Công an đến tận nhà dân hướng dẫn thủ tục đăng ký xe máy điện

Hoạt động Ban ATGT 25/12/2015 06:42

Sau 15 ngày thực hiện Thông tư 54 bổ sung của Bộ Công an về đăng ký xe máy điện, mô tô điện, gần 2.000 phương tiện đã được lực lượng Cảnh sát giao thông Thủ đô đăng ký. Sự chủ động, tận tình của lực lượng chức năng đã tạo điều kiện tối đa cho người dân, tuy nhiên quá trình thực hiện vẫn còn khá nhiều bất cập cần điều chỉnh.

Công an đến tận nhà dân hướng dẫn thủ
Người dân hào hứng đi đăng ký xe máy điện tại các cơ sở đăng ký. Ảnh: Tiến Minh

Tận tình hướng dẫn người dân

Trái với khung cảnh vắng vẻ trong ngày đầu tiên thực hiện Thông tư 54 bổ sung của Bộ Công an, tại phòng tiếp dân của Công an quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội những ngày này có khá đông người dân đến làm thủ tục. Gặp bác Nguyễn Thị Hà (phường Tây Tựu) khi đang chờ gọi tên lên bấm biển số, khi được hỏi về thủ tục, bác vui vẻ cho biết: “Chúng tôi được cảnh sát khu vực vào tận nhà hướng dẫn kê khai thủ tục đăng ký chiếc xe máy điện”. Dứt lời, bác Hà được cán bộ đăng  ký xe của đơn vị mời lên nhận biển kiểm soát (BKS). Thượng úy Nguyễn Thùy Dung, Đội phó Đội Cảnh sát giao thông – Trật tự phản ứng nhanh Công an quận Bắc Từ Liêm trực tiếp hướng dẫn, giúp đỡ bác Hà cách lắp BKS cho chiếc phương tiện mới được đăng ký.

Trung tá Đỗ Đức Khang, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông – Trật tự phản ứng nhanh Công an quận Bắc Từ Liêm cho biết, trong nửa tháng thực hiện Thông tư 54 bổ sung của Bộ Công an, đơn vị đã đăng ký cho 105 xe máy điện, mô tô điện. Trung tá Đỗ Đức Khanh đánh giá, số phương tiện đăng ký trên là khá cao bởi tỷ lệ người dân sử dụng xe máy điện, mô tô điện trên địa bàn vẫn còn khá khiêm tốn so với các quận lõi của Thủ đô. Để có được những kết quả này, ngay từ trước khi triển khai Thông tư 54 bổ sung, Công an quận Bắc Từ Liêm đã chỉ đạo lực lượng cảnh sát khu vực, cảnh sát trật tự của công an các phường chủ động đến tận nhà dân để tuyên truyền, phát tờ khai cũng như hướng dẫn cho nhân dân kê khai đăng ký xe máy điện, mô tô điện. “Chúng tôi xác định số người sử dụng loại phương tiện này chủ yếu là học sinh, sinh viên, người cao tuổi, do vậy đơn vị cũng đã kết hợp với Ban giám hiệu các nhà trường tuyên truyền, vận động phụ huynh, chủ sở hữu phương tiện đến đăng ký. Cùng với việc hướng dẫn chi tiết từng thủ tục và miễn phí đăng ký, do vậy khá đông người dân đến đăng ký cho phương tiện của mình”-Trung tá Đỗ Đức Khang cho hay.

Được đánh giá là địa bàn rộng, số lượng người dân sử dụng xe máy điện, mô tô điện lớn, do vậy công tác chuẩn bị để thực hiện Thông tư 54 được Công an quận Hoàng Mai chuẩn bị khá kỹ. Thượng tá Lê Văn Thắng, Phó trưởng Công an quận Hoàng Mai thông tin, ngay từ ngày đầu tiên thực hiện, đơn vị đã chuẩn bị đầy đủ tất cả biểu mẫu, dụng cụ cần thiết để phục vụ nhân dân. “Chúng tôi đã bổ sung thêm cán bộ, chiến sỹ trực tiếp hướng dẫn người dân cũng như lắp đặt BKS, dập số khung, số máy cho những phương tiện đến đăng ký không có các thông số kỹ thuật này. Từ thái độ niềm nở tiếp dân, hướng dẫn tận tình chu đáo, đến sự bố trí khoa học hợp lý các biểu mục, biểu mẫu, tất cả người dân đến làm thủ tục đều hài lòng. Kết quả sau 15 ngày đầu thực hiện, đơn vị đã đăng ký hơn 263 trường hợp”-Thượng tá Lê Văn Thắng đánh giá.

Vẫn còn những băn khoăn

Có thể khẳng định, công tác tuyên truyền, hướng dẫn, tiếp nhận và đăng ký đối với xe máy điện, mô tô điện của công an các quận, huyện và thị xã trong nửa tháng qua đã đạt kết quả rất cao. Theo thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, Công an TP Hà Nội, từ ngày 7-19/12, lực lượng Cảnh sát giao thông đã đăng ký cho gần 2.000 xe máy điện. Gần 3.000 tờ khai đã được Cảnh sát giao thông cấp phát và hướng dẫn cho người dân. Trước khi thực hiện Thông tư trên, đơn vị cũng đã tổ chức tập huấn cho lực lượng Cảnh sát giao thông trên toàn thành phố những quy định có liên quan về công tác đăng ký đối với loại phương tiện này.

Mặc dù công tác chuẩn bị của lực lượng Cảnh sát giao thông là rất chu đáo, song theo tìm hiểu của phóng viên, quá trình thực hiện các đơn vị vẫn gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Đại diện Công an quận Bắc Từ Liêm cho biết, việc xác minh cụ thể chiếc xe máy điện và xe đạp điện vẫn còn nhiều lúng túng. Bên cạnh đó, do Thông tư 54 bổ sung quá mở, tạo điều kiện tối đa cho người dân nên những phương tiện không có giấy tờ, hóa đơn vẫn được đăng ký miễn phí. Chính vì lẽ đó, rất khó xác định nguồn gốc hợp pháp của phương tiện.

Còn Thượng úy Nguyễn Huyền Trang, cán bộ Đội Cảnh sát giao thông – Trật tự phản ứng nhanh Công an quận Hoàng Mai đánh giá: Việc xác định nhãn hiệu xe khá khó khăn bởi có rất nhiều chủng loại xe khác nhau. Nhiều phương tiện qua kiểm tra cảnh sát giao thông xác định trên xe có 2 số máy nhưng không biết đâu là số khung, đâu là số máy bởi quy trình sản xuất và dập số đối với loại phương tiện này khá ngẫu hứng. Những thông số kỹ thuật trên xe cũng ít thể hiện, gây khó khăn cho việc xác định chủng loại và nhập thông tin vào máy đăng ký.

Trung tá Đào Văn Xuyến, cán bộ đăng ký xe của Công an quận Hoàn Kiếm bổ sung, phải khá vất vả đơn vị mới xác định và đăng ký được 151 trường hợp. Do quá trình sử dụng lâu dài, nhiều phương tiện đến đăng ký qua kiểm tra số khung, số máy đã hoen gỉ. Chủng loại xe thì thập cẩm, không đồng bộ khó cho việc nhập hồ sơ. Cảnh sát giao thông gần như phải “kèm” từng người dân để hướng dẫn kê khai.

“Thực hiện Thông tư 54 đã tạo điều kiện thuận lợi trong công tác điều tra nhanh chóng các vụ án tai nạn giao thông, phòng chống tội phạm lợi dụng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ để hoạt động phạm tội. Trong quá trình làm nhiệm vụ, cán bộ chiến sỹ đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, phục vụ nhân dân, tận tụy với công việc. Những vướng mắc của các đơn vị sẽ sớm được phòng nghiệp vụ và Công an thành phố, các đơn vị chức năng giải quyết, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân cũng như bộ phận đăng ký...”-Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, Công an TP Hà Nội khẳng định. 

Ý kiến của bạn

Bình luận