Cổ phần hóa cú hích cho doanh nghiệp phát triển

Doanh nhân 20/02/2015 09:29

Thời gian qua, Bộ GTVT đã chỉ đạo quyết liệt các đơn vị thực hiện tái cơ cấu mà nhiệm vụ trọng tâm là cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp. Sau gần một năm thực hiện tái cơ cấu, CPH, các doanh nghiệp đều có bước chuyển mình từ doanh thu, lợi nhuận và đời sống người lao động được đảm bảo.


Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng kiểm tra dự án

Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng kiểm tra dự án

Để thực liện lộ trình tái cơ cấu, CPH trong giai đoạn 2014 – 2015, Bộ GTVT sẽ thực hiện CPH toàn bộ các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) còn lại mà Nhà nước không cần giữ 100% vốn. Bộ GTVT đã triển khai nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy công tác tái cơ cấu DNNN. Một là, thực hiện đồng bộ từ khâu tuyên truyền, quán triệt chủ trương của Đảng, quy định, chỉ đạo, định hướng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đến khâu tổ chức thực hiện, nhằm giúp cán bộ, Đảng viên, người lao động hiểu rõ chủ trương, đường lối của đảng và Nhà nước về công tác đổi mới, CPH doanh nghiệp. Hai là, bám sát thực tiễn, nắm bắt, đề xuất kịp thời các cơ chế, chính sách để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình CPH doanh nghiệp. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành Trung ương và các địa phương có liên quan để giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp. Ba là, chỉ đạo, phối hợp với các doanh nghiệp tìm kiếm, lựa chọn các nhà đầu tư chiến lược, thỏa thuận bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược trước khi thực hiện bán đấu giá công khai (IPO). Bốn là, xác định rõ vai trò, trách nhiệm cá nhân, xét mức độ hoàn thành các nhiệm vụ trong công tác tái cơ cấu, sắp xếp, CPH doanh nghiệp là một căn cứ để đánh giá và bình xét thi đua, khen thưởng đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Một đoạn đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai

Một đoạn đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai

Nhìn lại kết quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp năm 2014 dễ dàng nhận thấy sự bứt phá của các doanh nghiệp này sau CPH. Được đánh giá là những doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực xây dựng công trình giao thông, năm 2014, giá trị lợi nhuận Tổng công ty Xây dựng Công trình Giao thông 1 (Cienco 1) đạt khá cao, trong đó: Sản lượng đạt trên 8.300 tỷ đồng, vượt kế hoạch năm (105% kế hoạch năm); doanh thu đạt cao trên 7.300 tỷ đồng (tỷ lệ doanh thu trên sản lượng đạt 88%). Nhiều đơn vị trong Tổng công ty đạt sản lượng lớn, điển hình nhất là 03 đơn vị đạt trên 800 tỷ đồng: Công ty CP Cầu 12, Công ty Thi công cơ giới, Xí nghiệp Cầu 18. Khối thi công cầu, cảng tương đối nhiều việc, tổng sản lượng của 8 đơn vị trong khối này đạt 4.155 tỷ đồng, chiếm 50% giá trị sản lượng toàn Tổng công ty. Khối thi công đường bộ và đường sắt năm nay đã đủ việc làm, sản lượng của 18 đơn vị trong khối này đạt 2.561 tỷ đồng, chiếm 31% giá trị sản lượng toàn Tổng công ty. Sản lượng của Công ty mẹ đạt 110% kế hoạch năm (3.546 tỷ đồng), chiếm 43% giá trị sản lượng toàn Tổng công ty. Trong đó, có 3 đơn vị đạt sản lượng trên 700 tỷ đồng là: Công ty Thi công cơ giới 1, Xí nghiệp Cầu 17, Xí nghiệp Cầu 18.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Tổng giám đốc Cienco 1, đơn vị đã thoái 100% vốn Nhà nước cho biết: Trước đây, Cienco 1 bị bó hẹp thị trường bởi chỉ được tham gia đấu thầu xây dựng các công trình sử dụng nguồn vốn Nhà nước hay một số dự án của JICA. Sau khi thoái hết vốn và chuyển sang hoạt động theo mô hình CTCP, Cienco 1 đã có nhiều sân chơi mới, được tham gia đấu thầu xây dựng các dự án sử dụng vốn của Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)… để tạo thêm việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động. Bên cạnh đó, sau các phiên đấu giá thành công, Cienco 1 đã thu về số tiền gần 250 tỷ đồng dùng làm nguồn vốn đầu tư cho các dự án mới, mua sắm máy móc thiết bị, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Để đốc thúc các doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ, Bộ GTVT đã chỉ đạo các doanh nghiệp xây dựng phương án CPH theo hướng Nhà nước không nắm giữ cổ phần chi phối, đồng thời kêu gọi các nhà đầu tư có năng lực tham gia làm cổ đông chiến lược, đây là yếu tố quan trọng để CPH thành công. Đặc biệt là sự chỉ đạo quyết liệt, tập trung từ Ban Cán sự Đảng Bộ GTVT, lãnh đạo Bộ, kết hợp với công tác tuyên truyền đã có tác động rất lớn đến nhận thức của từng lãnh đạo doanh nghiệp, công nhân viên và người lao động, tạo sự lan tỏa thành phong trào trong công tác CPH. Trường hợp cần thiết, Ban Cán sự Đảng Bộ GTVT quyết định thay đổi nhân sự, bổ sung những cán bộ có năng lực, tâm huyết để chỉ đạo, thực hiện công tác CPH.

Trong quá trình thực hiện CPH doanh nghiệp, Bộ đã chỉ đạo các cơ quan tham mưu phối hợp chặt chẽ với tổ chức tư vấn, doanh nghiệp để nghiên cứu, đề xuất các giải pháp với các bộ, ngành có liên quan hoặc báo cáo Thủ tướng Chính phủ để kịp thời điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách phù hợp với điều kiện thực tế, nhằm tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ CPH doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Bộ chỉ đạo các đơn vị rà soát lại các khoản đầu tư, tập trung thoái vốn tại các doanh nghiệp không hiệu quả, ngoài lĩnh vực kinh doanh chính để tập trung nguồn lực cho tái cơ cấu, góp phần lành mạnh tài chính, nâng cao năng lực hoạt động sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp, tạo thêm sức hút cho các nhà đầu tư.

Từ những chỉ đạo quyết liệt, tháo gỡ khó khăn của Chính phủ, các bộ, đặc biệt là Bộ GTVT đã tạo động lực cho các doanh nghiệp phát triển như Cienco 4, Tổng công ty Xây dựng Thăng Long (TLG), Tổng công ty Xây dựng đường thủy… đều thấy sự tăng trưởng cả về vốn chủ sở hữu, doanh thu và lợi nhuận trước thuế so với năm trước. Đối với TLG, sau khi CPH, tất cả các chỉ số phát triển đều vượt so với mục tiêu đề ra. Ông Vũ Hồng Phương – Tổng giám đốc TLG cho biết: “Đến nay, lực lượng cán bộ, kỹ sư của Tổng công ty cơ bản ổn định. Để tăng tốc trong thời gian tới, chúng tôi đang từng bước tái cơ cấu trong quản trị nên sẽ tập trung việc đào tạo nhân sự để nâng cao năng lực, đảm bảo sự cạnh tranh. Sau CPH, tất cả các chế độ, chính sách và thu nhập của cán bộ và người lao động đều được giữ vững và tăng lên”. Từ khi chuyển sang hoạt động theo mô hình CTCP, TLG đã có nhiều sân chơi mới, được tham gia đấu thầu xây dựng các dự án sử dụng vốn của Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)… để tạo thêm việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động.

Còn theo ông Nguyễn Ngọc Sự – Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy (SBIC), đến nay, SBIC đã hoàn thành giảm đầu mối được 82 đơn vị và đến hết năm 2014 giảm đầu mối thêm 15 đơn vị; có 20 doanh nghiệp Tổng công ty sở hữu dưới 20% vốn điều lệ, đây là các khoản đầu tư tài chính của Tổng công ty nên Tổng công ty đã báo cáo Bộ GTVT và đã được Bộ chấp thuận đưa các doanh nghiệp này ra khỏi danh sách các công ty cần thực hiện tái cơ cấu và sẽ thực hiện thoái vốn tại thời điểm thích hợp. Bên cạnh đó, Tổng công ty cũng đã hoàn thành việc rút vốn thương hiệu được 60/66 doanh nghiệp có thể rút vốn thương hiệu.

Chia sẻ từ hiệu quả tái cơ cấu, CPH doanh nghiệp thời gian qua, ông Vũ Anh Minh – Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ GTVT) cho biết, thông qua tái cơ cấu, CPH các doanh nghiệp đã huy động được nhiều nguồn lực của xã hội. Doanh nghiệp chủ động quyết định toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh, công tác tổ chức quản lý doanh nghiệp được công khai, minh bạch hơn nên năng suất lao động đều tăng cao, doanh thu trung bình tăng hơn 10%. Đặc biệt, lợi nhuận trước thuế tăng kỷ lục lên tới hơn 43%, thu nhập bình quân người lao động tăng 13% so với trước khi CPH.

Cũng theo ông Minh, trong năm 2014, Bộ tiếp tục triển khai CPH 53 doanh nghiệp (năm 2014 cả nước CPH 143 doanh nghiệp). Cụ thể, Bộ đã trực tiếp tổ chức thực hiện CPH 41 doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp đạt 152% kế hoạch năm (kế hoạch 27 doanh nghiệp), trong đó có 03 Công ty mẹ – Tổng công ty: Hàng hải Việt Nam, Cảng hàng không Việt Nam, Công nghiệp tàu thủy và 38 công ty thuộc Bộ và các Tổng công ty

Đối với các doanh nghiệp do các Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, Đường sắt Việt Nam thực hiện, Bộ đã chỉ đạo 02 Tổng công ty thực hiện CPH 12 doanh nghiệp thành viên. Đến nay, đã thẩm định, phê duyệt giá trị doanh nghiệp cho 50 doanh nghiệp, phê duyệt phương án CPH 39 doanh nghiệp thành công ty cổ phần, trong đó 37 doanh nghiệp đã hoàn thành IPO. Các doanh nghiệp còn lại sẽ tiếp tục thực hiện các quy trình thủ tục để hoàn thành IPO vào đầu năm 2015.

Những chuyển biến tích cực từ việc thực hiện tái cơ cấu CPH doanh nghiệp của ngành GTVT đã được Đảng, Quốc hội, Chính phủ, dư luận đánh giá cao. Việc chuyển đổi mạnh mẽ sang hoạt động theo mô hình CPH đồng nghĩa với những đổi mới trong chiến lược kinh doanh được kỳ vọng sẽ tạo ra “đột phá” cho các doanh nghiệp giao thông.

Bảo Hà

Ý kiến của bạn

Bình luận