa" Korean Air Heather Cho xin lỗi công khai sau vụ bê bối ở sân bay New York hồi năm 2014. Ảnh: Washington Post.

Tháng 12/2014, Phó chủ tịch Korean Air Cho Hyun-ah, còn được biết đến với cái tên Heather Cho, gây xôn xao dư luận khi đuổi cổ tiếp viên trưởng và một tiếp viên chuyến bay của Korean Air từ New York (Mỹ) về Seoul (Hàn Quốc) vì phục vụ món hạt mắc ca trong gói thay vì trên đĩa.

Hành động lớn lối của Heather Cho khiến chuyến bay trễ 20 phút. Dư luận Hàn Quốc phản ứng dữ dội, "công chúa Korea Air" sau đó phải từ chức và bị xử tù 12 tháng vì tội vi phạm các quy định an toàn hàng không.

Giờ một lần nữa cái tên Heather Cho trở thành tâm điểm của báo chí Hàn Quốc với chiến dịch tấn công người em trai Cho Won-tae (Walter Cho), đương kim Chủ tịch và CEO của Hanjin Group và Korean Air nhằm giành quyền kiểm soát chaebol có tuổi đời 75 năm.

Liên minh "nổi dậy" chống lại CEO Walter Cho bao gồm Heather Cho, quỹ KCGI (sở hữu 9% cổ phần Hanjin) và Bando Engineering & Construction (có 8,2% cổ phần Hanjin).

Xung đột làm giá cổ phiếu tăng vọt

Liên minh này tuyên bố Korea Air và công ty mẹ đang trải qua khủng hoảng nghiêm trọng và toàn bộ ban lãnh đạo của đế chế này - bao gồm cả Chủ tịch kiêm CEO Walter Cho - phải được thay thế bằng "các nhà quản lý chuyên nghiệp".

Hội đồng quản trị Hanjin Group sẽ bỏ phiếu về số phận của Walter Cho trong cuộc họp vào ngày 27/3 tới. Nhưng đáng ngạc nhiên là cuộc nội chiến không hề làm suy giảm niềm tin của giới đầu tư dành cho Hanjin Group.

Giá cổ phiếu của tập đoàn tăng vọt sau khi CEO Walter Cho tỏ dấu hiệu cho thấy ông sẽ nhượng bộ một số yêu sách của nhóm "nổi dậy", bao gồm việc bán một số tài sản không phải là cốt lõi của tập đoàn, ví dụ như hệ thống khách sạn.

Trong vòng 12 tháng qua, giá cổ phiếu của Hanjin tăng gần 300% và đạt mức kỷ lục vào ngày 4/3. Tính từ ngày 20/2, giá cổ phiếu vọt lên 67% bất chấp việc dịch virus corona chủng mới giáng một đòn nặng nề vào ngành hàng không và du lịch của Hàn Quốc cũng như cả châu Á.

Delta Air lines cũng tăng cổ phần ở Hanjin từ 11% lên gần 14%. Như vậy, liên minh chống lại nhóm "nổi dậy" của Heather Cho cũng đã cho thấy động thái phản ứng quyết liệt.

Giống như các chaebol khác, trong nhiều thập kỷ qua Hanjin Group giấu kín những cuộc tranh chấp quyền lực nội bộ. Những gì xảy ra trong gia tộc Cho nằm trong vòng bí mật, kể cả khi cố Chủ tịch Cho Yang-ho - lên nắm quyền hồi năm 2003 - đối mặt với cáo buộc biển thủ công quỹ. Cho đến khi ông qua đời hồi năm 2019, các cáo buộc này vẫn chưa được xử lý.

Cuộc "nổi dậy" của Heather cho là lần đầu tiên một người phụ nữ mở chiến dịch giành quyền kiểm soát tại một chaebol lớn tại Hàn Quốc. Theo Bloomberg, giới quan sát nhận định không có gì đáng ngạc nhiên khi Heather Cho là người "tiên phong".

Bởi không chỉ được biết đến với scandal "cơn cuồng nộ hạt mắc ca", Heather Cho còn có tiếng là quyết liệt, tàn nhẫn, luôn quyết làm được những gì mình muốn.

So kè quyết liệt

Hiện, liên minh "nổi dậy" của Heather Cho kiểm soát gần 32% quyền biểu quyết tại Hanjin Group, chỉ kém một chút so với mức 33,45% của Delta Air Lines và gia đình Cho, bao gồm CEO Walter Cho, mẹ Lee Myung-hee và em gái Emily Cho.

Heather Cho cùng quỹ KCGI và Brando yêu cầu Walter Cho ra đi và được thay thế bằng một nhà quản lý có kinh nghiệm như cựu CEO SK Telecom Kim Shin-bae. Walter Cho lên nắm quyền tại Hanjin Group và Korea Air từ hồi năm ngoái sau khi cha của ông - cố Chủ tịch Cho Yang-ho - qua đời hồi tháng 4.

Sau scandal "cơn thịnh nộ hạt mắc ca" và trước cuộc nội chiến, gia đình Cho cũng dính hàng loạt bê bối gây xôn xao dư luận. Emily Cho, em gái của Heather và Walter Cho, bị đá khỏi Korea Air sau vụ tạt nước vào mặt một nhân viên công ty quảng cáo trong một cuộc họp.

Khoảng 2 tháng trước, Walter Cho phải lên tiếng xin lỗi vì đập vỡ một chiếc bình ở nhà mẹ vào hôm Giáng sinh 2019 khi cãi cọ về các vấn đề của công ty và vai trò của chị gái Heather Cho. "Mẫu hậu" Lee Myung-hee sau đó cũng xin lỗi và quyết định tham gia vào liên minh chống Heather Cho, KCGI và Bando.

Bloomberg dẫn lời nhà nghiên cứu Lee Seung-hyun của Viện Phát triển Phụ nữ Hàn Quốc ở Seoul nhận định trong giới kinh doanh Hàn Quốc, nhiều người đánh giá Heather Cho cao hơn em trai Walter Cho và em gái Emily Cho.

Chuyên gia Park Ju-gun thuộc CEOScore cũng cho rằng Heather Cho vượt trội 2 người em. "Heather Cho là người thừa kế nữ đầu tiên tại một tập đoàn Hàn Quốc đủ tham vọng thách thức lực lượng quản lý hiện tại để lên nắm quyền", ông Park nhấn mạnh.

Nhà phân tích Um Kyung-a của Shinyoung Securities Co. ở Seoul cho rằng với việc dịch virus corona chủng mới đang gây sức ép dữ dội lên ngành công nghiệp hàng không và du lịch toàn cầu, liên minh của Heather Cho cần công bố những kế hoạch cụ thể để chinh phục các nhà đầu tư.

"Liên minh nổi dậy chưa đưa ra được đề xuất nào thực sự hấp dẫn để thu hút sự ủng hộ của các nhà đầu tư", ông Um đánh giá.

Theo nhà phân tích Park, cuộc khủng hoảng ở Hanjin Group giống như một vở bi hài kịch. "Bất chấp những gì các bên đã tuyên bố, cuối cùng thì lòng tham vẫn là động cơ chủ yếu", ông bình luận.

Ý kiến của bạn

Bình luận