Chuyện nhặt dọc đường đi xuất khẩu lao động

30/01/2017 05:28

Hơn 10 năm trở lại đây, nhờ chương trình đi xuất khẩu lao động (XKLĐ), đã có nhiều gia đình bước sang trang mới nhờ đưa người thân đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Tuy nhiên, có thời gian tìm hiểu mới thấy, bên cạnh những gì mà người lao động có được là những vất vả, niềm vui và cả những giọt nước mắt của người đi lẫn người ở.

xkld1
Liên hoan chia tay lao động Việt Nam trước khi về nước. Ảnh: PA

Đổi đời nhờ XKLĐ

Anh Nguyễn Văn Trịnh (Giao Thủy, Nam Định) đi XKLĐ ở Malaysia là tấm gương điển hình cho nhiều người đang đi XKLĐ ở thị trường này.

Theo như anh kể, năm 2013, do hoàn cảnh khó khăn, anh bàn với gia đình đi XKLĐ ở Malaysia. Sang nước bạn, làm cho một công ty chuyên về xây dựng, thời gian đầu rất vất vả vì lạ nước lạ cái, lại xa nhà và công việc còn bỡ ngỡ làm cho Trịnh nhiều lúc ứa nước mắt. Thế nhưng đến nay, nhiều người thán phục Trịnh bởi ý chí quyết tâm làm việc của anh.

Với mức lương cơ bản hơn 8 triệu đồng/tháng, cộng với các khoản làm thêm giờ, trung bình thu nhập mỗi tháng của Trịnh gần 20 triệu đồng. Trừ chi phí, mỗi tháng anh gửi về cho bố mẹ hơn 10 triệu đồng. Nhờ đó, ở nhà bố mẹ Trịnh thanh toán được các khoản nợ, bắt đầu mua sắm, sửa chữa nhà cửa. Tháng 3/2016 vừa rồi, hết hạn hợp đồng, Trịnh được về đoàn tụ với gia đình.

Chia sẻ tin vui với chúng tôi, Trịnh cho biết, ra Tết sẽ cưới vợ. Sau khi ổn định chuyện gia đình, Trịnh sẽ tiếp tục tìm hiểu và đi XKLĐ có thời hạn ở nước ngoài.

Gặp vợ chồng anh Nguyễn Văn Nam và chị Trần Thị Hoa (Kiến Xương, Thái Bình) mới hết thời hạn đi XKLĐ ở Nhật về. Đôi vợ chồng này nên duyên cũng nhờ chuyện đi XKLĐ.

So với các thị trường lao động truyền thống khác, ở Nhật người lao động có mức lương khá và được quan tâm hơn. Từ việc mỗi khi có ý kiến phản ánh thì Hiệp hội Bảo vệ người lao động luôn sẵn sàng giải quyết đến việc công ty sử dụng lao động thuê nhà cho người lao động, lo cả chuyện ga, nước, giấy vệ sinh và bố trí cho mỗi người một xe đạp để đi chợ... Đó là niềm an ủi đối với những lao động xa nhà như Hoa và Nam. Nhờ vậy, lao động tại đây yên tâm làm việc và làm thêm giờ tăng thu nhập. Trung bình mỗi tháng mỗi lao động thu nhập gần 20 triệu đồng.

Sau 5 năm XKLĐ bên Nhật, vợ chồng anh Nam có số vốn kha khá và đang chuẩn bị mở cửa hàng nhỏ để chị Hoa buôn bán. Ước mong của anh sẽ được quay trở lại Nhật làm việc trong thời gian tới.

xkld12
Vào những ngày nghỉ, lao động Việt Nam tại Nhật rủ nhau đi du lịch. Ảnh: PA

Và những chuyện bi hài

Trong một lần đi công tác, tôi được nghe kể về chị Trần Thị Hiền (Phù Cừ, Hưng Yên) đi XKLĐ ở Đài Loan mỗi tháng gửi về cho gia đình gần 15 triệu đồng. Nhờ đó, kinh tế bớt khó khăn, gia đình đã trả hết số nợ trước khi chị đi XKLĐ, lo con cái học hành và đang chuẩn bị cất nhà mới.

Tuy nhiên, theo anh Mai (chồng chị Hiền), từ ngày vợ đi XKLĐ, gần 3 năm nay, anh đảm nhiệm vai trò “vừa làm bố vừa làm mẹ” để nuôi 2 con nhỏ. Đứa lớn năm nay học lớp 8, đứa bé mới 5 tuổi. Những ngày đầu anh Mai, phải xoay xở từ sáng sớm đến tối mịt để lo từ việc đồng áng đến nấu nướng, dọn dẹp nhà cửa, kèm con học đến việc lo cho đứa bé. Nhiều đêm không ngủ được vì đứa bé khóc đòi mẹ, anh phải lấy áo vợ ôm con rồi bế ru khắp nhà. Có lúc anh bàn với vợ hay là về nước vì cảnh gà trống nuôi con rất vất vả. Tuy nhiên, nghĩ đến cảnh vợ ở bên kia không ngại vất vả, ngoài giờ làm ở công ty còn đi trồng rau, hái cà hay bất cứ việc gì có thể để kiếm thêm thu nhập nên bố con anh ở nhà cố gắng khắc phục chờ ngày chị về để gia đình đoàn tụ.

Dù đã về nước mấy năm rồi nhưng mỗi khi nhắc đến đi XKLĐ là Nguyễn Tiến Hùng (Hà Tĩnh) vẫn cảm thấy hơi “run”. Năm 2011, Hùng xin bố mẹ đi XKLĐ Lybia với thu nhập trung bình 7 - 8 triệu đồng/tháng, trừ chi phí cũng gửi về cho gia đình 4 triệu đồng/tháng. Thế nhưng, trời không chiều lòng người khi Lybia xảy ra chiến sự. Sau 8 tháng làm việc thì Hùng và nhiều lao động tại Lybia phải trở về nước. Mặc dù luyến tiếc nhưng theo Hùng, trong tình hình như thế, về được quê nhà là may mắn lắm rồi. Hiện tại, anh cùng gia đình làm kinh tế tại địa phương. Hùng chia sẻ, nhiều lúc muốn đi XKLĐ ở thị trường nào đó nhưng bố mẹ không cho đi vì lại sợ có điều gì đó xảy ra.

Quả thực, XKLĐ có thể giúp người lao động đổi đời, nhưng không phải ai cũng may mắn như vậy. Vì thế, người lao động cần tìm hiểu kỹ công việc và thị trường mà mình hướng đến; biết khắc phục được khó khăn và những cám dỗ trong cuộc sống xa nhà để làm tốt công việc của mình... Có như vậy thì giấc mơ đổi đời từ XKLĐ mới thực sự mang lại hiệu quả.

Theo thống kê của Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), mỗi năm, cả nước có trên 100.000 người ra nước ngoài làm việc. Chất lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài không ngừng được nâng cao, hoạt động của doanh nghiệp dần đi vào nề nếp tại một số thị trường tiếp nhận lao động chủ yếu như: Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Trung Đông và một số thị trường khác. Trong giai đoạn 2010 - 2015, tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài xấp xỉ 450.000 người. Mỗi năm lượng tiền XKLĐ chuyển về nước lên tới nhiều tỷ USD.

Ý kiến của bạn

Bình luận