Chuyên ngành mới của Học viện Kỹ thuật Mật mã tuyển 100 SV năm 2017

30/12/2016 16:01

Học viện Kỹ thuật Mật mã sẽ mở mới chuyên ngành “Hệ thống nhúng và điều khiển tự động” thuộc ngành Kỹ thuật điện tử, truyền thông vào năm 2017. Trong năm đầu tuyển sinh chuyên ngành mới này, Học viện dự kiến tuyển 100 sinh viên cho cơ sở đào tạo Hà Nội.


tuyen_sinh_hoc_vien_ky_thuat_mat_ma
Năm  2017 Học viện Kỹ thuật Mật mã dự kiến tuyển sinh 900 sinh viên hệ Dân sự đào tạo đại học chính quy,  trong đó có 100 sinh viên theo học chuyên ngành mới "Hệ thống nhúng và điều khiển tự động" (Ảnh minh họa)

Kế hoạch tuyển sinh dự kiến năm 2017 đối với hệ Dân sự đào tạo đại học chính quy của Học viện Kỹ thuật Mật mã (KTMM) vừa được trường cho biết.

Theo kế hoạch này, trong kỳ tuyển sinh đại học năm 2017, bên cạnh 600 chỉ tiêu ngành An toàn thông tin, hệ Dân sự đào tạo đại học chính quy của Học viện KTMM còn tuyển sinh 200 chỉ tiêu chuyên ngành Kỹ thuật phần mềm nhúng và di động thuộc ngành CNTT.

Đặc biệt, năm 2017 Học viện KTMM sẽ mở chuyên ngành đào tạo mới - “Hệ thống nhúng và điều khiển tự động” thuộc ngành Kỹ thuật điện tử, truyền thông.

Lãnh đạo Phòng Đào tạo của Học viện cho biết thêm, trong năm 2017 - năm đầu tiêu tuyển sinh chuyên ngành “Hệ thống nhúng và điều khiển tự động”, trường dự kiến tuyển 100 chỉ tiêu và chỉ tuyển sinh các sinh viên theo học tại cơ sở đào tạo Hà Nội của Học viện.

Về phương thức tuyển sinh, với cả 3 ngành đào tạo đại học chính quy - hệ Dân sự gồm: An toàn thông tin, CNTT (chuyên ngành Kỹ thuật phần mềm nhúng và di động) và Kỹ thuật điện tử, truyền thông (chuyên ngành Hệ thống nhúng và điều khiển tự động), Học viện KTMM đều sẽ tổ chức xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017 theo một trong các tổ hợp 3 môn thi gồm: Toán, tiếng Anh, Khoa học tự nhiên; Toán, Vật lý, Hóa học; Toán, tiếng Anh, Vật lý.

Chia sẻ thêm về quyết định mở chuyên ngành mới “Hệ thống nhúng và điều khiển tự động”, đại diện lãnh đạo Học viện KTMM cho biết, hiện nay có rất nhiều công ty, tập đoàn lớn trên thế giới và trong nước tập trung phát triển vào lĩnh vực hệ thống nhúng và điều khiển tự động, do vậy, nhu cầu đào tạo nhân lực về lĩnh vực này với yêu cầu kỹ năng trong cả phát triển phần mềm và thiết kế phần cứng cho các hệ thống truyền thông, trong đó hệ nhúng là một thành phần được đặt ra trên toàn thế giới.

“Hệ thống nhúng và điều khiển tự động là một xu hướng phát triển trọng điểm của ngành Kỹ thuật điện tử, truyền thông. Hiện có một số trường đang đào tạo chuyên ngành này, tuy nhiên số lượng sinh viên tốt nghiệp hàng năm không nhiều. Trong khi đó nhu cầu nhân lực về kỹ sư chuyên sâu về thiết kế hệ thống nhúng, hệ thống điều khiển công nghiệp và vi mạch đang rất lớn và cấp bách”, đại diện Học viện nhấn mạnh.

Theo chương trình khung chuyên ngành “Hệ thống nhúng và điều khiển tự động” của Học viện KTMM, mục tiêu của chương trình đào tạo đại học chính quy này là trang bị cho người học phẩm chất chính  trị, đạo đức nghề nghiệp để đáp ứng yêu cầu hoạt động  trong khu vực kinh tế xã hội và an ninh quốc phòng; kiến thức cơ sở chuyên môn vững chắc để thích ứng tốt với những công việc trong lĩnh vực điện tử, truyền thông; có năng lực tham gia xây dựng và phát triển hệ thống điện tử, viễn  thông, thiết kế chế tạo các sản phẩm điện  tử, hệ thống nhúng và hệ thống PLC, phục vụ ngành Cơ yếu nói riêng và xã hội nói chung trong bối cảnh phát triển rất nhanh của ngành Điện tử, truyền thông; kỹ năng xã hội cần thiết, khả năng tự học, tự nghiên cứu để thành công trong cuộc sống và trong nghề nghiệp.

Có tổng thời gian đào tạo 4,5 năm gồm 9 học kỳ với khối lượng kiến thức toàn khóa là 168  tín chỉ, chuyên ngành “Hệ thống nhúng và điều khiển tự động” thuộc ngành Kỹ thuật điện tử, truyền thông của Học viện KTMM có chương trình được xây dựng trên cơ sở khung chương trình đào tạo ngành Điện tử, truyền thông của Bộ GD&ĐT cùng sự tham khảo chương trình khung của một số trường đại học trong và ngoài nước như: ĐH Bách khoa Hà Nội; Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông; Học viện Kỹ thuật Quân sự; ĐH Quốc gia TP.HCM; ĐH Brunel London, ĐH Leeds (Anh); ĐH Aalborg (Đan Mạch); ĐH Quốc gia Ireland… kết hợp với quá trình khảo sát thực tế tại Samsung, Foxconn, Viettel và LG Việt Nam.

Trước đó, ngày 15/9/2016, tại lễ khai giảng năm học 2016 - 2017, Thiếu tướng Nguyễn Nam Hải, Giám đốc Học viện KTMM đã cho biết: “Học viện đang chuẩn bị các nguồn lực để mở chuyên ngành mới Hệ thống nhúng và điều khiển tự động, sẽ bắt đầu tuyển sinh từ năm 2017. Trường cũng dự kiến từ năm học 2017 - 2018 sẽ đào tạo đầy đủ và có tính liên thông, đồng bộ cả 4 nhóm ngành KTMM, An toàn thông tin, CNTT và Kỹ thuật điện tử truyền thông với quy mô chạm mốc 5.000 học viên, sinh viên”.

Theo thống kê của  Học viện KTMM, tốc độ tăng trưởng về lưu lượng học viên, sinh viên của trường trong 3 năm gần đây là 30%; tỷ lệ sinh viên các khóa đào tạo dân sự ra trường có việc làm ngay đạt 80%; tổng số học viên - sinh viên toàn Học viện trong năm học 2016 - 2017 là trên 3.800 người, trong đó có 750 sinh viên khóa 13 - đào tạo kỹ sư An toàn thông tin và 150 tân sinh viên khóa 1 - đào tạo kỹ sư Phát triển phần mềm nhúng & di động.

Ý kiến của bạn

Bình luận