Cổ phần hóa Vinalines: Tăng cường sức mạnh khơi dòng vươn xa

Tác giả: PV

saosaosaosaosao
Doanh nhân 11/02/2018 06:41

Theo phương án cổ phần hóa Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) vừa được Bộ GTVT trình Thủ tướng Chính phủ, Nhà nước sẽ nắm 65% cổ phần tại Công ty mẹ. Các nhà đầu tư bên ngoài được mua không quá 35% vốn. Mức vốn điều lệ dự kiến của Vinalines sẽ là 13.916 tỷ đồng, tương đương hơn 630 triệu USD.

 

DJI_0058
 

Cảng biển vẫn là “mỏ vàng”

Mặc dù vận tải biển vẫn chưa thoát khỏi suy thoái nhưng Vinalines lại nắm trong tay cổ phần của nhiều công ty kinh doanh có lợi nhuận cao trong lĩnh vực cảng biển và dịch vụ hàng hải. Kết quả kinh doanh của các công ty con này được hợp nhất vào báo cáo tài chính của Vinalines, góp phần giảm lỗ của mảng vận tải biển. Cụ thể trong năm 2017, khối cảng biển thuộc hệ thống của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đã mang lại lợi nhuận trước thuế hơn 1.100 tỷ đồng, đồng thời hầu hết các doanh nghiệp dịch vụ hàng hải đều có lãi với tổng lợi nhuận hơn 80 tỷ đồng, số lỗ của mảng vận tải biển đã giảm hơn một nửa so với dự kiến.

container
 

Bên cạnh việc quyết định giữ quyền chi phối tại Công ty mẹ, Thủ tướng Chính phủ cũng cho phép Vinalines nắm giữ từ 65% vốn điều lệ trở lên tại các công ty cổ phần: Cảng Hải Phòng, cảng Sài Gòn và cảng Đà Nẵng. Vinalines sẽ được tiếp tục duy trì nắm giữ cổ phần tại các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics, đồng thời thoái vốn tối đa tại các doanh nghiệp vận tải biển. Có khá nhiều lý do khiến Vinalines quyết giữ quyền chi phối tại một số cảng biển trọng yếu. Ngoài việc hoạt động kinh doanh khởi sắc của khối cảng biển và dịch vụ đã gánh đỡ các khoản thua lỗ của mảng vận tải biển, giúp Vinalines cân bằng thu chi. Bên cạnh đó, các cảng biển với giá trị tiềm năng sẽ làm tăng sức hấp dẫn các nhà đầu tư khi cổ phần hóa Công ty mẹ.

Nhìn về dài hạn, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam sẽ tập trung phát triển và khai thác hiệu quả các cảng biển nằm ở những vị trí chiến lược và đóng vai trò quan trọng tại ba khu vực Bắc, Trung, Nam và giữ vai trò huyết mạch trong tổng thể mạng lưới GTVT quốc gia. Các dự án cảng nước sâu, cảng trung chuyển quốc tế được ưu tiên đầu tư gồm cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng có quy mô 2 bến container và tổng hợp có thể tiếp nhận tàu có sức chở đến 8.000 TEU; dự án xây dựng cảng Liên Chiểu có quy mô 2 bến, có thể tiếp nhận tàu biển trọng tải đến 100.000 tấn. Bên cạnh đó, Tổng công ty hoàn thiện và đưa vào khai thác cảng Sài Gòn - Hiệp Phước và đầu tư thêm giai đoạn 2 của dự án này. Việc nâng cao hiệu quả kinh doanh các cảng liên doanh tại khu vực Cái Mép - Thị Vải, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, phát triển cảng tổng hợp Vinalines Hậu Giang, Cần Thơ, Cam Ranh… cũng sẽ được chú trọng.

Tìm hướng đi mới cho vận tải biển

Việc liên kết các công ty vận tải biển thành viên để gia tăng nguồn lực, nâng cao năng lực cạnh tranh và mở các tuyến vận tải mới trong thời gian qua được Vinalines hết sức chú trọng. Tuyến vận tải container đi Hồng Kông đã chính thức được khai trương đầu năm 2017. Các tàu container của Công ty Vận tải biển Container Vinalines và Công ty Vận tải Biển Đông sẽ chạy tuyến “TP. Hồ Chí Minh - Hải Phòng - Hồng Kông - Hải Phòng - TP. Hồ Chí Minh” qua các cảng Tân Vũ, Tân Thuận và cảng HIT (Hồng Kông). Đây là dịch vụ mới nhằm duy trì lịch tàu thường xuyên tại các cảng. Cũng theo mô hình liên kết để tăng sức mạnh này, trước đó không lâu tại Kuala Lumpur, Malaysia, các doanh nghiệp vận tải biển thuộc Vinalines đã ký kết Hợp đồng khung với các tập đoàn lớn của Maylaysia như Petronas Chemicals Marketing Ltd, Hemat Marine Sdn Bhd về vận chuyển phân bón từ Malaysia đi Thái Lan và Philippines. Sản lượng vận chuyển dự kiến tăng dần từ 01 - 02 triệu tấn/năm.

Giữa năm 2017, Công ty Vận tải biển Container Vinalines (VCSC) đã mở thêm dịch vụ vận tải đường thủy bằng sà lan tuyến Hải Phòng - Việt Trì với tần suất 02 - 3 chuyến sà lan/tuần vận chuyển hàng từ cảng Hải Linh về Hải Phòng. Ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, trước đó VCSC đã sử dụng sà lan vận chuyển hàng hóa hai chiều từ các cảng thuộc khu vực đến các cảng thuộc TP. Hồ Chí Minh và một số ICD trên địa bàn để chuyển đi các tỉnh miền Trung, phía Bắc và ngược lại. Việc “khơi thông dòng chảy” thủy nội địa ở khu vực phía Bắc và phía Nam của VCSC là một phần trong dịch vụ chuỗi, tích hợp hoạt động cảng biển - vận tải biển - dịch vụ hàng hải trong dịch vụ logistics trọn gói nhằm nâng cao giá trị gia tăng mà Vinalines đang triển khai thực hiện, đồng thời góp phần giảm tải đáng kể áp lực lên hệ thống đường bộ theo chỉ đạo của Bộ GTVT.

Kỳ vọng mô hình quản trị mới

Cổ phần hóa Công ty mẹ - Tổng công ty Hàng hải Việt Nam nhằm mục tiêu chuyển hình thức sở hữu 100% vốn nhà nước thành hình thức đa sở hữu, thay đổi tổ chức quản lý điều hành và phương thức quản trị, mở rộng cơ hội tiếp cận với thị trường vốn và các hình thức huy động vốn đa dạng nhằm nâng cao năng lực tài chính, năng lực sản xuất kinh doanh của Tổng công ty sau cổ phần hóa. Cơ cấu sở hữu sau thời điểm cổ phần hóa, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam - CTCP sẽ nắm giữ vốn tại 19 công ty con và 15 công ty liên kết.

Q. Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam Nguyễn Cảnh Tĩnh cho biết: “Sau thời gian tái cơ cấu toàn diện một cách thành công, chúng tôi sẽ chuyển sang hoạt động theo mô hình mới - Công ty cổ phần. Công ty mẹ sẽ giữ vai trò chủ đạo và là đầu mối trung gian để các đơn vị thành viên có thể tham gia phối kết hợp bình đẳng với nhau cùng có lợi, đẩy mạnh sự hỗ trợ, liên kết giữa các khối vận tải biển, cảng biển và dịch vụ hàng hải; phát huy sức mạnh tổng thể từ các doanh nghiệp thành viên để tham gia triển khai các dự án lớn nhằm tăng cường sức mạnh, sức cạnh tranh so với các đối thủ trên thị trường”

Ý kiến của bạn

Bình luận