Chủ tịch TP.HCM: Xe dù hoạt động ngang nhiên sao không xử lý triệt để?

Tác giả: Văn Quyết

saosaosaosaosao
Xã hội 31/03/2017 14:34

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM đặt vấn đề “tình trạng xe dù ngang nhiên hoạt động trên đường Mai Chí Thọ, quận 2 sao không xử lý triệt để”.

h1
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM chủ trì hội nghị.

Ngày 31/3 tại kỳ họp thường niên về kinh tế - văn hóa - xã hội Thành phố 3 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm Quý II/2017, ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết: “Nhìn chung 3 tháng đầu năm tình hình giao thông có những chuyển biến và đã triển khai nhiều công trình trọng điểm. Khu vực Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đã phân luồng giao thông xây dựng nút giao cầu vượt, xây dựng cầu Nhị Thiên Đường 1, xây dựng 2 nút giao trên đường Võ Văn Kiệt. Vận tải hành khách công cộng về xe buýt đã đổi mới về phương tiện và công tác phục vụ, 3 tháng đầu năm vận tải hành khách công cộng xe buýt và taxi đạt 137 triệu hành khách, tăng 2,1% so với cùng kỳ”.

Trong tháng 9/2017 cố gắng sẽ thông xe cầu Mỹ Thủy khu vực Tân Cảng để tháo gỡ một phần căng cơ vận chuyển ùn tắc hàng hóa vào cảng Cát Lái. Quý II/2017 Sở GTVT tiếp tục phối hợp với Công an thành phố và các quận, huyện triển khai 37 điểm giảm ùn tắc giao thông. Tập trung một số công trình trọng điểm để đưa vào khai thác, đặc biệt là 2 nút giao khu vực Tân Sơn Nhất để giảm ùn tắc. Tình hình "bến cóc, xe dù" đã có kế hoạch liên ngành, Bộ GTVT cũng đang xem xét sửa đổi luật để phù hợp với các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM. Tình hình "bến cóc, xe dù" đã giảm được nhưng đến nay vẫn chưa thể chấm dứt, ông Cường cho biết thêm.

h2
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM đặt vấn đề “Tình trạng xe dù ngang nhiên hoạt động trên đường Mai Chí Thọ, quận 2 sao không xử lý triệt để”.

Trước báo cáo của người đứng đầu Sở GTVT Thành phố, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM đặt vấn đề, tình trạng "bến cóc xe dù" ảnh hưởng lớn đến giao thông và các công trình trên địa bàn thành phố. Các nhà xe Toàn Thắng, Hoa Mai… ngày nào cũng dừng đón trả khách công khai dọc đường Mai Chí, quận 2 sao các cơ quan chức năng không xử lý triệt để. Tôi yêu cầu Sở GTVT, UBND quận, huyện và các cơ quan chức năng cần quyết liệt phối hợp xử lý, chấm dứt tình trạng này tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho các doanh nghiệp, đảm bảo ATGT.

Người dân đã có thói quen dừng xe mua đồ tại các tuyến đường gây ùn tắc giao thông. Sở Công thương phải phối hợp với các địa phương tổ chức lại để kinh doanh buôn bán cho phù hợp và giao thông được thuận lợi. Tình trạng lấn chiếm vỉa hè phải ra quân theo kế hoạch chứ không phải đánh trống bỏ dùi, không làm theo phong trào. Thời gian tới tôi sẽ bố trí nghe các đồng chí báo cáo tình hình lòng lề đường. Vừa qua quận 1 làm rất hiệu quả và các quận, huyện khác cũng đã tiến hành đồng bộ thực hiện. Cần tổ chức quy hoạch cho người kinh doanh vỉa hè khoa học và bền vững. Sở GTVT chủ trì đánh giá, phối hợp với các cơ quan chức năng kéo giảm 37 điểm ùn tắc giao thông xuống 50%. Đông thời cần lắng nghe ý kiến của các ban, ngành, các quận, huyện cần phối hợp tổ chức các chợ tự phát để không ảnh hưởng đến tình trạng giao thông, người đứng đầu UBND Thành phố chỉ đạo.

h3
Ông Nguyễn Thành Phong yêu cầu Sở GTVT, UBND quận, huyện và các cơ quan chức năng liên quan quyết liệt phối hợp xử lý, chấm dứt tình trạng "bến cóc xe dù" tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho các doanh nghiệp, đảm bảo ATGT.

Tại hội nghị, ông Trần Thế Thuận, Chủ tịch UBND quận 1 cho biết: “Hiện nay trên địa bàn có 100/134 tuyến đường thông thoáng không còn tình trạng bán hàng lấn chiếm vỉa hè, kết quả cũng nhận được sự đồng thuận của người dân. 260 hộ nghèo của quận thì có 130 hộ chuyển đổi ngành, nghề kinh doanh và đã có thu nhập ổn định. Chúng tôi sẽ tiếp tục có những đề án bố trí công việc phù hợp cho người dân. Trên địa bàn có 8 điểm ùn tắc giao thông, trong quý 2 sẽ chấm dứt tình trạng chợ tạm. Những điểm ùn tắc tại các trường học vào giờ cao điểm hết sức phức tạp, chúng tôi đang triển khai việc đưa đón bằng xe buýt để các cháu học sinh có ý thức về đi bộ trên vỉa hè và đi xe buýt công cộng”.

Trong ba tháng đầu năm, kinh tế TP.HCM tăng trưởng cao hơn cùng kỳ, đạt 7,46% (cùng kỳ tăng 7,08%). Đạt được kết quả trên là do các ngành, các cấp cùng toàn thể nhân dân thành phố đã tích cực triển khai Quyết định số 5880/QĐ-UBND về nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của kinh tế Thành phố đáp ứng yêu cầu hội nhập giai đoạn 2016 – 2020. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 47.885 tỷ đồng, tăng 7,8% so cùng kỳ. Trong đó vốn ngân sách đạt 2.964 tỷ; vốn doanh nghiệp nhà nước đạt 5.786 tỷ; vốn thực hiện đầu tư nước ngoài đạt 9.411 tỷ, vốn trong dân đạt 29.694 tỷ đồng.

Về vốn ngân sách, UBND TP.HCM đã giao kế hoạch vốn đầu tư công nguồn vốn ngân sách thành phố, nguồn vốn xổ số kiến thiết và nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) là 18.866,893 tỷ đồng, trong đó đã ưu tiên bố trí vốn đối ứng thực hiện các dự án ODA (1.259 tỷ đồng), vốn đầu tư của nhà nước tham gia thực hiện các dự án PPP (346 tỷ đồng), dự án chuyển tiếp (11.639 tỷ đồng), dự án khởi công mới (2.861 tỷ đồng)… Các dự án đầu tư từ nguồn vốn ngân sách thành phố đều đảm bảo về mặt chủ trương đầu tư, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo phù hợp với quy hoạch xây dựng và có đầy đủ các thủ tục theo quy định. Tất cả các dự án đã được Hội đồng nhân dân thành phố xem xét, chấp thuận về chủ trương đầu tư trước khi bố trí kế hoạch vốn để thực hiện.

Ý kiến của bạn

Bình luận